Góc nhìn 365: Khi Giao thừa vắng pháo hoa
(Thethaovanhoa.vn) - Một thông tin đáng chú ý vừa diễn ra vào cuối tuần qua: Trước diễn biến của dịch Covid-19, Bộ VH,TT&DL đã có văn bản đề nghị các địa phương tạm dừng bắn pháo hoa và tổ chức lễ hội trong Tết Nhâm Dần 2022. Được biết, đề nghị này nhằm thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 an toàn, tiết kiệm.
Cần nhắc lại, vừa qua hàng loạt địa phương trên cả nước cũng đã hủy kế hoạch bắn pháo hoa đón tết Dương lịch theo thông lệ. Một số địa phương như Cần Thơ, Đồng Tháp, Bạc Liêu, Đắk Lắk... cũng đã khẳng định sẽ tiếp tục không bắn pháo hoa trong Tết Nguyên đán sắp tới.
Riêng tại Hà Nội, sau khi ngừng bắn pháo hoa trong tết Dương lịch, thành phố cũng dự kiến (trước khi văn bản trên ra đời) chỉ bắn pháo hoa tầm thấp tại một điểm duy nhất là Công viên Thống Nhất để truyền hình trực tiếp, thay cho 30 điểm tại nhiều địa bàn như những năm trước đây.
Thực tế, vào Tết Nguyên đán 2021, nhiều địa phương cũng đã chủ động dừng bắn pháo hoa khi dịch Covid-19 bùng nổ. Và đến năm nay, người dân cả nước sẽ lại tiếp tục trải qua một cái Tết mà những loạt pháo hoa gần như không hiện hữu.
Với cộng đồng, đặc biệt là thế hệ Gen Z trở lại, pháo hoa trong đêm Giao thừa từ lâu đã trở thành một thông lệ để đánh dấu thời khắc chuyển giao năm mới. Và tất nhiên, gắn với nghi thức đó là câu chuyện đón Giao thừa của mỗi gia đình - khi mà nhà nhà, người người vẫn luôn mặc định thói quen tìm những điểm cao để ngắm pháo hoa ở thời khắc thiêng liêng này, trong khi giới trẻ lại có xu hướng biến việc tìm tới những điểm bắn pháo hoa trong đêm 30 Tết thành một chương trình “đi chơi” đặc biệt.
Vậy nhưng, nếu nhìn lại, chúng ta cũng chỉ mới có thông lệ bắn pháo hoa vào ngày Tết (chủ yếu là trong đêm Giao thừa) từ hơn hai chục năm qua. Còn trước đó, do điều kiện kinh tế xã hội, và cả phong tục tập quán đặc thù, người Việt chủ yếu đón Giao thừa bằng những tràng pháo truyền thống được đốt trước cửa nhà.
Sẽ hơi khó để xác định lần đầu tiên, pháo hoa được bắn tại Việt Nam trong dịp Giao thừa. Nhưng, như trí nhớ của các nhà sử học, 2 cột mốc đáng chú ý trong câu chuyện này đến vào các năm 1973 và 1976 tại Hà Nội - khi pháo hoa được bắn vào Giao thừa sau các sự kiện ký Hiệp định Paris và thống nhất đất nước. Chỉ là những đợt pháo hoa được bắn tại Hồ Gươm trong thời lượng ngắn, hình thức đón mừng năm mới này vẫn thu hút sự hào hứng của cộng đồng - vốn chỉ biết tới pháo hoa qua một số ngày lễ mừng Quốc khánh những năm trước đó.
- Góc nhìn 365: Ngày Tết, đi hay... ở?
- Góc nhìn 365: Lời chúc 'năm Covid'
- Góc nhìn 365: Tết vẫn sẽ là Tết thôi
Phải tới giữa thập niên 1990, khi việc cấm đốt pháo nổ trên toàn quốc được áp dụng, pháo hoa đêm Giao thừa mới phát triển mạnh, để dần trở thành thông lệ ở hầu hết các đô thị trên cả nước. Thực tế, ngoài việc “thay thế” cho âm thanh và sắc màu của pháo nổ truyền thống, những màn pháo hoa ấy cũng khiến chúng ta có sự cộng hưởng với xu thế bắn pháo hoa mừng năm mới trên thế giới, dù là “Tết Âm” theo cách của mình...
Kể chuyện cũ, đơn giản để nói rằng: Chúng ta cũng đã có vô vàn “Giao thừa không pháo hoa” trong quá khứ. Và, nếu có chút luyến tiếc, kém vui vì điều ấy là điều cần thông cảm thì ngược lại, cũng hãy tôn trọng cách nhìn tích cực, rằng thiếu pháo hoa thêm một năm thì cũng... chẳng thành vấn đề gì lắm.
Bởi, nỗi buồn vì thiếu pháo hoa chỉ là hạt cát so với nỗi buồn mà chúng ta đã trải qua - và muốn dứt bỏ nó càng sớm càng tốt - trong đại dịch Covid-19 vừa rồi.
Trí Uẩn