A+ A A- Kiểu đọc sách

Hải Vân Quan được công nhận Di tích cấp quốc gia

20:45 17/04/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) – Chiều 17/4, ông Huỳnh Hùng, GĐ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết, Sở đang chuẩn bị cho cuộc họp cùng với Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên - Huế để bàn về cách thức bảo tồn và quản lý Di tích Hải Vân Quan trong thời gian tới.

Trước đó, thông tin từ Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho biết, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) vừa ban hành Quyết định số 1531/QĐ-BVHTTDL ngày 14/4/2017 xếp hạng Hải Vân quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Bộ VHTT&DL đề nghị UBND các cấp nơi có di tích được xếp hạng thực hiện việc quản lý Nhà nước đối với di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.

Khu vực bảo vệ di tích được xác định theo biên bản và bản đồ khoanh vùng các khu vực bảo vệ di tích trong hồ sơ.


Di tích Hải Vân Quan nằm trên địa phận hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế. Ảnh: Hoàng Yến

Ông Huỳnh Hùng, GĐ Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi khi nhận được Bằng công nhận di tích và Quyết định công nhận Di tích cấp quốc gia cho Hải Vân Quan. Ngay sau khi nhận được quyết định này, cuối tháng 4 chúng tôi sẽ cùng ngồi lại với Sở Văn hóa – Thể thao Thừa Thiên – Huế, cùng với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Trung tâm Quản lý Di sản TP Đà Nẵng để cùng bàn về nội dung phối hợp tu bổ, trùng tu tôn tạo và bàn về cách thức, giải pháp quản lý Di tích Hải Vân Quan để tránh tình trạng di tích xuống cấp hay thiếu sự quản lý như trước".

Hải Vân Quan hoang phế bởi phận 'một vợ, hai chồng'

Hải Vân Quan hoang phế bởi phận 'một vợ, hai chồng'

Nằm trong tuyến du lịch “Con đường di sản miền Trung”, ở vùng giáp ranh giữa Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, cụm kiến trúc cổ Hải Vân Quan, nơi từng được gọi là đệ nhất hùng quan trên đỉnh đèo Hải Vân giờ đây đang rơi vào cảnh hoang phế.


Hải Vân Quan được xây dựng năm Minh Mạng thứ 7 năm 1826, ở độ cao 490 mét so với mực nước biển. Hệ thống phòng thủ quân sự này có nhiều công trình gồm hệ thống thành lũy, nhà kho, trụ sự, pháo đài thần công...

Đây cũng là Di tích lịch sử cấp quốc gia đầu tiên nằm trên địa phận phân chia ranh giới của hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế, do đó đã có một quá trình lâu dài không được trùng tu, bảo vệ và quản lý. Ngày 4/11/2016, tại TP Huế, Sở VH-TT Thừa Thiên - Huế và Sở VH-TT Đà Nẵng đã có cuộc làm việc để bàn giải pháp bảo tồn phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan và thống nhất cùng làm hồ sơ đề nghị công nhận Hải Vân Quan là di tích cấp quốc gia.

Quyết định Công nhận Hải Vân Quan là Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia là một tín hiệu đáng mừng cho cả hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên – Huế sau nhiều cuộc họp bàn. Từ đây, cả hai địa phương có thể chính thức đầu tư cải tạo và quản lý cho di tích, tôn thêm vẻ đẹp cho cung đường thiên lý Bắc – Nam qua đèo Hải Vân phát triển du lịch và thu hút nhiều du khách hơn nữa.

Hoàng Yến

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...