Họa sĩ Vi Kiến Thành lý giải việc tranh, tượng, ảnh khỏa thân bị 'tuýt còi'
(Thethaovanhoa.vn) - Tranh, tượng, ảnh khỏa thân đang được quản lý thế nào? Đó là câu hỏi đang được dư luận quan tâm, sau những lùm xùm vừa qua với bộ tượng 12 con giáp tại khu du lịch Hòn Dáu (Hải Phòng). Xa hơn, một thời gian dài trước đó, việc cấp phép cho các triển lãm tranh hoặc ảnh khỏa thân vẫn là một câu chuyện phức tạp và nhạy cảm.
- Tượng 12 con giáp cởi truồng ở Hải Phòng và loạt tượng con giáp triệu người trầm trồ
- Nghệ thuật, sự xấu hổ và tượng 12 con giáp ở Hải Phòng
- Sao tượng... mặc quần, che lá?
Gần nhất, vào tuần qua, Bộ Văn hóa, Thể thao&Du lịch đã có văn bản số 1313 với nội dung đề nghị các cơ quan quản lý hướng dẫn các “đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày tượng, biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam”.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với họa sĩ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm. Ông Thành cho biết:
- Tranh, ảnh hay tượng khỏa thân là loại sáng tác không xa lạ gì trên thế giới, nhưng ở các nước Á Đông vẫn là một vấn đề nhạy cảm. Thực tế, giữa một tác phẩm mang tính nghệ thuật cao, tôn vinh vẻ đẹp tạo hình của cơ thể con người (mà phần lớn là phụ nữ) và sự dung tục thì khoảng cách cũng khá mong manh. Chỉ một bước, tác phẩm có thể chuyển từ nghệ thuật lành mạnh, trong sáng sang việc gợi cảm xúc thẩm mỹ không tốt.
Thực trạng quản lý của chúng ta là không phải ngăn hoàn toàn, nhưng cũng không mở hoàn toàn trong lĩnh vực này. Chúng ta vẫn cho phép, thậm chí là ủng hộ những sáng tác này, nhưng cần có sự thẩm định của các cơ quan quản lý văn hóa. Những trường hợp không được cấp phép bởi cách thể hiện ít có tính văn hóa. Chẳng hạn, đó có thể là việc mô tả những bộ phận kín đáo của con người một cách tự nhiên chủ nghĩa, hoặc tạo ra dáng đứng, dáng ngồi một cách thô thiển và phản cảm.
* Ông có thể so sánh về mức độ khó/dễ khi cấp phép cho các triển lãm tranh, ảnh, hay tác phẩm điêu khắc liên quan đến tác phẩm khỏa thân?
- Việc cấp phép, cũng như thẩm định các triển lãm tranh khỏa thân thì có tương đối thoải mái và dễ dàng, bởi tác phẩm có sử dụng ngôn ngữ tạo hình và quan điểm thẩm mỹ của người vẽ. Trong góc nhìn và cách tạo hình của họ đã có sự hư cấu, cách điệu rồi.
Triển lãm điêu khắc cũng tương tự vậy. Khi có trình độ thẩm mỹ và hiểu vấn đề thì họ có cách tiếp cận đúng ngay từ đầu. Tác phẩm điêu khắc có thể có yếu tố khỏa thân hoặc xuất hiện các bộ phận cơ thể của nam nữ, nhưng được đơn giản và cách điệu hóa để phục vụ ý tưởng tác phẩm, cũng như phô diễn vẻ đẹp ngoại hình và cấu trúc cơ thể con người. Thực tế, cũng có khá nhiều triển lãm tranh, hoặc điêu khắc, liên quan tới yếu tố khỏa thân được cấp phép trong những năm qua.
Riêng tác phẩm nhiếp ảnh thì phức tạp hơn. Loại hình này có tính hiện thực rất cao, vì vậy việc cấp phép chặt chẽ hơn. Theo Nghị định 72 của Chính phủ, nếu chụp ảnh khỏa thân mà lộ rõ danh tính, nôm na là có thể xác định được khuôn mặt của người mẫu, thì người chụp và người mẫu phải có văn bản thỏa thuận giữa 2 bên về việc đồng ý cho công bố tác phẩm.
Thực tế thì vì nhiều lý do, anh em nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng ít khi có sự thỏa thuận này. Tuy nhiên, gần đây triển lãm ảnh khỏa thân có tên Tạo tác của Hạo Nhiên lại được ngành văn hóa TP.HCM cấp phép dễ dàng, bởi bộ ảnh của anh chủ yếu là các góc chụp ghi lại dáng và đường nét của người mẫu chứ không rõ mặt.
* Trở lại câu chuyện của loạt tượng 12 con giáp tại Hòn Dáu vừa qua. Đã có nhiều người thắc mắc về sự can thiệp của ngành văn hóa Hải Phòng , trong khi loạt tượng được bày ở không gian riêng của một khu du lịch…
-Nói rằng đây là không gian riêng thì chưa đúng. Bởi, không gian trong khu du lịch có thể là thuộc về tài sản cá nhân, nhưng đó là khu du lịch phục vụ số đông và mọi đối tượng du khách không giới hạn độ tuổi đều có thể tiếp cận. Nếu họ bày trong một căn phòng kín, hoặc chí ít là trong một sân vườn có hàng rào, thì ngành quản lý cũng chẳng quan tâm làm gì.
Tất nhiên, những gợi ý về việc mặc đồ cho loạt tượng là không hay. Tôi thấy đó là những bức tượng nhỏ, có thể di dời, nên hoàn toàn có thể cùng trao đổi để chuyển sang một nơi thích hợp hơn, hoặc sử dụng vào một mục đích khác.
* Cuối cùng, ông có thể nói về việc cấp phép cho các tác phẩm liên quan tới yếu tố khỏa thân trong thời gian tới?
- Tôi nghĩ, chúng ta nên nhìn mọi thứ một cách đơn giản và nhẹ nhàng. Ngoài các triển lãm, như tôi biết, nhiều vườn tượng hoặc công viên tại một số đô thị trên toàn quốc cũng đang đặt những bức tượng khỏa thân hoặc mang yếu tố khỏa thân. Những tác phẩm ấy có yếu tố thẩm mỹ tốt và đều được cộng đồng chấp nhận.
*Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này.
Sẽ có 1 triển lãm khỏa thân lớn… Họa sĩ Vi Kiến Thành chia sẻ: “Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm đang lên kế hoạch để đứng ra tổ chức một cuộc triển lãm ảnh khỏa thân lớn trong 3 tháng tới, với sự tham dự của khoảng chục tác giả có uy tín trong lĩnh vực này. Chúng tôi muốn tổ chức sự kiện ấy để dư luận cùng có cách nhìn đúng hơn về ảnh khỏa thân, cũng như để có sự so sánh về các bức ảnh khỏa thân nghệ thuật với những bức ảnh khỏa thân kém chất lượng, hoặc thậm chí là những bức ảnh kích dục nhưng lại được khoác cái tên “ảnh khỏa thân” và đang trôi nổi trên mạng”. |
Anh Bảo (thực hiện)