A+ A A- Kiểu đọc sách

Họa sĩ Nguyễn Tấn Cương: Sang Thái Lan triển lãm cá nhân

13:53 02/04/2010
loading...
(TT&VH) - Họa sĩ Nguyễn Tấn Cương đã qua Thái Lan để dự lễ khai mạc triển lãm vinh danh họa sĩ tại phòng tranh D (65/501, Moo 2, Thepkrasatri rd., Koh Kaew, Muang Phuket, Phuket). Triển lãm Ngày - đêm và ngày sẽ kéo dài từ 2/4 đến 31/5/ 2010, cũng là triển lãm cá nhân lần thứ 3 của họa sĩ này.

Việc Nguyễn Tấn Cương và một số họa sĩ Việt Nam khác được mời triển lãm giới thiệu ở một số nước lân cận trong mấy năm gần đây cũng phần nào cho thấy xu hướng “mở rộng biên giới hội họa Việt Nam, vốn được nhìn từ châu Âu, Mỹ... sang các nước ở khu vực Đông Nam Á.

Bắt đầu bằng các hoạt động sưu tập, lập bảo tàng và mở các phiên đấu giá quan trọng tại Singapore (cách đây hơn 10 năm), các đại gia trong thị trường nghệ thuật như Christie’s và Sotheby’s đã chọn cách “đến thật gần” để hiểu hơn lịch sử mỹ thuật hiện đại cả trăm năm của Đông Nam Á. Qua đây, họ cũng bắt nhịp cầu để nghiên cứu, làm sách, tổ chức các hội thảo về mỹ thuật, xây dựng các thiết chế để bảo tàng, đào tạo giám tuyển và cả huấn luyện các nhà quản lý nghệ thuật.

Thế nhưng, đó là chuyện của khoảng một thập kỷ trước, một, hai năm gần đây, Singapore (dù vẫn là địa điểm quan trọng nhất) đã dần trở nên “quá xa” và đặc biệt, quá đắt đỏ, xa xỉ... nên việc “uống nước” tận nguồn hoặc sát nguồn vẫn được các nhà kinh doanh nghệ thuật chú ý hơn. Và Thái Lan là một chọn lựa có vẻ hợp lý. Vì mấy lý do, sau Singapore, Thái Lan có cơ sở hạ tầng và cơ chế quản lý nghệ thuật tốt hơn một số nước trong khu vực; nơi đây cũng đã có những sưu tập đáng kể về tranh đương đại của Việt Nam, Myanmar, Philippines, Campuchia và Lào; các nhà sưu tập quốc tế cũng dễ dàng thực hiện các thủ tục mua bán nghệ thuật ở đây. Như nhiều nhà phân tích nghệ thuật từng đề cập, việc chọn thêm Thái Lan hay Indonesia để đặt các “trạm trung chuyển” nghệ thuật với phương Tây, ngoài ước muốn kiểm soát, đối chiếu được chất lượng sản phẩm, thì việc hạ giá thành đầu vào cũng là động lực quan trọng.

Nguyễn Tấn Cương kể rằng triển lãm Ngày - đêm và ngày được phòng tranh D tài trợ trọn gói, bài bản, nhưng quyền quyết định về số lượng tranh, thời gian triển lãm, phong cách thể hiện thì họa sĩ tự do chọn lựa.

Ra đời muộn và chưa có nhiều kinh nghiệm về tranh Việt Nam như Thavibu và một vài phòng tranh khác ở Bangkok, nhưng với cách chọn tranh của các họa sĩ như Lê Quảng Hà, Nguyễn Lâm, Nguyễn Xuân Tiệp, Nguyễn Thị Châu Giang, Nguyễn Quang Huy, Nguyễn Thanh Hòa, Lê Quý Tông... D đã tỏ ra có điểm nhìn riêng.

Sinh 1953 tại Hà Nội, Ngày - đêm và ngày là triển lãm cá nhân đầu tiên ở nước ngoài của anh.

Văn Bảy
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...