Giáo sư Phan Huy Lê - Trái tim lớn vì Thăng Long, Hà Nội
(Thethaovanhoa.vn) - Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê, một trong bốn "cây đại thụ" của nền sử học nước nhà, vừa mới qua đời trưa nay, 23/6, ở tuổi 84. Trong cuộc đời hoạt động khoa học của mình, ông luôn dành tình yêu lớn và có những đóng góp vô cùng quan trọng cho Hà Nội, điển hình như việc chủ biên xây dựng hồ sơ đăng ký Di sản thế giới cho Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long, đồng thời đóng góp công sức vào các hồ sơ danh hiệu Di sản Thế giới cho Hội Gióng Phù Đổng, bia Tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám...
Chia sẻ với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) sau khi nhận Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội của Giải thưởng Bùi Xuân Phái, vì những đóng góp suốt đời của ông đối với lịch sử, văn hóa Thăng Long - Hà Nội, GS Phan Huy Lê từng nói: "Tôi vừa bất ngờ, vừa vui và lấy làm vinh hạnh khi được nhận giải thưởng Lớn, nhất lại là giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội. Một là vì danh họa Bùi Xuân Phái là người tôi rất ngưỡng mộ. Thứ hai, giải thưởng này mang một chủ đề rất hay là “Vì tình yêu Hà Nội”. Tôi rất yêu Hà Nội, dù Hà Nội không phải là nơi tôi sinh ra. Được trao giải thưởng này như là một động lực giúp tôi suy nghĩ và làm nhiều việc tốt hơn nữa cho Hà Nội, vì Hà Nội. Cho Hà Nội và vì Hà Nội cũng là cho và vì cả nước".
Theo GS Phan Huy Lê, Bùi Xuân Phái là một người không giống bất cứ một ai cả. Ông đã để lại cho di sản văn hóa hiện đại của Hà Nội một dòng tranh rất đặc trưng mang tên “Phố Phái”, nổi tiếng khắp trong nước và thế giới. Những người yêu Hà Nội bây giờ và mai sau nữa, sẽ còn săn lùng tranh của ông như săn lùng những báu vật văn hóa đặc trưng của Hà Nội dù công việc đó hết sức khó khăn.
Tình yêu Hà Nội, theo ông, không phải chỉ xuất phát từ tình cảm đơn thuần mà nó phải xuất phát từ đam mê trên một nền tảng sâu sắc về Hà Nội, và phải hiểu được các giá trị có sức hấp dẫn của Hà Nội với tất cả mọi người. Vì tình yêu thì nó có ý nghĩa hơn nhiều bởi nó được xuất phát từ trái tim đó, cộng với khối óc, trí tuệ, tâm hồn và nghị lực.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND TP HN trao Giải thưởng Lớn cho NGND-GS Phan Huy Lê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
GS Phan Huy Lê nhấn mạnh rằng Hà Nội có những nét hết sức đặc thù, đến mức hiếm có trên thế giới. Đó là vì Hà Nội là vùng đất giữ vai trò trung tâm quyền lực, trung tâm văn hóa... trên một bề dày lịch sử rất lớn. Nếu mở rộng ra bao gồm Cổ Loa thì từ thế kỷ thứ 3, thứ 2 trước Công nguyên, vùng đất này là kinh đô của nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, rồi sau đó là kinh đô của chính quyền Trưng Vương... Đặc biệt là từ thế kỷ 11 (1010), vùng đất này trở thành kinh đô Thăng Long của nước Đại Việt. Và từ đó cho đến tận hôm nay, phải nói một cách chuẩn xác rằng vai trò đó (trừ một số giai đoạn rất ngắn như thời Tây Sơn (1788 - 1802), giai đoạn nhà Nguyễn (1802 - 1945) kéo dài liên tục làm cho cái độ ngưng kết, quy tụ các giá trị văn hóa dân tộc đạt đến một trình độ rất cao. Nó sàng lọc và lắng đọng lại các giá trị tiêu biểu nhất cho cả nền văn hóa dân tộc. Chính vì thế mà di sản văn hóa Hà Nội là một kho tàng hết sức đồ sộ, không có bất cứ một tỉnh, thành phố nào có thể sánh được. Và trên thế giới, vai trò liên tục lấy làm kinh đô và để lại khối lượng di sản như Hà Nội cũng là rất hiếm hoi.
GS khẳng định, trong suốt quá trình gắn bó với sử học, ông luôn dành một phần trái tim và khối óc của mình cho Hà Nội, dù ông nhận "những việc làm được cho Hà Nội cũng khiêm tốn...". Ông luôn trăn trở hai việc cho Hà Nội là làm sao để bảo tồn thật tốt khu Trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và thành Cổ Loa. Đây chính là hai di tích cổ xưa nhất của Thăng Long - Hà Nội. Cổ Loa nếu nghiên cứu, bảo tồn thật tốt có khả năng nó sẽ là si sản văn hóa lớn thứ 2 của Hà Nội sau Hoàng Thành...
Huy Thông