Góc nhìn 365: 'Mở rộng' vòng Xòe Thái
(Thethaovanhoa.vn) - Như vậy, vào hôm qua, 15/12, hồ sơ Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam đã chính thức được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Và tính từ năm 2003, thời điểm Việt Nam lần đầu nhận một danh hiệu Di sản phi vật thể thế giới, cho đến nay chúng ta đã sở hữu tới 14 danh hiệu này.
Cũng cần nhắc lại, vào năm 2019, di sản Thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam từng UNESCO vinh danh. Để rồi bây giờ, với việc có thêm một di sản thế giới gắn với văn hóa đặc thù của dân tộc Thái, rõ ràng theo thời gian, các danh hiệu mà UNESCO công nhận tại Việt Nam ngày càng trở nên đa dạng và nhiều sắc màu…
Nhưng, cũng chính vì sự đa dạng ấy, di sản Xòe Thái rõ ràng cần có thêm những bước đi để mở rộng sự phổ biến và được tiếp nhận trong mặt bằng nhận thức chung.
Bởi thẳng thắn, nếu những quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ, ca trù…từ lâu đã không còn xa lạ với cộng đồng thì những đặc thù về nguồn gốc của Xòe Thái vẫn khiến nhiều khán giả không sống tại Tây Bắc chủ yếu định danh nó bằng điệu múa đơn giản “tay nắm tay vai kề vai”của những vòng xòe bên bếp lửa.
Trong khi đó, nếu đi sâu vào tìm hiểu về loại hình di sản này, hẳn chúng ta sẽ đi từ bất ngờ này tới bất ngờ khác, khi biết rằng loại dân vũ này gắn với cả hệ thống thế giới quan, vũ trụ quan của người Thái trong mọi hoạt động từ nghi lễ, văn hóa, công việc cho tới đời sống hàng ngày. Và, những điệu xòe vòng được biết tới cũng chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng hàng chục điệu xòe mà dân tộc này lưu giữ.
Thậm chí, ngay những vòng xòe thường xuất hiện các chương trình du lịch Tây Bắc ấy cũng hàm chứa những ý nghĩa rất đặc thù mà không phải ai cũng tỏ tường. Như như lời các nhà nghiên cứu, với người Thái, những vòng xòe ấy không giới hạn về lượng người tham dự - để rồi bất kể tuổi tác, địa vị, tính cách…, người ta đều có thể cùng nắm tay nhau, cùng đi theo những điệu một cách vui vẻ và tự nhiên.Với văn hóa của dân tộc Thái, cách truyền tình cảm ấy chính là một hình thức kết nối để thể hiện sự cộng cảm, gắn kết giữa con người với con người trong xã hội…
***
Bây giờ, khi được UNESCO vinh danh, một cách tất nhiên, những giá trị của xòe Thái cần phải được phát huy trước hết chính ở Việt Nam, nơi mà nó đang tồn tại.
Đó không phải là một câu chuyện đơn giản, khi mà trong cách hiểu phổ biến của nhiều địa phương, chuyện “phát huy giá trị” ấy vẫn thường được đánh đồng với việc đưa di sản phục vụ du lịch ở tần suất cao. Để rồi, trong khá nhiều trường hợp, các chuyên gia đã phải lên tiếng về việc những di sản ấy bị biến tướng, gia giảm cho phù hợp với nhu cầu thưởng lãm của một làn sóng du khách đang dồn về.
- Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO công nhận là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại
- Trình UNESCO hồ sơ 'Nghệ thuật Xòe Thái' và 'Nghệ thuật làm gốm của người Chăm'
Sự thực, nghiên cứu về Xòe Thái những năm qua, cũng đã có một số chuyên gia từng lên tiếng cảnh báo về sự lạm dụng các nhạc cụ và làn điệu âm nhạc mới trong loại hình dân vũ này, cũng như xu hướng “sân khấu hóa” Xòe Thái một cách hoành tráng và diêm dúa quá mức khi biểu diễn.
Xòe Thái trước hết cần được lên kế hoạch bảo tồn và gìn giữ những giá trị gốc, trong không gian đặc thù của nó và vận hành bởi chính những cộng đồng đã khai sinh ra di sản này. Để rồi, trên nền tảng vững chắc được vun đắp ấy, việc phục vụ du lịch một cách hợp lý và khoa học mới là lúc cần tính đến.
Giống như những vòng Xòe Thái có thể mở rộng không ngừng cho mọi người cùng nhập cuộc, nếu được bảo tồn tốt, những hệ giá trị của Xòe Thái cũng sẽ tự nhiên lan tỏa, để cộng đồng biết hiểu và yêu loại hình di sản ấy không chỉ bó hẹp ở đồng bào dân tộc Thái hay các nhà nghiên cứu.
Trí Uẩn