Hoàng thành Thăng Long: Tái hiện nghi lễ ban quạt dịp Tết Đoan Ngọ
Ngày 1/6, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội đã khai mạc chương trình “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” năm 2022, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. Trong đó điểm nhấn chính là hoạt động thể nghiệm nghi lễ ban quạt trong hoàng cung xưa.
Trong cung đình, dưới thời Lê, vua và triều đình long trọng tổ chức nghi lễ cúng tế tổ tiên, lễ thường triều và ban yến, ban quạt cho các quan thể hiện quyền uy của bậc thiên tử và mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các nghi thức tế lễ được tổ chức ở Thái Miếu và điện Chí Kính. Ngày Tết Đoan Ngọ có một nghi lễ đặc biệt là lễ ban quạt. Nhà vua tiến hành ban quạt cho các quan. Lễ ban quạt cho các quan được tổ chức thể hiện quyền uy của bậc thiên tử.
Trước nghi lễ này, triều đình giao cho Bộ Hộ cấp phát tiền công để chuẩn bị quạt ban trong ngày Tết Đoan Ngọ. Làng Đào Xá thuộc tổng Ngọc Cục, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, trấn Hải Dương xưa (nay là làng Đào Quạt, xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) được giao trọng trách làm quạt ban. Quạt sau khi làm xong được đệ tiến vào Văn miếu, Vũ miếu và vua sai ban cho hoàng thân, vương thân, quan văn võ đang tại chức, binh doanh các cơ, đội thuộc Bộ. Trong thời tiết nóng bức của ngày Tết Đoan Ngọ, nghi thức ban quạt là sự thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà vua giành cho các quan. Ân điển ban quạt của nhà vua còn ý nghĩa sâu sắc là ban “Phúc lành, sức khỏe, bình an”.
Lần đầu tiên Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tái hiện không gian nghi lễ ban quạt trong cung đình ngày Tết Đoan Ngọ.
Các thành viên Hội Di sản Văn hóa Thăng Long-Hà Nội và Công ty Cổ phần Ỷ Vân Hiên đã tham gia thực hành nghi lễ ban quạt. Những người tham gia đều vận trang phục cung đình xưa, được thực hành các nghi thức và được đón nhận quạt do vua ban. Nghi lễ diễn ra trong sự trang trọng, để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng cho người xem.
Cũng trong chương trình, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội còn trưng bày bộ sưu tập quạt của nghệ nhân Dương Văn Đoàn; chiếc quạt mang tính chất cung đình có kích thước 2,4 m đề bài thơ của vua Lê Hiến Tông viết trên quạt năm 1503; một số quạt dành cho vua, hoàng hậu và quan được phỏng dựng dựa trên các nguồn tư liệu. Khách tới tham quan còn được trải nghiệm làm quạt dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Dương Văn Đoàn.
Ngoài ra, đến với không gian trưng bày, du khách còn được tìm hiểu những phong tục độc đáo của ngày Tết Đoan Ngọ như: Tục “giết sâu bọ”, tục đeo bùa ngũ sắc thông qua những chiếc bùa ngũ sắc được phục hồi dựa theo hiện vật đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quai Branly (Cộng hòa Pháp) và không gian đầy màu sắc của một cửa hàng trên phố Hàng Mụn xưa, tục hái thuốc Nam đề cao tri thức dân gian dùng thảo mộc chăm sóc sức khỏe con người... thông qua hệ thống trưng bày hiện vật, pano, tranh vẽ diễn giải.
- Hà Nội: Tái hiện 'Đêm hoàng cung' tại Hoàng thành Thăng Long
- Khai trương Phố đêm Hoàng thành Huế
- Hoàng thành Thăng Long mở cửa trở lại từ ngày 16/2
Du khách còn được nghe nhà sử học Lê Văn Lan nói chuyện về các nghi lễ Tết Đoan Ngọ trong cung đình xưa, nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Ánh Tuyết giới thiệu tục “giết sâu bọ” trong ngày Tết Đoan Ngọ, nghệ nhân Dương Văn Đoàn giới thiệu về quy trình làm quạt…
Ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết: Chương trình “Tết Đoan Ngọ xưa và nay” năm 2022 nhằm tôn vinh truyền thống văn hóa của dân tộc, phát huy giá trị văn hóa cung đình của khu di sản Hoàng thành Thăng Long, với mong muốn mang đến cho du khách những sản phẩm du lịch đặc sắc, đậm dấu ấn văn hóa truyền thống.
Du khách sẽ có những trải nghiệm, hiểu hơn về với những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Chương trình Tết Đoan Ngọ sẽ trở thành một sự kiện được tổ chức thường niên tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị phong tục tập quán cổ truyền, đặc biệt giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu, thêm yêu nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam.
Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã trao tặng Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội bốn cây ngô đồng để trồng tại Hoàng thành Thăng Long. Đây là loại cây quý, gắn với mảnh đất cố đô Huế. Bốn cây ngô đồng là tình cảm, tấm lòng của người Huế dành cho Thủ đô Hà Nội, càng ý nghĩa hơn khi được trồng ở Hoàng thành Thăng Long.
Đinh Thuận