A+ A A- Kiểu đọc sách

Hà Nội: Nhất thể hóa quản lý để bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long

14:00 06/03/2021
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Hơn 10 năm trước, Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Tuy nhiên, cũng từ đó đến nay, công tác nhất thể hóa quản lý khu di sản, một trong 8 cam kết của Việt Nam với UNESCO vẫn chưa hoàn thành.

Phục dựng nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long

Phục dựng nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 4/2, tại Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nghi lễ cung đình Thăng Long xưa thông qua hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán “Tân Sửu nghênh Xuân”.

Không chỉ cơ quan quản lý mà các nhà khoa học dành sự quan tâm cho khu di sản này đều muốn nhanh chóng thống nhất quản lý về di tích và di vật. Từ đó thúc đẩy quá trình bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Thống nhất quản lý di tích

Toàn bộ diện tích Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận Di sản văn hóa thế giới là 18,353 ha. Tuy nhiên, tại thời điểm được UNESCO công nhận di sản thế giới, diện tích đất Hoàng thành Thăng Long thuộc sự quản lý của thành phố Hà Nội, Bộ Quốc phòng và hai gia đình lão thành cách mạng. Thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO, thành phố Hà Nội đã từng bước nhất thể hóa quản lý di tích.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội, đến nay, thành phố đã tiếp nhận, quản lý 16,654 ha, đạt 91% tổng diện tích di sản. Diện tích đất còn lại chưa tiếp nhận là 1,729 ha. Trong đó, 1,579 ha do Bộ Quốc phòng quản lý, gồm: Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam và trạm xăng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương. Riêng với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, theo thông báo kết luận giữa Thành ủy Hà Nội và Quân ủy Trung ương, Bảo tàng sẽ hoàn thành xây dựng mới ở vị trí khác, địa điểm cũ được bàn giao cho Hà Nội vào năm 2022. Về trạm xăng dầu trên đường Nguyễn Tri Phương, Thủ tướng Chính phủ không đồng ý với đề xuất giữ lại của Bộ Quốc phòng. Diện tích 0,15 ha còn lại do gia đình lão thành cách mạng đang sử dụng. Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Sở Xây dựng Hà Nội đang thực hiện phương án hỗ trợ di chuyển và bồi thường, giải phóng mặt bằng. Gia đình đã cam kết bàn giao vào quý II/2021.

Chú thích ảnh
 Cổng Hành cung nằm tại số 12 Nguyễn Tri Phương lối vào khu di tích Hoàng Thành Thăng Long. Ảnh: TTXVN

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam khẳng định, vấn đề quan tâm số một của UNESCO và cơ quan chức năng, nhà khoa học hiện nay là việc thống nhất quản lý. Những năm qua, thành phố Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong công tác nhất thể hóa quản lý và đã tiếp nhận bàn giao phần lớn diện tích mặt bằng. Phần còn lại, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam đề nghị thành phố làm việc với các bộ, ngành để sớm nhất thể hóa.

Đồng quan điểm này, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam cũng cho rằng, câu chuyện thống nhất quản lý được nhắc tới nhiều và thành phố Hà Nội cần đẩy mạnh nhất thể hóa quản lý.

Theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, thành phố sẽ thực hiện nghiêm túc cam kết của Chính phủ với UNESCO về nhất thể hóa khu di sản Hoàng thành Thăng Long và các quy hoạch đã được phê duyệt. Thành phố sẽ phối hợp với Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam mới ở phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm để thực hiện bàn giao, tiếp nhận địa điểm cũ.

Thống nhất quản lý di vật

Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được tiến hành khai quật khảo cổ học từ năm 2002 với các đợt khai quật lớn như: khai quật khu di tích 18 Hoàng Diệu (năm 2002-2004), khai quật xây dựng Nhà Quốc hội (năm 2008-2009), khai quật khu vực Vườn Hồng (năm 2012-2014), khai quật tại số 62-64 Trần Phú (năm 2008-2009) và khai quật mở rộng khu vực Điện Kính Thiên (năm 2011 đến nay). Số lượng hiện vật khai quật được ước tính khoảng vài triệu di vật khảo cổ với nhiều loại hình (đồ gốm sứ, đồ sành, vật liệu kiến trúc, đồ kim loại…).

Từ năm 2010 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã bàn giao cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tiếp nhận, tổ chức trưng bày, bảo quản 12.832 di vật và 2.886 két di vật. Cụ thể: 707 di vật trưng bày phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010); 215 di vật phục vụ trưng bày Lịch sử nghìn năm tại lòng đất (năm 2011); 5.725 di vật và 2.886 két di vật từ khai quật mở rộng Điện Kính Thiên, khai quật tại số 62-64 Trần Phú (năm 2011-2018); 90 di vật đồ gốm hoàng cung Thăng Long thời Lê (năm 2017)…

Ngày 4/12/2020, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã ký Biên bản thỏa thuận thực hiện kế hoạch và lộ trình bàn giao toàn bộ di vật còn lại từ năm 2020 đến năm 2025 với số lượng: 5.983 di vật các loại; 69.210 két di vật các loại; 415 m3 gạch, ngói, 97 cấu kiện di tích.

Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đã thống nhất hoàn thành bàn giao vào năm 2025, nếu tính từ thời điểm bắt đầu khai quật di tích đến khi bàn giao xong là khoảng hơn 20 năm. Trong khoảng thời gian này vẫn tiếp tục có các cuộc khai quật khảo cổ. Việc chậm bàn giao không chỉ khiến cơ quan quản lý mà các nhà khoa học quan tâm đến Hoàng thành Thăng Long rất nóng lòng. Bởi lẽ việc này sẽ gây hạn chế cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thông qua việc nghiên cứu, trưng bày, quảng bá di vật, hiện vật khảo cổ học.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương đề xuất cần sớm tiến hành bàn giao di vật. Theo ông, dù quá trình này đã thực hiện rất lâu nhưng không thể bảo tồn, trưng bày các di vật khi chưa bàn giao toàn bộ di vật. Các di vật có nhiều loại nên đơn vị tiếp nhận quản lý phải đánh giá và phân loại, sau đó xây dựng đề án trưng bày tại chỗ khảo cổ học đúng vị trí, đúng độ sâu.

Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô cho rằng, việc thống nhất quản lý di sản Hoàng thành Thăng Long đã quá lâu, vì vậy các cơ quan liên quan cần nghiên cứu, tính toán lại để đẩy nhanh tiến độ. Ông Nguyễn Quang Ngọc khẳng định, việc bàn giao, tiếp nhận di vật cũng phải tuân thủ Luật Di sản văn hóa, không thể theo ý chủ quan của mình.

Tại buổi làm việc giữa Thường trực Thành ủy Hà Nội với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và các sở, ngành liên quan, lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng đề nghị: Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam đẩy nhanh quá trình bàn giao hiện vật để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội có quá trình tiếp cận sớm, nghiên cứu và dần phát huy giá trị. Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội triển khai sửa chữa các công trình, mua sắm thiết bị làm nơi bảo quản di vật, hiện vật.

Dù công tác thống nhất quản lý di tích, di vật và hiện vật đã vạch ra lộ trình song khoảng thời gian trước mắt vẫn còn khá xa. Đẩy nhanh quá trình nhất thể hóa không chỉ là trách nhiệm của thành phố Hà Nội mà còn thúc đẩy việc bảo tồn, phát huy giá trị của di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, tạo nguồn lực thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Thủ đô.

Đinh Thuận

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...