Góc nhìn 365: Cuối năm, ngóng chợ hoa Hàng Lược
(Thethaovanhoa.vn) - Ngày hôm qua 12/1 cũng là thời điểm 78 chợ hoa Xuân tại Hà Nội bắt đầu đi vào hoạt động. Đây là các điểm chợ được thành phố phê duyệt và lên kế hoạch tổ chức để phục vụ cho Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 này.
78 chợ hoa ấy được “phủ sóng” khắp các quận huyện của thành phố, chủ yếu nằm tại các công viên, quảng trường, sân vận động... hoặc những khoảng không gian đủ rộng để bố trí các tiện ích phục vụ cộng đồng. Cá biệt, chỉ có điểm chợ hoa duy nhất tại quận Hoàn Kiếm là gắn với không gian hẹp và dài trên những tuyến phố cổ của Hà Nội.
Thế nhưng, đó lại là chợ hoa Xuân nổi tiếng nhất của thành phố.
Chợ hoa ấy chỉ xuất hiện mỗi năm một phiên ở phố Hàng Lược, kéo dài từ giữa tháng Chạp cho tới tối 30 Tết thì tàn. Hiện, chưa ai xác định được thời điểm chợ hoa này hình thành. Tuy nhiên, các tư liệu ảnh cũ cho thấy năm 1912, cảnh bán mua đào Tết đã xuất hiện tại đây.
Theo nhà nghiên cứu Tạ Thu Phong, vào đầu thế kỷ XX, nghề làm gương, lược truyền thống tại phố Hàng Lược mai một dần. Buộc phải chuyển mình, vị thế thuận lợi của phố Hàng Lược khi thông ra chợ Đồng Xuân cũng như tại chùa quán Huyền Thiên cạnh đó, đã dẫn dụ những hàng hoa cũ quanh chợ chuyển về đây. Dần dần, khi khu vực Đồng Xuân không còn bán hoa, người bán chính thức chuyển về Hàng Lược trong dịp sát Tết để họp chợ.
Chỉ dài gần 400 mét, chợ hoa bắt đầu từ phố Hàng Lược cho tới khu vực tháp nước Hàng Đậu (bởi thế còn được gọi là chợ hoa Hàng Đậu). Trong quá khứ, mỗi dịp Tết, đây chủ yếu là nơi chủ yếu đào, quất và các loại hoa của những làng ven đô như Nhật Tân, Quảng Bá, Nghi Tàm... dồn về.
Như những người cao tuổi khẳng định, chợ hoa ấy vẫn đều đặn được mở mỗi năm một phiên trong suốt cả thế kỷ qua - trừ một lần không tổ chức duy nhất vào Tết Đinh Hợi 1947, khi cả thành phố tham gia cuộc kháng chiến toàn quốc.
Như cách nói khi xưa, chơi Tết có 3 giai đoạn, đó là: chơi trước Tết, chơi trong Tết và chơi sau Tết. Tết xưa vậy và Tết nay cũng vậy. Hơn trăm năm tồn tại, chợ hoa Hàng Lược cũng là chứng nhân của nhiều thay đổi trong cách người Hà Nội “chơi trước Tết”, nhất là ở chuyện chọn hoa Xuân.
Thời bao cấp đầu những năm 1980, không hẳn nhà nào cũng có điều kiện mua một cành đào mà thường chỉ mua mấy bông hoa về bày trong Tết. Thời đầu mở cửa, đào phổ biến hơn, sinh viên vẫn rủ nhau tới đây chọn, mặc cả để mua vài cành đẹp rồi bán lại kiếm chút tiền tiêu Tết. Rồi những năm kế tiếp, đào phai bắt đầu được ưa chuộng dần bên cạnh những cành đào bích truyền thống, trong khi chợ Hàng Lược cũng dần bị cạnh tranh bởi vô vàn chợ hoa Xuân mọc lên mỗi lúc một nhiều.
- Chợ hoa Hàng Lược: Nét sinh hoạt văn hóa độc đáo của người dân Hà thành
- Nhộn nhịp chợ hoa Hàng Lược, một năm chỉ họp một lần duy nhất
- Ngày 26 Tết: Dạo chợ hoa Hàng Lược để thấy Tết đã về gần
Những năm gần đây, chợ hoa Hàng Lược không còn mang tính “tự phát” như xưa mà đã được chuẩn bị khá chu đáo và bài bản bởi chính quyền sở tại. Thay vì giới hạn trong một đoạn ngắn của 2 phố Hàng Cót - Hàng Lược, chợ cũng được mở thêm ra không gian quanh Hàng Rươi, Hàng Mã và đặc biệt là đoạn phố bích họa Phùng Hưng, nơi vốn đã có sức hút lớn với cộng đồng. Rồi, bên cạnh sự pha trộn của những mặt hàng mới như bưởi hồ lô hay các loại phong bao lì xì ngày Tết, những cành đào cỡ lớn - đặc biệt là đào rừng - cũng bớt xuất hiện tại đây khi có nhiều địa điểm để bày bán thay cho một khu phố cổ vốn chật hẹp và không dễ dàng vận chuyển.
Thế nhưng, như một quán tính, rất nhiều người vẫn đổ tới chợ hoa Hàng Lược, để ngắm hoa và tìm hiểu giá bán trước khi... lên đường tới những chợ hoa Xuân khác trong thành phố. Đó là thói quen, là sự hào hứng muốn hưởng không khí đón Xuân, hay là nét văn hóa của người Hà Nội mà người ta vẫn nhắc đến với đủ mỹ từ?
Chẳng quan trọng lắm, hãy cứ thong thả tới chợ hoa Hàng Lược khi bạn có thời gian. Đơn giản, bởi dù cuộc sống bận rộn và “công nghiệp” đến mấy, việc cắm mấy một bình hoa, một cành đào trong ngày Tết vẫn là truyền thống mà chẳng gia đình nào muốn bỏ.
Trí Uẩn