Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật 'cán mốc' hơn 100 lượt trao giải
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 29/11, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật tổ chức lễ trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 19 - năm 2018.
Ra đời từ năm 2000, đây là giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh các tiến sỹ có luận án sử học xuất sắc trong cả nước. Giải mang tên Phạm Thận Duật (1825 – 1885) - nhà sử học, nhà văn hóa lớn, sỹ phu yêu nước của thế kỷ XIX, người đã hi sinh trên đường bị thực dân Pháp bắt đi đày từ Côn Đảo đến đảo Tahiti.
Qua 18 lần tổ chức trước đây, Quỹ Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã trao 95 giải gồm 8 giải nhất, 38 giải nhì, 48 giải ba, trong đó có 2 tiến sỹ người nước ngoài cho những công trình nghiên cứu xuất sắc trong bộ môn lịch sử. Cộng cùng 6 giải thưởng năm nay, số lượt tác giả nhận giải hiện đã lên tới 101 lượt người.
Các giải thưởng được trao năm nay gồm một giải Nhất, hai giải Nhì và một giải Ba. Trong đó, giải Nhất thuộc về Tiến sỹ Phạm Lê Huy (Đại học Quốc gia Hà Nội) với luận án Tầng lớp thủ lĩnh tại Giao Châu - An Nam thời đô hộ Tùy Đường.
- Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật 2017: Vinh danh 3 tiến sĩ
- Giải thưởng sử học Phạm Thận Duật: Vinh danh các luận án về chủ quyền biển đảo
- 5 tiến sĩ sử học nhận giải thưởng Phạm Thận Duật
Hai giải Nhì được trao cho Tiến sỹ Nguyễn Văn Chuyên (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) với luận án Các thương cảng ven biển Bắc Trung Bộ trong quan hệ thương mại khu vực và quốc tế thế kỷ XI-XIX và Tiến sỹ Nguyễn Văn Quảng, (Đại học Huế) với luận án Các di tích đền-tháp, thành-lũy Champa ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế.
Sơn Tùng