Vừa qua, Cổng thông tin điện tử Bộ VH,TT&DL đăng tải danh sách 39 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND) và 119 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT để lấy ý kiến trước khi Hội đồng cấp Bộ hoàn thiện hồ sơ trình Hội đồng cấp Nhà nước theo quy định.
Theo ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng (Bộ VH, TT&DL), bản danh sách trên mới chỉ được tập hợp từ các đơn vị nghệ thuật trực thuộc Bộ, chứ chưa phải là toàn bộ những gương mặt được đề xuất xét danh hiệu cho đợt này. Dự kiến, trong tháng 6 tới, các Hội đồng cấp tỉnh, thành phố cũng sẽ lần lượt cung cấp danh sách của mình để trình lên cấp cao hơn.
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh: Nên mở rộng phạm vi xét tặng
PV Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với các nghệ sĩ. Họ đều ghi nhận năm nay đã có một vài thay đổi giúp các nghệ sĩ tiện lợi hơn trong việc khai hồ sơ. Tuy vậy, nhiều nghệ sĩ được phỏng vấn đều chia sẻ cảm giác không thoải mái với việc phải làm hồ sơ để được xét duyệt danh hiệu, vì nghệ sĩ muốn được ghi nhận chứ họ không muốn phải làm hồ sơ xin xét duyệt.
NSƯT Minh Châu, người được xét tặng danh hiệu NSND trong năm nay cho biết: "Khi phải làm hồ sơ để được xét duyệt danh hiệu hầu hết nghệ sĩ đều thấy “ngại”. Nhất là những người làm điện ảnh thường xuyên phải xa nhà, không phải lúc nào cũng có điều kiện để làm hồ sơ. Ngoài ra các tiêu chuẩn đề ra quá chi tiết, có những nghệ sĩ chỉ thiếu một chút thời gian cống hiến thì bị "trượt", khiến họ cảm giác buồn, mất mát, không muốn tiếp tục làm hồ sơ nữa".
Nhạc sĩ Hồ Hoài Anh chia sẻ: “Có mặt trong danh sách hồ sơ xét duyệt đợt này, tôi rất vui khi nghĩ phần nào đó những đóng góp trong nghệ thuật của mình đã được ghi nhận. Tuy nhiên, khi làm thủ tục hồ sơ, tôi có điều băn khoăn với quy chế cần có giải thưởng (giải Vàng, giải Bạc) vì xung quanh mình, có rất nhiều đồng nghiệp lao động nghệ thuật hết mình, bền bỉ nhiều năm qua nhưng lại không bao giờ tham gia cuộc thi nào, không có giải thưởng gì.
Vì vậy, tôi vẫn mong việc xét tặng mở rộng thêm nhằm dành cơ hội cho những nghệ sĩ đóng góp thầm lặng hoặc không bao giờ đi thi, không có giải thưởng nhưng vẫn có những cống hiến xứng đáng được tôn vinh. Và suy cho cùng, ai làm nghệ thuật cũng mong muốn được tôn vinh. Danh hiệu NSND hay NSƯT do Nhà nước xét tặng là trong đó, có cả sự ghi nhận của khán giả và nhân dân”.
Nghệ sĩ Quyền Linh: “TP.HCM phải có hơn 100 nghệ sĩ xứng đáng NSƯT”
Ở quy mô cấp thành phố, ngày 27/3/2015, UBND TP.HCM đã ra thông báo số 43 TB-UBND do ông Hứa Ngọc Thuận (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) thay mặt Hội đồng thẩm định về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT lần thứ 8 - 2015 ký. Thông báo này cho biết có 2 cá nhân đủ điều kiện xét NSND và 25 cá nhân đủ điều kiện xét NSƯT.
Theo nghệ sĩ Quyền Linh (Ủy viên thường vụ Hội Điện ảnh Việt Nam): “Tôi nghĩ ở TP.HCM hiện nay có hơn 100 nghệ sĩ xứng đáng với danh hiệu NSƯT, vì sự đóng góp to lớn của họ, đã được khán giả xa gần yêu mến. Nhưng có mấy lý do mà họ không làm hồ sơ xin xét tặng, đầu tiên là vì môi trường làm việc (thị trường tự do, băng đĩa, truyền hình…) thì thi thố với ai để có đủ giải thưởng mà xin xét tặng; đây là chưa nói nhiều người đã lớn tuổi, danh tiếng và thành tựu đã nhiều, đi thi thố họ rất ngại.
Rồi có nhiều bộ môn như người dẫn chương trình chẳng hạn, ví dụ anh Thanh Bạch, chị Quỳnh Hương, họ sẽ thi với ai, trong khi với khán giả thì họ đã quá ưu tú. Thứ hai, khi tôi còn là Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh TP.HCM, chúng tôi luôn động viên nhiều anh chị làm hồ sơ, nhưng họ ngại những thủ tục hành chính, ngại phải xin xỏ, vì nói là phong tặng nhưng vẫn phải làm đơn xin. Thông báo của UBND TP.HCM vừa rồi là một động thái rất tốt, cần chủ động mở rộng hơn nữa.
Tôi nghĩ rằng đã đến lúc các hội đồng xét tặng danh hiệu cần mở rộng tiêu chí và cần linh hoạt hơn, nếu không sẽ “bỏ rơi” rất nhiều nghệ sĩ có sự lao động và đóng góp to lớn. Một trong những cách làm là nên lập các hội đồng báo chí để lấy tư vấn bước một, vì báo chí, truyền thông theo rất sát nghệ sĩ”.
NSƯT Chí Trung: Không hy vọng thì không thắc mắc
"Bảo rằng mình tuyệt đối không quan tâm gì tới vấn đề này thì cũng không đúng, bởi vừa qua tôi có nộp hồ sơ xin danh hiệu NSND. Tuy nhiên, nộp xong, tôi cũng không theo dõi số phận của nó nữa, và tất nhiên chẳng hy vọng gì nhiều. Chuyện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ từ trước tới nay luôn rắc rối, phức tạp và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tôi không muốn nhắc lại.
Không hy vọng, thì tất nhiên tôi cũng không thất vọng hoặc thắc mắc hỏi han xem mình "mắc" ở khâu nào mà không thấy có tên trong danh sách gửi lên Hội đồng xét tặng cấp Bộ. Trước đây, bạn bè hỏi thăm, tôi vẫn đùa là những thứ không thuộc về mình thì cũng đừng mong muốn làm gì. Sở hữu danh hiệu là điều hay, nhưng quả thực ở thời điểm này, người làm nghề như tôi cũng có nhiều vấn đề khác để quan tâm".
Bùi Tuấn Dũng thừa huy chương nhưng lại thiếu thâm niên
Một số nghệ sĩ cho biết, họ khá tiếc cho trường hợp của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng. Nếu nói về thành tích thì đạo diễn này thừa tiêu chuẩn NSƯT, với hai Bông sen Vàng, hai Cánh diều Vàng, cùng gần chục giải thưởng khác. Nhưng theo quy chế xét tặng danh hiệu, anh chỉ thiếu đúng 1 năm thâm niên công tác. “Thầu Chín ở Xiêm” – một phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng
Cách đây 19 năm đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã làm việc trong đoàn làm phim Sống mãi với Thủ đô, sau đó hai năm là Sóng ở đáy sông. Tuy nhiên thời điểm đó anh mới là sinh viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh, mà quy chế thì không tính khoảng thời gian công tác của anh vào thời điểm anh chưa có bằng tốt nghiệp đại học.
Liên lạc với đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, anh cho biết: "Danh hiệu nghệ sĩ thì nên dựa trên chất lượng tác phẩm thông qua các giải thưởng và đóng góp của nghệ sĩ với công chúng chứ không nên quá trọng việc quy đổi thâm niên công tác... Có những nghệ sĩ không học trường điện ảnh ngày nào nhưng đã làm ra nhiều bộ phim có giá trị đoạt nhiều giải thưởng quốc tế. Có những nghệ sĩ chẳng tham gia bất kỳ liên hoan phim, liên hoan sân khấu hay truyền hình nào nhưng họ là những nghệ sĩ nổi tiếng với công chúng và có những đóng góp lớn cho nền nghệ thuật.
Tôi hiểu đây là giải thưởng của Nhà nước, có quy chế. Nhưng nếu quy chế chưa sát với thực tế thì việc xét tặng cũng cần phải thay đổi để sao cho phù hợp".
Hải Diệp (ghi)
Lần đầu tiên nghệ sĩ hải ngoại được đề nghị xét tặng NSƯT
Lần đầu tiên một nghệ sĩ hải ngoại được đề nghị xét tặng danh hiệu NSƯT là danh hài Hoài Linh (tên thật là Võ Nguyễn Hoài Linh).
Danh hài Hoài Linh cho biết: “Tôi luôn biết ơn, trân trọng mọi sự ghi nhận, phong tặng, xét tặng, bởi điều đó là động lực để bản thân mình phải yêu nghề, phải có trách nhiệm với nghề nhiều hơn nữa”.
Nghệ sĩ Hoài Linh
Anh khiêm tốn nói: “Còn việc nói tôi xứng đáng hay không thì chẳng dám bàn, vì thời gian mình làm nghề cũng ngắn thôi, vì xung quanh mình còn có hàng trăm nghệ sĩ đã xứng đáng là NSƯT, những đóng góp của họ với nghề là vô lượng, chỗ đứng của họ trong trái tim khán giả, trong con mắt nhân dân là vô biên. Những người ấy, có thể họ sẽ không bao giờ được phong NSƯT, nhưng làm được như họ không phải là dễ, họ đã thật sự ưu tú trong lòng nhân dân rồi”.
Cũng theo nghệ sĩ này, khi anh chọn TP.HCM làm nơi quay về làm việc, được UBND TP.HCM đưa tên vào danh sách xét tặng cùng 24 đồng nghiệp khác đã là nguồn động viên lớn.
Văn Bảy (ghi)
|
Lam Anh - Cúc Đường - Văn Bảy (ghi)
Thể thao & Văn hóa