Giải thưởng Nghệ thuật Artes Mundi quy tụ sự phong phú toàn cầu
(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, Artes Mundi đã giới thiệu các tác phẩm của 6 tác giả sẽ tham gia tranh giải. Đây là giải thưởng nghệ thuật lớn nhất Anh quốc với tiền thưởng lên đến 40 nghìn bảng Anh (hơn 55 nghìn USD).
Artes Mundi được tổ chức 2 năm 1 lần kể từ 2004, do tổ chức từ thiện nghệ thuật phi lợi nhuận cùng tên thành lập. Trước đó, các nghệ sĩ từng giành giải gồm nam đạo diễn người Thái Lan Apichatpong Weerasethakul, nhà làm phim gốc Ghana John Akomfrah và nghệ nhân gốm người Mỹ Theaster Gates...
Ngày 15/3, Artes Mundi lần thứ 9 chính thức trình làng các tác phẩm của 6 nghệ sĩ từ khắp nơi trên thế giới theo hình thức trực tuyến. Tham gia tranh giải có Firelei Baez, Dineo Seshee Bopape, Meiro Koizumi, Beatriz Santiago Munoz, Prabhakar Pachpute và Carrie Mae Weems.
Cái tên đáng chú nhất là nhiếp ảnh gia người Mỹ gốc Phi Carrie Mae Weems (sinh năm 1953), bà từng đóng vai chính mình trong bộ phim chuyển thể She’s Gotta Have It của đạo diễn Spike Lee trên Netflix. Các tác phẩm của bà mang đậm dấu ấn lịch sử từ những sự kiến lớn tại Mỹ như tang lễ của mục sư Martin Luther King, vụ ám sát Cựu Tổng thống John F. Kennedy và nhà hoạt động nhân quyền Malcolm X.
Ngoài ra, nữ nghệ sĩ Firelei Baez người Mỹ gốc Cộng hoà Dominica lại “nổi bật” hơn với những bức tranh sơn dầu mang màu sắc rực rỡ. Tuy nhiên, không chỉ vẽ, các phẩm của cô còn được tạo nên từ những bức ảnh tư liệu, bản đồ địa lý và bìa của những cuốn sách “gây tranh cãi” về chế độ nô lệ hay phân biệt chủng tộc...
- Lý giải tại sao nhiều tác phẩm nghệ thuật đạt giá hơn 100 triệu USD
- Phát hiện tác phẩm nghệ thuật cổ nhất nước Anh từ thời Kỷ Băng hà
- Triển lãm tác phẩm nghệ thuật của nạn nhân phà Sewol
Tác phẩm “ám ảnh” nhất có lẽ thuộc về nghệ sĩ Nhật Bản Meiro Koizumi (sinh năm 1976) với bộ 3 video có tên Angels Of Testimony (tạm dịch: Thiên thần làm chứng). Tác phẩm xoay quanh những tội ác tàn khốc của lính Nhật gây ra cho người dân Trung Quốc trong Chiến tranh Trung - Nhật lần thứ 2 (1937-1945). Đáng chú ý là những lời kể của 1 cựu quân nhân 99 tuổi, cố gắng nhớ lại “tội ác” của mình.
Các tác phẩm của nghệ sĩ thị giác người Ấn Độ Prabhakar Pachpute cũng thu hút không ít sự chú ý. Chủ đề của ông bao trùm bởi những cá thể “dị dạng”. Đặc biệt, Pachpute sử dụng phấn và thậm chí cả than đá để hoàn thiện các tác phẩm của mình.
Artes Mundi lần thứ 9 sẽ chính thức công bố chủ nhân của giải thưởng vào ngày 14/4 tới. Sau đó, toàn bộ các tác phẩm tham gia tranh giải sẽ được triển lãm và trình chiếu tại Bảo tàng Quốc gia xứ Wales, Trung tâm nghệ thuật Chapter và phòng trưng bày G39 của Anh từ tháng 5 đến tháng 9. Ngoài ra, khán giả trên toàn cầu cũng có thể xem qua các tác phẩm này tại địa chỉ vimeo.com/showcase/8243750.
Thành Quách (tổng hợp)