loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Chúng ta chỉ còn hơn một tháng nữa là đón Tết Dương lịch, và năm nay, Tết Âm lịch cũng đến rất nhanh, đúng một tháng sau tết dương.
Năm hết dĩ nhiên là Tết phải đến thôi, theo lịch ta hay lịch Tây đều thế cả. Hết năm, theo lịch Tây thì có Tết Dương lịch, theo lịch ta thì có Tết Nguyên đán. Tết nào cũng mới lạ, cũng vui và nhiều điều hứng khởi.
Sở dĩ tôi nghĩ về tết vì tại phiên họp cuối tuần qua, lãnh đạo Hà Nội nhận định: Dự báo ca bệnh Covid-19 sẽ tăng cao trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán sắp tới. Do đó Thành phố đã giao Sở Y tế và các đơn vị xây dựng kịch bản khi có 100 nghìn ca bệnh và đề nghị cần phải chủ động chuẩn bị nghiêm túc cho tình huống này.
Quả thật, liên tiếp những ngày vừa qua, các ca F0 mới trong cộng đồng lại có dấu hiệu tăng trở lại tại nhiều địa phương, trong đó có Hà Nội.
Trên thực tế, dù thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch, song việc có thêm nhiều ca lây nhiễm mới khi cuộc sống đang dần từng bước được đưa trở về trạng thái “bình thường mới” là điều đã được dự báo từ trước. Sau một thời gian khá dài “ai ở đâu ở yên đó”, nhu cầu đi lại, ăn uống, tụ tập… của người dân tăng cao cũng là dễ hiểu.
Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là ý thức chấp hành phòng, chống dịch của không ít người dân chưa cao. Rất nhiều người cho rằng mình đã tiêm vaccine rồi, nên có tâm lý chủ quan, "bình thường mới" quá sớm, không tuân thủ 5K, cũng chẳng cập nhật tin tức, theo dõi các thông báo khẩn hoặc quy định mới, phân vùng mới trên địa bàn mình sinh sống.
Nhiều quán hàng cũng dần dần lơ là trong việc yêu cầu, hướng dẫn khách hàng khai báo y tế, quét mã QR, đón khách không quá 50% công suất, đóng cửa trước 21h hàng ngày... Dễ thấy cảnh các quán ăn đông khách, không đảm bảo giãn cách chỗ ngồi. Những điều này đã khiến cho tình hình dịch bệnh tại Hà Nội thêm phức tạp và nỗi lo “Tết này Covid xông nhà” là có cơ sở.
Viết đến đây, tôi nghĩ có lẽ cũng cần phải nhắc lại đêm tưởng niệm vào dịp cuối tuần trước, khi cả nước cùng hướng về những đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đã qua đời trong đại dịch Covid-19.
Trong đêm tưởng niệm ấy, chúng ta ai cũng đau xót khi nghe những thông tin được công bố: Hơn 23.500 ca tử vong, hơn 2.600 trẻ em mất cha mẹ, hàng nghìn người già yếu không nơi nương tựa. Rất nhiều người khi “nhắm mắt xuôi tay” không có người thân bên cạnh, không lời trăn trối. Có nhiều gia đình 2-3 người tử vong, có người mất đi cả cha lẫn mẹ. Có những em bé sinh ra không được nằm trong vòng tay yêu thương của mẹ. Nhiều người khi mất chưa được tổ chức lễ tang chu đáo đúng theo phong tục, tập quán, để lại những nỗi đau day dứt trong lòng người thân...
Chúng ta mong rằng nỗi đau này sẽ không lặp lại thêm một lần nữa. Đại dịch thì vẫn chưa chấm dứt cho nên đó cũng là bài học cảnh báo những người may mắn còn sống sót phải biết gác lại những đau thương, tiếp tục cuộc chiến chống dịch bệnh.
Việc trước mắt chính là tuyệt đối không được chủ quan, phải tuân thủ nghiêm ngặt 5K, chấp hành các quy định của chính quyền để hạn chế tối đa dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.
Chiến dịch hãy còn dài. Hãy luôn cảnh giác, thích ứng linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả, đừng để “Covid xông nhà” vào dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm nay.
Chỉ đạo của ngành Y tế trong ngày 22/11: Xây dựng kế hoạch bảo đảm công tác y tế và phòng chống dịch COVID-19 phục vụ Hội nghị Văn hóa toàn quốc do Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong tình hình mới; không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19; người dân về từ các địa bàn có nguy cơ chủ động khai báo với cơ quan y tế địa phương để được hướng dẫn theo dõi sức khỏe, lấy mẫu xét nghiệm và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định.
|
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.
|
Xuân An
loading...