loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Tròn 20 năm Hà Nội đón nhận danh hiệu "Thành phố vì hòa bình" do UNESCO trao tặng, niềm tự hào của mỗi người dân Thủ đô lại được nhân lên, niềm tin ngày càng được củng cố, từ đó tạo động lực xây dựng, phát triển thành phố văn minh, hiện đại.
Là một trong những thành phố được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” năm 1999, suốt 20 năm qua, Hà Nội đã không ngừng nỗ lực vươn lên, không ngừng hội nhập sâu rộng với thế giới và phát triển mạnh mẽ.
Nhân dịp này, TTXVN giới thiệu loạt 5 bài “Hà Nội - Khát vọng và tình yêu hòa bình”, khẳng định thêm tinh thần yêu chuộng hòa bình của nhân dân Thủ đô được hun đúc qua ngàn năm lịch sử và càng được phát huy trong giai đoạn hiện nay, qua đó hiểu thêm về các giá trị văn hóa, con người Hà Nội, cũng như ý thức gìn giữ, phát huy danh hiệu quý này.
Suốt chiều dài lịch sử, từ thủa vua Lý Công Uẩn định đô tại Thăng Long đến thời đại Hồ Chí Minh, người dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung trải qua nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt. Hơn ai hết, người Hà Nội luôn khát khao và trân trọng ý nghĩa của hai chữ “hòa bình”. Nói như một nhà nghiên cứu văn hóa: Tình yêu hòa bình đã ngấm vào máu thịt của người Hà Nội từ thế hệ này sang thế hệ khác, tạo ra chất văn hóa riêng cho người dân Thủ đô.
Lời khẳng định từ lịch sử
Ngược dòng thời gian, đất Thăng Long là nơi chứng kiến, ghi dấu hàng loạt cuộc đấu tranh với giặc phương Bắc, trong đó trận Ngọc Hồi – Đống Đa của Quang Trung đại phá 5 vạn quân Thanh với chiến công lừng lẫy được sử sách lưu truyền như một minh chứng về sức mạnh của lòng dũng cảm và khát vọng chiến thắng của người dân Việt. Dù là mảnh đất nhỏ bé của một đất nước chiến tranh triền miên, nhưng không vì thế người Thăng Long chịu khuất phục trước những thế lực lớn mạnh, mà ngược lại chính khát vọng hòa bình đã biến thành sức mạnh để làm nên những chiến thắng. Trong tâm thức, cha ông ta vẫn luôn khát khao một “Thăng Long phi chiến địa”, không đau thương, mất mát, mà chỉ có hòa bình, độc lập dân tộc.
Sau này, cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã tiếp tục hun đúc thêm tình yêu hòa bình, khát vọng chiến thắng cho quân và dân Hà Nội. Đỉnh cao là trận chiến đấu 60 ngày đêm khói lửa “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” cuối năm 1946 đầu năm 1947 của các cảm tử quân bảo vệ Hà Nội trong kháng chiến chống Pháp; trận chiến 12 ngày đêm cuối năm 1972 làm nên một Điện Biên Phủ trên không của quân và dân Hà Nội trong chiến tranh chống Mỹ. Những chiến thắng vang dội, ý chí kiên cường đã làm nên chiến thắng, khiến bạn bè quốc tế thán phục và khẳng định “Hà Nội, Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Nhiều người lính Pháp, lính Mỹ đã từng tham chiến tại Hà Nội và Việt Nam sau này đã tìm đến Hà Nội, đóng góp một phần công sức để hàn gắn vết thương chiến tranh, bởi họ nhận ra rằng Hà Nội là một thành phố với những con người luôn nhân hậu và yêu chuộng hòa bình.
Những ngày đầu tháng 7/2019, Robert Preston Chenoweth, hạ sĩ Lục quân Hoa Kỳ đồng thời là một trong những phi công Mỹ từng bị giam trong các trại tạm giam ở miền Bắc Việt Nam, trong đó có trại giam Hỏa Lò (1968 - 1973) đã quay trở lại thăm Hỏa Lò. Đây là lần thứ ba Robert Preston Chenoweth đến Hỏa Lò và có một bài phát biểu rất cảm động về những ký ức trong những tháng ngày sống tại “Khách sạn Hilton - Hà Nội” và cảm xúc sau hơn 40 năm quay lại nơi mình từng gắn bó. Robert Preston Chenoweth luôn khẳng định, con đường sự nghiệp của ông bắt đầu từ thời làm khách của “Khách sạn Hilton - Hà Nội”, nơi các cựu tù binh Mỹ được học đàn, học vẽ và đọc lịch sử văn hóa Việt Nam qua các cuốn sách tiếng Anh do Việt Nam xuất bản trong thời chiến.
Hỏa Lò là nơi từng giam giữ các chiến sĩ cách mạng trong kháng chiến chống Pháp, nhưng không thể giam cầm tình yêu hòa bình, yêu độc lập, tự do của họ. Sống trong nhà tù thực dân, với chế độ giam giữ hà khắc, sinh hoạt kham khổ nhưng các chiến sĩ yêu nước vẫn giữ vững khí tiết, biến nhà tù thành trường học và là nơi phổ biến lý luận cách mạng. Thời kỳ chống Mỹ, Nhà tù Hỏa Lò trở thành nơi giam giữ phi công Mỹ, nhưng tại đây, các phi công được đối xử nhân đạo, thể hiện tính ôn hòa, nhân quyền sâu sắc của Việt Nam, làm chuyển hóa nhận thức cho nhiều người bên kia chiến tuyến. Trong cùng một không gian đó, hai đối tượng giam cầm khác nhau nhưng cùng hướng tới cái đích hòa bình, tự do và hạnh phúc của con người, tạo nên nền tảng tinh thần góp phần cho thắng lợi của hai cuộc kháng chiến.
Giữ trọn tình yêu hòa bình
Người Hà Nội luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc ngàn đời nay, trong đó Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước. Cùng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, giá trị nhân văn người Hà Nội được coi là di sản quý. Phẩm giá người Hà Nội được hun đúc, tiếp nối truyền thống trong lịch sử, phát huy trong giai đoạn hiện nay, đó là khát vọng và tình yêu hòa bình.
Một sáng mùa hè, nhà nghiên cứu Hạ Chí Nhân, con gái cụ Hạ Bá Cang, tức Hoàng Quốc Việt, say sưa kể về cuộc đời cách mạng của cụ thân sinh ra mình, luôn hy sinh cho sự nghiệp dân tộc, giải phóng đất nước. Bà chia sẻ, hạnh phúc không gì đổi được khi được sống trong hòa bình, độc lập mà các bậc tiền nhân đã hy sinh xương máu để mang lại. Hà Nội được vinh danh Thành phố vì hòa bình, xứng đáng với những gì Thủ đô đã và đang làm được, chúng ta cần trân trọng.
Trong hàng thập kỷ qua, nhất là khi đón nhận danh hiệu cao quý này, Hà Nội nỗ lực không ngừng nghỉ để xây dựng hòa bình, đóng góp tích cực trong cuộc đấu tranh vì hòa bình. Trong sự nghiệp phát triển, xây dựng, Hà Nội đạt được những thành tựu tiêu biểu trong các lĩnh vực: Cải thiện đời sống nhân dân, thúc đẩy đoàn kết xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, giải quyết các vấn đề đô thị hóa, môi trường sinh thái, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ…
Năm 1998, nhân dịp kỷ niệm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hà Nội đã thả hàng ngàn con chim bồ câu với “Thông điệp hòa bình Hà Nội tháng 5”. Đó là ước muốn của người dân Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung về một Thủ đô hòa bình, một thế giới hòa bình. Hành động đó được Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam ghi nhận và cũng để nhân dân cả nước, bạn bè quốc tế hiểu hơn tình yêu hòa bình của người dân Hà Nội.
Trong hoạt động thường ngày, thành phố luôn nêu cao tinh thần ủng hộ hòa bình, xây dựng cuộc sống phồn thịnh. Đi từ Sân bay Nội Bài về trung tâm Hà Nội, du khách dễ dàng bắt gặp những biểu tượng hòa bình dọc đường đi. Công viên Hòa Bình được xây dựng tại cửa ngõ Thủ đô là lời chào của Hà Nội đối với du khách gần xa, gửi gắm ý tưởng đến với Hà Nội là đến với hòa bình. Đến với Hà Nội là được đắm mình trong không khí bình yên với những con đường rợp bóng cây xanh, những thảm hoa rực rỡ sắc màu, những khẩu hiệu tôn vinh hoa bình.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Mai Hùng, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam khẳng định, 20 năm đón nhận danh hiệu Thành phố vì hòa bình, người dân Thủ đô rất trân trọng danh hiệu này, từ trong tâm thức không chỉ những người có trách nhiệm cao nhất của thành phố, mà cả những người dân bình dị. Trong những năm qua, Hà Nội có nhiều chương trình hành động để gìn giữ danh hiệu, khơi dậy và phát huy tinh thần yêu chuộng hòa bình, nhân lên niềm tin yêu của bạn bè quốc tế với Hà Nội.
Từ sâu xa trong lịch sử, với tình yêu và khát khao hòa bình, người Hà Nội luôn quyết tâm đóng góp sức lực, trí tuệ cho hòa bình, thân thiện, hữu nghị và hợp tác với tất cả bạn bè quốc tế. Được tôn vinh "Thành phố vì hòa bình" là một vinh dự lớn. Và Hà Nội sẽ tiếp tục gìn giữ, phát huy tinh thần ấy, hồn cốt ấy trong trái tim mình. Từng người dân nơi đây đều trân quí giá trị, ý nghĩa to lớn của hòa bình, tiếp nối truyền thống yêu chộng hòa bình, xây dựng Thủ đô thanh lịch, văn minh, giàu mạnh, điểm đến an toàn, thân thiện của bạn bè quốc tế.
Bài 2 - Điểm đến an toàn, thân thiện
Đinh Thuận/TTXVN
loading...