Giáo sư Vũ Khiêu, cha tôi
Nhưng có lẽ không ai hiểu các “anh hùng” hơn những người thân thiết bên cạnh họ. Nhân dịp Xuân mới, Thể thao & Văn hóa giới thiệu chân dung cận cảnh vô cùng ấm áp về Giáo sư Vũ Khiêu từ góc nhìn của người con dâu trưởng là GS.TS Lê Thị Quý, vợ của GS Đặng Cảnh Khanh.
* * *
Ông là một trong số rất ít đã gây được ấn tượng lạ cho những người được tiếp xúc. Sau này khi đã là con dâu ông, tôi mới thấu hiểu căn nguyên của điều này: trí tuệ của ông không chỉ ngời sáng mà còn ẩn giấu từ sau vầng trán, từ đôi mắt, từ dáng dấp và đặc biệt là từ cách ông nói chuyện. Càng nói chuyện với ông, người nghe càng cảm phục những kiến thức uyên bác, cùng yêu mến chất nghệ sĩ trong con người ông. Ở ông có sự kết hợp tài tình giữa bản sắc văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây: cương quyết mà lịch thiệp, cao sang mà giản dị, gần gũi.
Một lần đến thăm ông và gia đình, khi đó tôi còn chưa về làm dâu. Ông đang mệt, ông gọi chúng tôi đến, hỏi han tình hình công việc của tôi rồi đột ngột nói: “Các con chuẩn bị đi, một tuần nữa thì tổ chức cưới”. Tôi quá kinh ngạc trước quyết định của ông. Dường như thấu hiểu điều đó, ông mỉm cười giải thích: “Bố vừa lĩnh tiền nhuận bút một cuốn sách, nếu các con không tổ chức đám cưới thì chỉ một tuần nữa hết tiền, lại phải chờ lâu đấy”.
Sau này khi nghĩ lại tôi vẫn còn ngạc nhiên vì một người con gái mang nề nếp cũ như tôi đã lấy chồng theo cách đó: nhanh gọn, vội vàng và không được chuẩn bị kỹ càng. Có lẽ niềm tin tuyệt đối của tôi đối với ông đã khiến tôi không thể có quyết định nào khác. Đám cưới của chúng tôi đã diễn ra khá chu đáo, giản dị mà đầm ấm, vui vẻ mà không khoa trương. Tôi vẫn thầm cảm ơn ông bố chồng quyết đoán đã góp phần tạo dựng hạnh phúc cho chúng tôi.
Ông là một người chồng, người cha chu đáo với vợ con. Mặc dù rất bận rộn với công việc song ông luôn quan tâm tới từng thành viên trong gia đình. Bất cứ ai có khó khăn, nếu nói ra với ông, ông đều giúp đỡ giải quyết. Các bữa cơm trong gia đình, mặc dù rất đạm bạc nhưng thực sự là những cuộc trao đổi thân mật, cởi mở giữa bốn thế hệ. Bà ngoại chồng tôi, mặc dù có con trai nhưng vẫn thích ở với gia đình chúng tôi. Cụ đã sống vui vẻ trong tình thương yêu của mọi người đặc biệt là trong sự chăm sóc tế nhị, đầy tình nghĩa của ông. Cụ thường tự hào nói: “Ông Khiêu là con trai tôi”. Cụ thọ 90 tuổi, đã thanh thản ra đi vào một ngày Hè có mưa to và nắng gắt.
Mối tình của bố mẹ chồng tôi rất đặc biệt. Mẹ chồng tôi thể chất yếu đuối, tính tình giản dị, chu đáo, ưa làm các công việc trong phạm vi gia đình. Suốt cuộc đời bà đã kính phục, yêu thương ông. Ông có vóc người tầm thước, khỏe mạnh, đọc rộng hiểu nhiều, lịch sự và quảng giao. Ông sống với bà những ngày tháng hạnh phúc trong tình yêu và sự thủy chung đến mức đáng kinh ngạc. Bà hay đau ốm, song lần nào ông cũng không quản ngại chăm sóc bà tận tình cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhìn cảnh ông bà trìu mến chăm sóc nhau tôi vẫn thường cảm động tự hỏi: Điều gì đã gắn kết hai con người trong một tình yêu lạ thường đến thế? Chắc chắn rằng những mối tình như vậy không có nhiều trên thế gian này.
Một trong những thú vui của cuộc đời ông là giao tiếp xã hội. Ông có nhiều khách. Họ có thể là các nhà khoa học có tên tuổi, các chính khách nổi tiếng, các văn nghệ sĩ, họa sĩ tài năng, các nhà báo từng trải, song họ cũng có thể là các nhà nghiên cứu trẻ mới vào nghề, những sinh viên hâm mộ ông và cả những ông bà nông dân ở quê nhà hoặc ở nơi sơ tán… Tất cả đều được ông đón tiếp một cách chu đáo, tận tình. Ông thường mang rượu ra mời khách.
Những lúc ông tiếp khách, đặc biệt là khách trí thức, tôi rất sung sướng được chuẩn bị món nhậu giúp ông. Ở trong bếp vừa xào nấu, tôi vừa lắng nghe các cuộc trao đổi, tranh luận khoa học rất hấp dẫn giữa ông và khách. Nhiều kiến thức thu nhận được từ đây sau này đã góp phần nâng cao thế giới quan khoa học, phương pháp nghiên cứu của tôi. Điều đó rất quý giá đối với một phụ nữ tham gia nghiên cứu khi mà thời gian dành cho công việc gia đình đã chiếm phần lớn trong quỹ thời gian chung.
Khi tôi sinh cháu trai đầu lòng, cả nhà rất sung sướng. Ông đón chào đứa cháu đích tôn bằng tất cả tình cảm của mình. Ông thường kể cho cháu những chuyện lịch sử, phân tích những nhân vật anh hùng. Ông luôn luôn kích thích suy nghĩ sáng tạo của cháu, ông cho phép cháu được nói chuyện với các trí thức khi họ đến nhà.
Có lần sau khi tranh luận với một trí thức lớn về vua Quang Trung, cháu đã nói: “Mẹ cháu không phải là nhà sử học, mà là mẹ của nhà sử học”. Hai ông cùng cười vang trước câu nói nói ngộ nghĩnh của cháu. Sau này chính cháu cũng đã đi vào ngành khoa học xã hội, nối tiếp con đường của ông và cha mẹ cháu. Điều đó làm ông rất hài lòng. Ông vẫn tiếp tục dạy cháu và nâng đỡ cháu trong những bước đi đầu tiên của nghề nghiên cứu khoa học xã hội. Có thể nói con trai tôi đã được thở hít không khí học thuật ngay từ trong nôi.
Đối với tôi, Giáo sư Vũ Khiêu không chỉ là cha chồng mà còn là người cha tinh thần, người đã dẫn dắt tôi đi vào con đường khoa học, con đường nhiều chông gai và hấp dẫn.
GS.TS Lê Thị Quý
Thể thao & Văn hóa Xuân Ất Mùi 2015