Hà Tĩnh đặt tên đường Trần Kim Xuyến: Vinh danh nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến tại quê nhà
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 17/6/2017, tên của "nhà thông tấn" Trần Kim Xuyến một lần nữa lại được chọn đặt cho một tuyến đường ở thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh - nơi chôn nhau cắt rốn của ông.
- Lễ gắn biển tên đường Nhà báo, liệt sỹ Trần Kim Xuyến tại Hà Tĩnh
- Từ đường Trần Kim Xuyến thứ hai ngẫm về những con đường Thông tấn
- Hà Nội từ nay có phố Trần Kim Xuyến: Hoàn thành tâm nguyện của toàn ngành thông tấn
Đây là lần thứ hai tên của liệt sĩ Trần Kim Xuyến được chọn đặt tên đường phố. Trước đó, vào 5/3/2014, tên ông cũng đã được chọn đặt cho một tuyến phố ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội).
Đây là một sự vinh danh rất xứng đáng đối với công lao, cống hiến của Trần Kim Xuyến - nhà báo liệt sĩ, người lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam.
Một trí thức cách mạng nhiệt tâm yêu nước
Nhà báo Trần Kim Xuyến (sinh năm 1921 tại Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh) là niềm tự hào của nhiều thế hệ làm báo, đặc biệt là ở Thông tấn xã Việt Nam trong hơn 7 thập kỷ qua.
Nhắc đến ông là nhắc đến một trí thức yêu nước và cách mạng. Khi còn học ở trường Quốc học Vinh, ông đã nhiều lần tham gia phong trào yêu nước của học sinh. Sau khi được bổ nhiệm làm việc ở Tòa sứ tỉnh Bắc Giang, ông đã hoạt động trong nhiều phong trào công khai lúc bấy giờ, đặc biệt là trong phong trào Hướng đạo sinh và truyền bá chữ quốc ngữ.
Năm 1944, ông bị bắt và bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội. Năm 1945, lợi dụng lúc Nhật - Pháp bắn nhau, ông cùng một số chiến sĩ đã thoát khỏi nhà lao. Ngay sau đó, ông tích cực tham gia phong trào cách mạng, góp công lớn trong việc vận động quần chúng nhân dân giành chính quyền cách mạng.
Ngày 22/8/1945, ông Trần Kim Xuyến được tín nhiệm cử giữ chức vụ Đổng lý Văn phòng Bộ với nhiệm vụ giúp Trần Huy Liệu, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền tổ chức bộ máy của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Khi Nha Thông tin được thành lập (là một trong ba Nha thuộc Bộ Nội vụ), ông được cử giữ chức vụ Phó giám đốc Nha Thông tin Việt Nam, trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã.
Trên hai cương vị này, nhà báo Trần Kim Xuyến đã có có những sáng tạo, thể hiện không chỉ nhiệt tâm yêu nước mà cả tài năng tổ chức.
Một “nhà thông tấn” sáng tạo, mẫn cán
GS-NGND Phan Huy Lê, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn đặt tên đường phố Hà Nội từng nghiên cứu rất kỹ về lịch sử con người Trần Kim Xuyến khẳng định: "Công lao to lớn trước hết của Trần Kim Xuyến là ông đã cùng với các cộng sự của mình lúc bấy giờ tập hợp tất cả thông tin từ các đài, báo nước ngoài để hệ thống, cung cấp tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ lâm thời. Ông cũng đẩy mạnh các hoạt động qua Đài Phát thanh Việt Nam để truyền bá đến nhân dân yêu nước và nhân dân toàn thế giới biết được những hoạt động của chính quyền cách mạng Việt Nam, nhất là những hoạt động có ý nghĩa sống còn của chính quyền cách mạng non trẻ của nước ta lúc bấy giờ như chống giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm…”.
Đợt tuyên truyền lớn nhất với sự tham gia lãnh đạo, chỉ đạo của Trần Kim Xuyến là chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I tỉnh Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội (25 tuổi).
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Trần Kim Xuyến có nhiệm vụ tham gia tổ chức di chuyển toàn bộ cơ sở vật chất kỹ thuật, tài liệu quan trọng của Nha Thông tin Việt Nam sơ tán ra hậu phương, để tiếp tục phục vụ công tác lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng và Bác Hồ. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Ông bình tĩnh đưa tài liệu đến chỗ kín đáo. Khi vừa hoàn thành nhiệm vụ, thì ông bị trúng đạn liên thanh của quân Pháp, hy sinh tại Đầm Sen, xã Ngọc Sơn (nay là thị trấn Chúc Sơn), huyện Chương Mỹ, Hà Nội.
Có thể nói, cuộc đời của Trần Kim Xuyến tuy chỉ được 26 mùa Xuân và thời gian hoạt động cách mạng của ông cũng không dài, nhưng trong thời gian ngắn ngủi đó, “nhà thông tấn” Trần Kim Xuyến đã có công lao rất lớn đối với nền tuyên truyền cách mạng Việt Nam...
Vì vậy, theo GS-NGND Phan Huy Lê: "Việc nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến được chọn đặt tên cho những tuyến đường mới dù ở Hà Nội, Hà Tĩnh hay nhiều địa phương khác là cách vinh danh có ý nghĩa to lớn, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh việc đặt tên đường phố, cần phải tuyên truyền cho nhân dân hiểu rõ công lao, sự nghiệp của ông, đặc biệt là ở địa phương nơi có con phố mang tên ông, từ đó để nhân dân tự hào về tên phố mà họ là cộng đồng cư dân ở trên phố ấy…”.
“Nhà thông tấn” thứ 2 được đặt tên đường phố Phố Trần Kim Xuyến ở phường Yên Hòa, Cầu Giấy (Hà Nội) dài 550m, rộng 20m, từ ngã tư phố Trung Hòa và Vũ Phạm Hàm đến điểm giao cắt với đường 30m. Đường Trần Kim Xuyến tại thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh dài hơn 2km, rộng 12m, thuộc Tỉnh lộ 71, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu, từ K10 đến K15 nối đường Hồ Chí Minh. Nhà báo Trần Kim Xuyến là liệt sĩ thứ hai của ngành thông tấn được Nhà nước vinh danh bằng việc đặt tên đường phố. Trước đó, năm 1985, TP.HCM đã đặt tên nhà báo Bùi Đình Túy - Phó Giám đốc Thông tấn xã Giải phóng, hy sinh ngày 21/9/1967 tại chiến trường Đông Nam bộ - cho một đường phố thuộc phường 12, quận Bình Thạnh, TP.HCM. Trên con đường này có một cây cầu đúc bắc qua kênh, cũng được đặt tên là cầu Bùi Đình Túy. |
Vị lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam Trần Kim Xuyến là nhà lãnh đạo đầu tiên của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN). Ông đã để lại nhiều dấu ấn trong hoạt động Quốc hội, hoạt động báo chí, đặc biệt xây dựng TTXVN từ những ngày đầu bằng việc phát đi toàn văn bản Tuyên ngôn Độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Pháp vào ngày 15/9/1945; đến chỉ đạo công tác thu, phát tin tuyên truyền xây dựng chế độ mới, giới thiệu cho nhân dân thế giới hiểu đúng và ủng hộ Việt Nam... Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Em trai ông, liệt sĩ Trần Kim Luyện cũng đã hy sinh tháng 2/1954 trong một trận chống càn ác liệt ở Hà Nam. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Lan đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Ghi nhớ công lao của người lãnh đạo đầu tiên của ngành, TTXVN đã phối hợp với xã Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh - quê hương ông, xây dựng nhà tưởng niệm liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Ngoài ra, TTXVN và xã cũng đã thành lập Quỹ học bổng Trần Kim Xuyến, góp phần chắp cánh ước mơ cho thế hệ trẻ xã Sơn Mỹ. Trần Tiến Duẩn |
Huy Phạm
Thể thao & Văn hóa