loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Vào lúc 16h ngày 6/6 tại The Factory Contemporary Arts Centre (15 Nguyễn Ư Dĩ, quận 2, TP.HCM) sẽ diễn ra chuyến tham quan nghệ thuật Nhặt lá rừng xưa. Triển lãm này khai mạc ngày 14/2 vừa qua và kéo dài gần 2 tháng, nhưng phải tạm hoãn vì đại dịch Covid-19 một thời gian.. Đó là điều đáng tiếc, với một triển lãm chất lượng cao và rất kỳ công của nghệ sĩ Võ Trân Châu (sinh năm 1986).
Trưng bày 48 tác phẩm của 38 tác giả, Triển lãm tranh sơn mài truyền thống 2020 đang diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM. Dù chưa thật bao quát, nhưng có thể xem đây là một lát cắt về những tác giả làm sơn mài theo kỹ thuật truyền thống tại TP.HCM và các tỉnh lân cận.
Điểm kỳ công và độc đáo của triển lãm này là sự kết hợp giữa kỹ thuật nhiếp ảnh và may vá để làm nên những bức tranh thảm vải. Ôm ấp ý tưởng trong nhiều năm, Võ Trân Châu mất hơn 2 năm ròng để thực hiện.
Bị chấn động trước quần áo cũ
Tình cờ phát hiện những container nhét đầy quần áo cũ bên trong và gần như vô chủ, nằm rải rác khắp nhiều cảng ở Sài Gòn và đặc biệt là cảng Cát Lái, Võ Trân Châu đã bị chấn động trước các khối rác thải kín đáo này. “Đó là con số rất lớn nên tôi cũng muốn làm gì đó để giảm bớt số lượng quần áo cũ phải bỏ ra bãi rác, gây tổn hại đến môi trường” - Võ Trân Châu kể.
Dù học sơn mài bài bản, có nhiều năm làm nghệ thuật đương đại, nhưng gia đình Võ Trân Châu có truyền thống về nghề vải, nên chuyện may vá không gặp vấn đề gì khó khăn. Năm 2017, nữ nghệ sĩ này từng làm triển lãm cá nhân Neo lại kỳ lâu, với vật liệu là áo quần đời thường của các hậu duệ nhà Nguyễn.
Còn bây giờ, đến Nhặt lá rừng xưa, Võ Trân Châu muốn gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng tiêu dùng vô tội vạ và tham vọng lợi nhuận của ngành thời trang may sẵn hiện nay. Dường như bây giờ người ta không chỉ mặc cho ấm, mặc cho đẹp, mà còn mặc cho vui, mặc cho có, với mục đích chính không phải là thiếu quần áo mới và đẹp mà bởi cơn nghiện mua sắm, sắm cho đã thì phải mặc cho có mặc. Tình trạng dư thừa quần áo đang quá phổ biến, nhất là ở các đô thị, nên rác thải quần áo cũ đang xâm chiếm môi trường sống đến chóng mặt.
“Không thể ngăn cấm việc mua sắm, mà chỉ mong mọi người mua sắm ít lại một chút thôi, để trái đất giữ được tuổi thọ thêm một chút. Với riêng bản thân thì từ lâu rồi tôi không mua sắm quần áo mới, chỉ nhặt nhạnh và sửa sang lại đồ cũ để dùng” - Võ Trân Châu chia sẻ - “Sau khi xin lại số lượng quần áo cũ khổng lồ đó, tôi và mẹ bắt đầu soạn ra để tái sử dụng. Số còn dùng được, tôi cho các công nhân gần nhà, với số không thể tái sử dụng thì tôi dùng làm nguyên liệu cho triển lãm”.
Một tân hoài niệm
Một trong những điểm nhấn của triển lãm này là 4 tranh thảm vải tái hiện 4 nhà máy dệt xuất hiện ở Việt Nam từ thời Pháp thuộc, đã không còn. Đó là Nhà máy dệt Nam Định, Nhà máy dệt 8/3, Nhà máy dệt Phú Phong, Nhà máy dệt Phú Lâm. Tác phẩm dùng kỹ thuật nhiếp ảnh phóng lớn, sau đó chọn vải cũ theo điểm ảnh để cắt may thành các bức tranh thảm vải.
Võ Trân Châu còn tái hiện thương xá Tax ở Sài Gòn, nhà thờ Trà Cổ, hệ thống xe điện Sài Gòn, xưởng đóng tàu Ba Son, trường vẽ Gia Định… Điểm chung của các tái hiện này là các công trình này ở đời thực hoặc không còn, hoặc có nguy cơ biến mất.
Chúng ta có thể gọi Nhặt lá rừng xưa là một hành trình tân hoài niệm, vì nó “ôn cố tri tân”, chứ không chỉ có hoài nhớ dĩ vãng đơn thuần. “Tái cấu trúc đô thị hóa quá nhanh làm cho các công trình di sản bị mất đi chóng mặt. Do đó, tôi sử dụng nguyên liệu mà không ai dùng nữa và dùng những hình ảnh cũng xưa cũ để tạo nên một không gian thuộc về ký ức” - Võ Trân Châu chia sẻ - “Khi làm việc với những thứ thuộc về lịch sử, ký ức, tôi đã nói chuyện rất nhiều với Trần Quang Đức, một người nghiên cứu có cách tiếp cận lịch sử rất phù hợp với tôi. Cả hai có sự đồng cảm với nhau khi mong muốn dùng lịch sử như một cách để kể những gì đã diễn ra, cốt là để tìm thấy mình, nhận ra mình trong xã hội hiện thời.
Võ Trân Châu và ê-kíp thực hiện đã mượn tên tập sách Nhặt lá rừng xưa của Minh Đức Triều Tâm Ảnh để đặt tên cho triển lãm. Tinh thần của sách này là “đi tìm dấu chân trên cát, tượng mây giữa trời”, diễn tả sự "có", "không" ở đời. “Rừng xưa thay lá”, vậy mà người nay trở về rừng xưa để nhặt lá, liệu có còn lá hay không? Thế nhưng, trong tinh thần tân hoài niệm, chẳng có gì là trường cửu, nhưng cũng chẳng có gì vĩnh viễn mất đi.
Mấy năm gần đây Võ Trân Châu từng tham gia nhiều sự kiện nghệ thuật trong và ngoài nước như Nơi biển nhớ (Mỹ, 2019), Unfolding: Fabric Of Our Life (Hong Kong, Trung Quốc, 2019), Người (được) ngắm (Sàn Art, TP.HCM, 2018), Tỏa (VCCA, Hà Nội, 2017), Still (the) Barbarians (Ireland, 2016), Suzhou Documents (Bảo tàng Nghệ thuật Tô Châu, Trung Quốc, 2016)…
Văn Bảy
loading...