Họa sĩ Ngô Thanh Hùng: Đà Nẵng không còn tụt hậu về thị trường mỹ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - “Gần đây nhiều đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã bán được tranh tại triển lãm”. Câu nói này của họa sĩ Ngô Thanh Hùng dường như hé lộ một sự thật hơi phũ phàng, rằng việc bán tranh tại triển lãm là điều khá hiếm gặp ở những nơi như Đà Nẵng. Nhưng điều đáng vui là tình hình đã có những thay đổi. Sau Hà Nội, TP.HCM, Huế, Đà Lạt…, thì nhiều tỉnh thành khác đã bắt đầu xuất hiện giới chơi tranh, sưu tập tranh.
Ngô Thanh Hùng vừa có triển lãm cá nhân thành công tại Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng, ở cả khía cạnh chuyên môn và thương mại. Điểm nhấn là hình ảnh con trâu chiến được thể hiện khá sinh động, đã truyền cho người xem nguồn năng lượng bùng nổ, như mong cầu một năm mới mạnh mẽ, thịnh vượng. Báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) có cuộc trò chuyện với anh.
* Dưới góc nhìn của một họa sĩ, anh cảm nhận như thế nào về sự phát triển của thị trường mỹ thuật Đà Nẵng nói riêng và miền Trung nói chung trong thời gian gần đây?
- Tôi thấy mỹ thuật miền Trung gần đây đang khởi sắc ở cả khía cạnh nghệ thuật và thị trường. Nhiều họa sĩ trẻ với các phong cách và trường phái đa dạng, mới mẻ đã xuất hiện. Đặc biệt, tại Đà Nẵng đã bắt đầu xuất hiện các nhà đầu tư và sưu tầm nghệ thuật, điều mà trước đây khá ít thấy. Nhờ vậy mà gần đây nhiều đồng nghiệp ở Đà Nẵng đã bán được tranh tại triển lãm, trong đó có tôi, một số người đã dần sống được với nghề, có động lực để làm việc, sáng tạo.
* Trước đây thị trường Đà Nẵng hiếm khi bán được một bức tranh cho các nhà sưu tập. Vậy thu nhập chính của họa sĩ ở đây là từ đâu?
- Đa phần các họa sĩ ở Đà Nẵng phải làm nhiều nghề phụ để mưu sinh như sửa điện thoại, vẽ chân dung dạo, đi dạy ở trung tâm thiếu nhi, thỉnh giảng ở các trường cao đẳng - đại học, vẽ quảng cáo, viết thư pháp, vẽ tranh tường.... Tuy nói là nghề phụ, nhưng thực ra là thu nhập chính để trang trải cuộc sống, để giữ lòng đam mê với hội họa, nên đa số anh chị em sống theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”. Ở đây tôi nói chủ yếu các họa sĩ sinh từ thập niên 1970 trở về sau, còn sinh trước đó thì không đủ thông tin để khẳng định, bởi Đà Nẵng cũng có những “cây đa cây đề” trong làng mỹ thuật.
* Được biết ở Đà Nẵng cũng có nhiều nhà sưu tập. Nhưng thay vì mua tranh của họa sĩ Đà Nẵng thì lại tìm mua tranh của các họa sĩ tại Hà Nội, Huế, hoặc Sài Gòn… Với góc độ là một họa sĩ, đồng thời cũng là giảng viên, theo anh vì sao?
- Tôi không phủ nhận ở Đà Nẵng cũng có nhiều nhà sưu tập, nhưng đa phần họ ẩn danh, một số từ các tỉnh thành khác chuyển đến đây sinh sống, nên việc kết nối với địa phương chưa nhiều. Nhìn ở góc độ sưu tập, tôi nghĩ rằng việc họ đầu tư mua các tác giả ở Hà Nội, Sài Gòn, Huế… thì vẫn an toàn tài chính hơn Đà Nẵng.
Thứ nhất, đó là ba cái nôi đào tạo ra những họa sĩ tên tuổi, có thương hiệu lớn hơn Đà Nẵng. Ba nơi này, đặc biệt là Sài Gòn, tập trung rất nhiều chuyên gia, nhà môi giới, định hướng, nhà đầu tư… cho các nhà sưu tập, điều này ở Đà Nẵng gần như chưa có. Vì không có đủ chuyên gia nên việc định giá, tạo niềm tin cho việc mua tác phẩm… sẽ chưa quy chuẩn, chưa chuyên nghiệp, nên người mua e ngại cũng là bình thường thôi.
Thứ hai, việc gì cũng có sự tác động của bạn bè và người nổi tiếng. Ở Đà Nẵng làm sao bằng ba nơi kể trên, nên người có tiền chưa có đủ động lực mua tranh cũng dễ hiểu thôi.
* Vậy theo anh thì điều đã có những ảnh hưởng tích cực gì đến sự phát triển của mỹ thuật Đà Nẵng?
- Nghe nhiều anh chị em Đà Nẵng khoe đã bán được tranh ngay trong triển lãm, tôi rất hào hứng. Nhờ sự kết nối của mạng xã hội nên sự hội nhập, giao lưu trực tuyến giữa các họa sĩ và nhà sưu tập có nhiều thuận lợi hơn. Hơn nữa, miền Trung nói chung và Đà Nẵng nói riêng cũng đã bắt đầu hòa nhịp vào không khí sưu tập, ấy cũng là một quy luật tích cực từ chuyện “phú quý sinh lễ nghĩa”.
Mặt khác, Đà Nẵng đã bắt đầu hấp dẫn các họa sĩ từ các thành phố lớn ghé thăm, sáng tác và chọn Đà Nẵng làm nơi tổ chức triển lãm. Cùng với các họa sĩ Đà Nẵng giao lưu cũng làm cho mỹ thuật ở Đà Nẵng sôi động hơn. Các bảo tàng cũng có những chính sách “thoáng” hơn trước, tạo điều kiện tổ chức triển lãm cho nhiều họa sĩ trẻ, cho các loại hình mới. Chính điều đó cũng thu hút sự chú ý của chuyên gia mỹ thuật và các nhà sưu tập.
* Trân trọng cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.
Họa sĩ Ngô Thanh Hùng sinh sống và làm việc tại Đà Nẵng. Ngoài vẽ, anh còn là giảng viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Anh đã tham gia hơn 20 cuộc triển lãm nhóm tại Đà Nẵng, TP.HCM, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... và một số cuộc triển lãm của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (tổ chức tại Thái Lan). |
Thanh Phong (thực hiện)