Họa sĩ Trần Trọng Vũ: Hào hứng và… sợ

Lần trở về này của Trần Trọng Vũ, một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa đương đại Việt Nam ở nước ngoài, không có triển lãm, dĩ nhiên không có ồn ào chúc tụng. Thay vào đó “có một sự im ắng rất Việt kiều”.
02/01/2013 13:39

(Thethaovanhoa.vn) - Lần trở về này của Trần Trọng Vũ, một trong những tên tuổi hàng đầu của hội họa đương đại Việt Nam ở nước ngoài, không có triển lãm, dĩ nhiên không có ồn ào chúc tụng và sau đó là hầu hết các tác phẩm trưng bày đều được mua sạch như ở Chúc sống lâu tại L’Espace năm 2007 hay 3 triển lãm trước đó ở Mai Gallery.

Và anh, thay cho vẻ bề ngoài như nhận xét của một nhà báo, “có một sự im ắng rất Việt kiều, luôn luôn nghe nhiều hơn là nói”, lại có nhiều điều muốn chia sẻ sau 3 tuần ở Hà Nội trong một cương vị mới: giảng viên thỉnh giảng ở ngôi trường mà 23 năm trước anh từ đó ra đi.

Một sợi dây xuyên suốt hành trình nghệ thuật…

* Trước khi nhận học bổng sang Pháp năm 1989 và rồi trở thành một “đại diện của nghệ thuật thị giác Pháp” (lời giới thiệu của Đại sứ quán Pháp và Viện Văn hóa Pháp tại triển lãm riêng của Trần Trọng Vũ tại Thủ đô nước Cộng hòa Uzbekistan tháng 10 năm nay - TT&VH), anh từng đứng trên bục giảng ĐH Mỹ thuật Hà Nội. Phải chăng đó là lý do cho sự trở về này?

- Họa sĩ Lê Anh Vân, khi còn là hiệu trưởng, có lần gặp tôi bày tỏ ý định rất muốn nhà trường đón được nhiều người Việt Nam làm nghệ thuật ở nước ngoài như tôi về trường, giảng dạy hoặc nói chuyện với sinh viên. Một lý do là vì dường như, những nghệ sĩ nước ngoài đến với trường đều chưa hiểu được môi cảnh cũng như cách thức tiếp nhận thông tin, tác phẩm nghệ thuật của sinh viên nên có nhiều cái khó như ý cho cả hai phía. Thực ra chương trình lần này kéo dài 3 tuần thôi với 15 sinh viên tham dự.

Họa sĩ Trần Trọng Vũ trong chuyến trở về mới nhất, 11/2012
* Hẳn là sinh viên trường nghệ thuật thời nay khác nhiều so với sinh viên thời anh, nhất là sự quan tâm, cảm xúc, sự tập trung của họ đối với nghệ thuật?

- Tất nhiên là các bạn ấy khác nhiều so với thời của chúng tôi. Phải khác chứ vì bây giờ, xã hội đã khác xưa nhiều; các bạn ấy không chỉ tiếp nhận thông tin nghệ thuật từ nhà trường, các triển lãm trong nước, hoặc bạn bè họ, như thế hệ chúng tôi, mà từ nhiều nơi chốn khác. Nhưng tôi thấy tình cảm của họ dành cho nghệ thuật thì không khác thời chúng tôi là bao.

Trong nhóm lần này của chúng tôi có một sinh viên năm thứ 4, quê ở Hà Tĩnh. Em kể vì mẹ cấm theo học mỹ thuật nên em bỏ nhà ra Hà Nội. Suốt bốn năm trời không liên lạc với bất kỳ ai trong gia đình, họ hàng, bạn bè cũ, em đi làm mọi việc để kiếm tiền ôn thi. Sau bốn năm, khi thi đậu vào trường, em mới về quê. Lúc ấy, cả nhà lăn ra khóc vì họ nghĩ rằng em đã chết rồi. Gia đình nhiều lần thông báo tìm kiếm em trên báo đài, ti-vi, em biết hết nhưng vẫn kiên trì im lặng... Bạn thấy đấy, rõ ràng là tình cảm của các sinh viên ấy dành cho nghệ thuật hoàn toàn trọn vẹn và trong sáng.

* Họ có ngạc nhiên với những điều anh mang đến về nghệ thuật đương đại không?

Có thể gọi sáng tác của tôi là hội họa cũng được, nhưng một thứ hội họa không giới hạn, một thứ hội họa - phương tiện, chứ không phải là hội họa - mục đích. Họa sĩ Trần Trọng Vũ

- Họ không ngạc nhiên, vì nhiều sinh viên cũng đã kịp tìm hiểu về tôi qua internet rồi. Nhưng phần nhiều trong số họ nói là “chưa bao giờ” được biết những thông tin như thế, hoặc những cách lý giải như thế (về nghệ thuật đương đại) từ chương trình học ở nhà trường. Các em hầu như không biết gì nhiều về lịch sử nghệ thuật đương đại trên thế giới và cũng không học được gì về trào lưu nghệ thuật này từ các sáng tác của giảng viên trong nhà trường.

* Vậy trong thời gian ngắn chỉ có 3 tuần ấy, anh nói với họ điều gì?

- Tôi cho rằng người làm nghệ thuật phải có một lý thuyết (nếu có thể gọi như vậy) của chính mình về và cho nghệ thuật của mình. Lý thuyết này như một sợi dây xuyên suốt hành trình nghệ thuật của anh ta và anh ta có thể nói được về nó cũng như truyền đạt nó qua sáng tác của mình. Tất cả những gì tôi trao đổi với các em trong ba tuần vừa qua, tôi đều có dẫn chứng đầy đủ bằng sáng tác từ 30 năm nay của nhiều nghệ sĩ trên thế giới, đa dạng về ngôn ngữ như sắp đặt, hội họa, trình diễn, múa, nhiếp ảnh, video...

* Các sinh viên có chia sẻ được điều đó với anh không?

- Tôi thấy là họ thích thú vì được tiếp nhận một cách hiểu và làm nghệ thuật khác với cái hàng ngày của họ. Và họ cởi mở với tôi. Chúng tôi cùng thực hiện một sáng tác mang tên Vườn A4, với tất cả các sáng tác được làm từ chất liệu chính là giấy A4, mở ra một không gian nhiều lối vào, nhiều chiều cảm nhận cho chính người làm ra và người thưởng thức nghệ thuật. Chúng tôi cùng thức đến 1, 2 giờ sáng để hỗ trợ nhau làm bằng xong cho ngày kết thúc...

Một góc Vườn A4 - tác phẩm mới nhất Trần Trọng Vũ làm với các học sinh Trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam

* Những sinh viên này cho anh hình dung thế nào về một thế hệ nghệ sĩ tương lai của Việt Nam?

- Tôi không biết phải trả lời câu hỏi của bạn thế nào, vì thực tế có quá nhiều điều khác so với hình dung trước đó của tôi về chuyến trở lại trường lần này. Riêng với các em, chúng tôi đã kịp lập một trang của nhóm A4 trên Facebook. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc, trao đổi với nhau về tất cả những gì có thể liên quan đến học và làm nghệ thuật. Tôi thấy các em ấy đã có nhiều say mê hơn so với tuần đầu tiên, có em còn bày tỏ trên Facebook ngay sau buổi tối khai mạc là “không ngủ được, dù thấy rất mệt, chỉ muốn quay lại xưởng A4 để ngủ với các sáng tác lần nữa...”.

Sợ khi nghĩ đến… lần nữa trở về

* Vậy trước chuyến trở về này, anh hình dung như thế nào về nó?

- Tôi nói với nhà trường là chương trình sẽ dành cho tất cả các sinh viên từ năm đầu đến cuối ở tất cả các khoa. Tôi cũng đã hình dung là chương trình sẽ được dành toàn bộ ba tuần, như một khóa học/thực hành chính thức.

* “Thực tế có quá nhiều điều khác”, là những gì vậy?

- Thực tế thì thế này: chỉ có sinh viên năm thứ tư và thứ năm tham gia. Họa sĩ Lê Văn Sửu (Phó hiệu trưởng Đại học Mỹ thuật Việt Nam - TT&VH) rất băn khoăn và cho tôi hay là, vì có nhiều ý kiến cho rằng sinh viên mới thì “chưa đủ bản lĩnh để tiếp cận nghệ thuật đương đại”. Song, một số sinh viên học hai năm cuối cũng hoàn toàn không biết tin về chương trình này. Bố mẹ của chúng trong những lần gặp gỡ tình cờ, nghe tôi nói, mới biết và hôm sau đưa con đến lớp. Lớp năm thứ ba thì có lịch đi thực tế sáng tác trong thời gian này. Nhà trường nói là tất cả các lịch học theo chương trình đều không thể bỏ được vì là quy định của Bộ chủ quản. Duy chỉ có một em sinh viên năm thứ ba đã ở lại để tham gia khóa thực hành.

* Hôm chương trình báo cáo kết quả khóa học khai mạc, tôi thấy một vài sinh viên khá lúng túng tìm chỗ đặt các biển hình mũi tên chỉ đường cho người xem vòng ra sau tòa nhà bảo tàng, lên tầng 2 chứ không được đi lối cửa chính? Tại sao vậy anh?

- Tầng 1, sảnh, lối vào chính của nhà triển lãm được dành để cho thuê tiệc cưới rồi. Họa sĩ Lê Văn Sửu và tôi cũng phải “đấu tranh” để có được 2 tuần ở tầng 2 này đấy, vì tầng này cũng dành cho thuê tiệc cưới. Vì thế mà chỉ có cửa sau để vào thôi.

Trần Trọng Vũ năm 1996 cùng cha, nhà thơ Trần Dần và những người bạn văn nghệ cùng thời. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

* Có vẻ như chương trình đã không được chính thức hóa như anh hình dung?

- Có lẽ. Tuần đầu tiên, chương trình diễn ra trong các buổi tối, lý do là vì sinh viên phải học đủ giờ cả sáng lẫn chiều theo thời khóa biểu. Tôi nhớ ngày đầu tiên, cán bộ phòng đào tạo phải đi “lùa” sinh viên đến với tôi. Các em tỏ ra mệt mỏi, vì sáng học hình họa, chiều học chuyên ngành, rồi lại đến lớp của tôi nữa. Mới đầu giữa chúng tôi cũng còn những khoảng cách. Nhưng dần dần, mọi chuyện cởi mở hơn và sau tuần đầu tiên, họa sĩ Lê Văn Sửu và chúng tôi đã “đấu tranh” để có được 3 buổi/tuần vào các giờ chiều. Còn lại, vẫn phải duy trì thời gian buổi tối.

* Tôi thấy anh dùng từ “đấu tranh” đến ít nhất là hai lần rồi đấy?

- Đấu tranh, đấy chỉ là một thói quen còn giữ lại của quá khứ. Có rất nhiều thứ phải bàn thảo, rồi cố gắng nhiều mới thực hiện được cho khóa thực hành. Tôi sợ lắm. Ví dụ nhỏ như việc chuẩn bị phòng trưng bày cho sạch sẽ và thay bóng đèn chiếu sáng mà nhà trường cũng không phân công được người làm.

* Các giảng viên trong trường có hào hứng với sự trở về của anh?

- Tôi thực sự không biết về điều đó vì tôi rất bận với các sinh viên. Chỉ thấy thực tế là có rất ít, nếu không muốn nói là hầu như chẳng có giảng viên nào đến với những giờ thực hành của chúng tôi, trò chuyện hay xem chúng tôi làm. Còn gặp nhau ở sân trường thì cũng cười cười, giơ tay chào nhau thôi.

* Trong buổi khai mạc trưng bày báo cáo thực hành, họa sĩ Lê Văn Sửu có nói đến tương lai hợp tác với anh, ít nhất là hai năm một lần anh về lại trường tổ chức các chương trình tương tự.

- Tôi sợ lắm rồi (lắc đầu cười). Tôi có nói với anh ấy là: “Đến lúc ấy rồi tính”. Cũng có thể, sau một thời gian nữa, tiêu hóa dần những nỗi sợ rồi tôi sẽ tính lại...

* Rõ ràng là nhà trường tỏ ra tha thiết muốn anh về lại với họ?

- Vâng, thì lúc đầu là thế mà. Họa sĩ Lê Văn Sửu, sau khi tiếp nhận việc phụ trách nhà trường cũng đã nói với tôi là “phải làm bằng được việc này”...

* Đến giờ thì tôi có thể hiểu vì sao anh khó nói về hi vọng vào các thế hệ nghệ sĩ tương lai rồi?

- Bạn thấy đấy, sinh viên vẫn ham thích với cái mới, với sự cởi mở và quan trọng nhất, tình cảm trong họ dành cho nghệ thuật vẫn luôn đầy. Nhưng có lẽ không phải tại họ.

* Anh giữ quan hệ với các bạn trong nhóm A4 với tư cách một người hướng dẫn hay một người bạn?

- Có lẽ là cả hai. Tôi thích trao đổi với họ vì như đã nói, tôi thấy họ hệt như tôi ngày xưa... Chương trình của tôi với nhóm A4 sẽ vẫn tiếp tục duy trì theo những hình thức khác.

Tôi đang “mở”

* Xem các sáng tác của anh, tôi thấy là anh nặng lòng nhiều với ký ức của cá nhân mình cũng như một số vấn đề của lịch sử đất nước. Tại vì anh ở xa quê hương nên vậy chăng?

- Gần đây, tôi về nước mỗi năm ít nhất một lần, vì mẹ tôi cũng cao tuổi rồi và anh em tôi còn nhiều việc phải làm nữa. Tôi vẫn gặp lại bạn bè, người thân đều. Tôi thấy kể cả họ ở đây cũng có nhiều thứ nặng lòng như tôi vậy thôi. Vấn đề có lẽ là anh có gì trong ký ức đó... Tôi nghĩ là cuối cùng, người nghệ sĩ thực sự là người thấy được những vấn đề của cuộc sống và qua tác phẩm của anh ta, người ta thấy được vấn đề của anh ấy trong đời sống này.

* Anh có nói với các bạn sinh viên về lý thuyết của cá nhân mỗi người khi làm nghệ thuật. Vậy, lý thuyết của anh là gì?

Trần Trọng Vũ sinh năm 1964 tại Hà Nội, là con trai út của nhà thơ Trần Dần. Tốt nghiệp ĐH Mỹ thuật Hà Nội năm 1987, năm 1989 anh nhận được học bổng để vào Trường Mỹ thuật Quốc gia Pháp (Ecole Nationale des Beaux-Arts, Paris). Trần Trọng Vũ hiện sống tại Paris và đã triển lãm mỹ thuật tại nhiều nơi trên thế giới.

- Từ lâu tôi đã qua giai đoạn đóng kín, vẽ trên những mặt phẳng có giới hạn và độc thoại với bản thân. Tôi đang ở trong giai đoạn “mở“ với nghệ thuật của mình. Tất cả các mối quan hệ trong nghệ thuật của tôi đều mở: tôi - khán giả; tôi - nghệ thuật; khán giả - nghệ thuật của tôi,... Có thể gọi sáng tác của tôi là hội họa cũng được, nhưng một thứ hội họa không giới hạn, một thứ hội họa - phương tiện, chứ không phải là hội họa - mục đích như của phần nhiều họa sĩ. Cũng có thể gọi đó là sắp đặt trong cách sử dụng không gian để tạo dựng những hình ảnh ba chiều, người xem có thể bước vào bên trong đó và thiết lập những đối thoại với tác phẩm. Và quan trọng nhất, chúng mở ra nhiều chiều cảm nhận, chúng đa ngữ nghĩa và đặc biệt là đa nghĩa trong thị giác.

* Cũng đã 5 năm kể từ khi anh về nước trưng bày tác phẩm mới. Anh có dự định nào cho lần trở về triển lãm tiếp theo chưa?

- Thực tế là tôi cũng rất nhiều việc đang làm, hoặc có kế hoạch rồi. Năm tới, tôi có một triển lãm ở Nhật Bản. Còn về việc trưng bày ở trong nước thì hiện giờ chưa có kế hoạch nào.

Phong Vân (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Tin cùng chuyên mục

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

5 yếu tố quen thuộc trong câu chuyện Giáng sinh không xuất hiện trong kinh Thánh

Mỗi mùa Giáng sinh, hàng triệu trẻ em trên khắp toàn cầu hồ hởi tham gia vào vở kịch Giáng sinh tại trường học. Vở kịch này - thường được biết đến như câu chuyện Giáng sinh - nhằm tái hiện sự ra đời của Chúa Jesus Christ.

Tiềm năng du lịch khám phá nơi biên giới Mường Nhé

Tiềm năng du lịch khám phá nơi biên giới Mường Nhé

Mường Nhé là huyện biên giới của tỉnh Điện Biên, có đường biên tiếp giáp hai nước bạn Lào và Trung Quốc, cũng là điểm cực Tây Bắc Tổ quốc, được mệnh danh nơi "một tiếng gà gáy, ba nước cùng nghe".

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Nhà văn Mộc An: Viết cho thiếu nhi là viết cho tuổi thơ mình

Mới đây, bộ đôi truyện dài "Nếu một ngày chúng tớ biến mất", "Nhạc sĩ đường phố" của chị lại được vinh danh với giải B, Giải thưởng Sách quốc gia 2024. Thể thao và Văn hóa đã gặp lại và có cuộc trò chuyện với chị.

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Góc nhìn 365: Một tương lai dừng lại để nối những tương lai

Bức ảnh các bác sĩ đang đứng xung quanh bàn phẫu thuật, thành kính chắp tay cúi đầu, đang được lan truyền khắp nơi trong những ngày qua.

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

Tác giả Ruby Nguyen ra mắt sách "Khai vấn trong từng hơi thở"

"Khai vấn trong từng hơi thở" là cuốn sách thứ hai của tác giả Ruby Nguyen, do Nhà xuất bản Hà Nội và Thái Hà Books ấn hành.

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

"Khúc quân hành vang mãi non sông" kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam

Đài PT-TH Hà Nội tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận đặc biệt mang tên "Khúc quân hành vang mãi non sông" vào 22/12 tại sân Đoan Môn, khu Bảo tồn Di sản Hoàng thành - Thăng Long.

Kiểm tra thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Kiểm tra thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh

Ngày 18/12, đoàn kiểm tra kết quả thực hiện Chương trình số 06 CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về phát triển văn hoá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh giai đoạn 2021 - 2025.

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

Nhà văn Phương Trinh: "Đưa những điều gan ruột vào trang viết"

"Biến mất" khá lâu trong làng văn, mới đây, nhà văn Phương Trinh - cây bút có dấu ấn trong văn học thiếu nhi - xuất hiện trở lại trong những sách "Bài tập thực hành tiếng Việt", lớp 4 và 5 (NXB Giáo dục).

Tin mới nhất

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Đà Nẵng đón Giáng sinh – Chào năm mới 2025 với nhiều chương trình du lịch độc đáo

Chào mừng lễ Giáng sinh và năm mới 2025, các đơn vị du lịch, lưu trú, điểm công cộng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang có nhiều hoạt động, chương trình độc đáo, hấp dẫn thu hút khách du lịch.

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Du lịch Huế “cất cánh” bằng thế mạnh di sản văn hóa

Năm 2025 là dấu mốc quan trọng đánh dấu bước ngoặt Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đem đến nhiều vận hội mới cho địa phương.

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Thái Nguyên lần đầu tổ chức Liên hoan ẩm thực các món ăn chế biến từ cây chè

Ngày 16/12/2024, tại thành phố Thái Nguyên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức Liên hoan Ẩm thực mang chủ đề “Trải nghiệm xứ trà, đậm đà bản sắc”.

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Ninh Thuận tăng cường bảo vệ và phát huy giá trị đồi cát Nam Cương

Đồi cát Nam Cương (xã An Hải, huyện Ninh Phước) nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang – Tháp Chàm khoảng 7 km về hướng Đông Nam được ví như "tiểu sa mạc Sahara" với cảnh quan và địa hình độc đáo.

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Quảng Bình phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng

Tỉnh Quảng Bình có nhiều danh lam thắng cảnh kỳ thú, hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Phở và nem “chinh phục” thực khách Italy

Ngày 12/12/2024, Đại sứ quán Việt Nam tại Italy đã phối hợp với Vietnam Airline tổ chức sự kiện “Phở và Nem: Đường đến với ẩm thực Việt Nam - Bay thẳng Việt Nam - Italy từ tháng 7/2025” nhằm quảng bá văn hóa ẩm thực và thúc đẩy du lịch Việt Nam.

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Độc đáo khu phố bao cấp của Hà Nội được tái hiện trong "Đêm Trúc Bạch"

Lần đầu tiên tại Hà Nội, một không gian với bối cảnh là một khu phố cổ Hà Nội với các toa tàu điện, các cửa hàng bách hóa… gợi nhớ cho người dân Thủ đô và du khách về ký ức của "thời bao cấp", một trong những thời kỳ đặc biệt của đất nước.

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Trúc Bạch: Điểm đến của một Hà Nội quyến rũ, sâu lắng và đậm chất thơ

Đêm Hà Nội với sự lung linh của ánh đèn và hơi thở lịch sử qua từng góc phố, là một mô hình độc đáo, giúp du khách khám phá một Hà Nội rất khác - một Hà Nội quyến rũ, đậm chất thơ và sâu lắng.

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Bí ẩn những địa điểm được cho là cánh cổng dẫn tới thế giới khác đến nay vẫn chưa có lời giải

Những nơi này đều có nhiều truyền thuyết bí ẩn xoay quanh và được cho là có thể dẫn lối cho người trần sang thế giới bên kia.

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

TP.HCM được Giải thưởng Du lịch thế giới chọn làm nơi trao giải

World Travel Awards chọn TP.HCM là địa điểm tổ chức Lễ trao giải thưởng khu vực châu Á và châu Đại Dương năm 2022.