Họa sĩ Đào Hải Phong: Lần đầu đến Ấn Độ, vẽ đàn bà
(TT&VH) - Đào Hải Phong, một trong các họa sĩ (HS) nổi tiếng nhất của hội họa đương đại VN, vừa có cuộc sáng tác, triển lãm (TL) tại Ấn Độ. Anh dành cuộc trò chuyện với TT&VH về chuyến đi đặc biệt này, về những gì anh nhận được và để lại trên đất nước của thi hào vĩ đại R. Tagore.
Nhân kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác đối thoại giữa Ấn Độ và ASEAN, Chính phủ Ấn Độ tổ chức sự kiện mỹ thuật quy mô kéo dài trong 2 tháng, thông qua Hội đồng quan hệ văn hóa Ấn Độ.
ĐSQ Ấn Độ tại VN mời HS Thành Chương và Đào Hải Phong tham dự song HS Thành Chương bận việc gia đình, HS trẻ Ngô Văn Sắc đi thay. Họ được cấp visa, vé máy bay Jet Airways, ăn ở, tham quan 1 tuần, chỉ để vẽ 1 tác phẩm. 16 HS từ VN, Lào, Campuchia, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan cùng 8 HS nước chủ nhà, tập trung ở TP Kolkata, ở tại KS trên Tháp Trung tâm. Từ đây, họ được đưa lên vùng Darjeeling ở độ cao 3300m, phía Đông Ấn Độ, gần Himalaya. Khách sạn Mayfair là nơi ở, cũng là trại sáng tác của các HS Ấn Độ và Đông Nam Á.
HS Đào Hải Phong và tác phẩm vẽ tại Ấn Độ.
* Hình như đoàn VN đông nhất, bởi riêng “đoàn Đào Hải Phong” đã có 5 người?
- Năm nào gia đình tôi cũng ra nước ngoài. Không mua ô tô, không tiêu xài hoang phí, tôi dành dụm cho thú du lịch, mở mang hiểu biết cho mình và các con. Tôi đưa vợ, hai con trai và thằng cháu học ngôn ngữ ở Mỹ theo làm phiên dịch khi tôi phát biểu tại tọa đàm ở Darjeeling.
* Các HS ASEAN và Ấn Độ sáng tác thế nào ở Darjeeling, thưa anh?
- Mỗi HS có thể vẽ ở phòng riêng hay phòng vẽ chung hoặc chọn nhiều điểm tại KS Mayfaira lộng lẫy giữa thiên nhiên.
Chúng tôi được chuẩn bị chu đáo từ giấy, toile, khung, bút chì, tẩy, bút, màu đủ loại tới cả dây chun để buộc phác thảo sau khi cuộn lại. Tất cả các HS đều vẽ về Ấn Độ và lấy cảm xúc từ đây.
* Vẻ đẹp của xứ sở sông Hằng hiển hiện qua hành trình của các HS?
- Hạ cánh xuống New Delhi, chúng tôi bay tiếp đến Kolkata, trải 6 giờ ô tô tới Darjeeling. Hai ô tô nối nhau men qua nhiều sườn núi hẹp tới mức gương xe phải gập lại kẻo va quệt.
Chúng tôi được sống trong không gian cổ kính liên hoàn từ villa cổ, tới nhà ga cổ còn giữ đầu máy tàu chạy bằng hơi nước, nhà ga được Unesco công nhận di sản. Rồi thăm vườn Rock - nơi tưởng như “xa lạ” với không khí Phật giáo, công viên Gangaya Maya, đến làng của người Tây Tạng, xem họ lao động và làm sản phẩm thủ công. Vườn chè Bagdogra duy nhất thế giới có chè trắng, tôi đã uống ở Ấn Độ và mua về.
* Anh vẽ tác phẩm gì đợt này?
- Đã tới mấy chục nước, sang đến Ấn Độ lần đầu tiên tôi thấy bất lực trước cái đẹp. Tôi đã vẽ bức sơn dầu 1,2 x 1,4m Nơi còn nguyên xúc cảm. Thật hạnh phúc khi BTC gửi cho tôi đường link báo New Delhi và ảnh chụp các HS, người xem Ấn Độ quây quanh tác phẩm của tôi khi tôi đã về VN.
Xúc cảm cao hơn cảm xúc. Xúc cảm là từ cảm nhận được như bàn tay nắm lấy, đôi môi chạm vào nhau. Trên nền xanh chủ đạo, tôi vẽ một cái cây lớn màu đỏ tán tròn, bên những nhà mái ngói, gần đấy là một cây nhỏ hơn màu xanh. Cây lớn gợi liên tưởng cặp mông của những người đàn bà Ấn Độ. Tôi đặc biệt ấn tượng về hình ảnh này. Những người đàn bà quý tộc thường to béo, phì đồn. Đó là vẽ về sự sống, đông đúc, sinh sôi, yên lành, phồn thực và nhục cảm. Khi BTC hỏi, tôi nói giá của tranh là 10.000 USD. Nhưng tôi đã tặng lại nó cho Ấn Độ.
* Các tác phẩm được vẽ và để lại Ấn Độ là đặc thù của sự kiện này?
- BTC đài thọ toàn bộ (thêm 40.000 rupee, tương đương 1.000USD) chỉ để các HS vẽ 1 tác phẩm và để lại, sau TL tại Darjeeling, từ 10/7, TL tiếp theo sẽ diễn ra 1 tháng tại New Delhi. Nhật báo New Delhi đã có bài nhiều tin, bài về dự án độc đáo này.
* Anh và gia đình đã sang Nepal?
- Dành 1 tuần tiếp theo cho Nepal, chúng tôi đến đó bằng máy bay 18 chỗ. Máy bay nhỏ có thể ngắm núi non cảnh sắc. Tôi đã thăm được 5/7 di sản của Nepal. Vào Lumini, quê gốc của Phật Tổ, nơi có thiền viện của thày Thích Huyền Diệu. Tôi rất nhớ nhiều đền cổ, làng cổ ở đấy. Bên ngoài các ngôi đền, có bán đồ cổ, đồ đã dùng. Tôi thích đồ đã qua sử dụng nên mua về những cái vòng bằng xương và bình nước đồng vàng. Tôi thấy một chị trung niên đang bê bình nước về bằng cách ôm bên hông. Tôi hỏi mua, chị ấy đổ nước ra, đồng ý bán. Bình cũ, đã hàn đáy. Tôi đã ôm cái bình ấy từ Nepal về nhà, bày ở phòng khách đây.
Trong không gian của đền và làng 2.000 năm tuổi, con người hiền hoà hồn nhiên. Người sống giữa bầy chó, mèo, gà mà dường như họ không thấy mất vệ sinh. Những người phụ nữ tắm ngay trước ống kính, cười thoải mái khi khách du lịch chụp ảnh, họ tắm từng phần, mở váy áo tắm từng khoảnh rồi cài lại. Họ vô tư tắm và cười, chắc bởi không thấy có gì mà chế nhạo. Sống tiện nghi, nhiều phương tiện hiện đại nơi đô thị nên khi đến một nơi không khí loãng, trong lành trên đất Phật, tôi thấy như được lùi lại hàng thế kỷ, được giải thoát, thanh thản. Càng hiện đại người ta càng ít bình yên, thư thái.
* Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!