Giải pháp nào phục hồi điện ảnh sau dịch Covid-19?
(Thethaovanhoa.vn) - Hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa tại TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác trên cả nước đầu tháng 5. Từ đó, giới làm phim Việt gần như tê liệt, điện ảnh Việt Nam trải qua thời gian ảm đạm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Thị trường phim ảnh đóng băng
Ngành phim bị ảnh hưởng mạnh mẽ trong trong lần bùng dịch thứ tư. Kể từ ngày 3/5, hệ thống rạp chiếu phim đóng cửa tại TP.HCM cùng nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Kể từ đó, giới làm phim Việt gần như tê liệt.
Trước đó, trong 5 tháng đầu năm 2021, rạp phim cũng hoạt động chỉ khoảng 3 tháng với 12 phim ra rạp. Trong đó, Bố già trở thành hiện tượng phòng vé với doanh thu kỷ lục hơn 400 tỷ đồng. Lật mặt: 48h của Lý Hải cũng là một điểm sáng với doanh thu hơn 150 tỷ đồng. Gái già lắm chiêu V dù không được như kỳ vọng nhưng cũng đạt mức doanh thu đáng khích lệ với hơn 55 tỷ đồng.
Ngoài những bộ phim hot phòng vé, vừa qua cũng có những tác phẩm ra rạp và thất bại về doanh thu như: Võ sinh đại chiến, Kiều, Kiều@, Cậu Vàng...
Sau đó, khi rạp phim đóng cửa thì hàng loạt tác phẩm ấn định ngày ra mắt đã phải lùi lịch nhiều lần, có những tác phẩm dời lịch chiếu sang năm 2022. Nhiều phim có doanh thu tốt như Thiên thần hộ mệnh, Lật mặt: 48h... đang sốt vé cũng phải rút khỏi rạp.
4 tháng đóng cửa rạp khiến cho các nhà phát hành "điêu đứng". Đại diện hệ thống rạp phim Galaxy từng cho biết họ đã đóng cửa 18 rạp chiếu trên cả nước. Galaxy vẫn phải chi trả hàng loạt chi phí liên quan mặt bằng, bảo dưỡng máy móc và tiền lương nhân viên. Đại diện này cho biết mỗi tháng, đơn vị chịu lỗ hàng chục tỷ đồng. Hơn bốn tháng, con số lên gần trăm tỷ.
Các nhà sản xuất phim cũng lao đao. Lý Hải - đạo diễn Lật mặt - cho biết anh thiệt hại 10 tỷ đồng cho khâu marketing khi phim bị hoãn chiếu. Đạo diễn Victor Vũ luôn trong tâm trạng hồi hộp lo lắng, không biết chừng nào phim được bấm máy, quay xong không biết khi nào phim được phát hành, rồi đang phát hành lại phải thông báo tạm rút.
20 hãng phim xin hoạt động "bình thường mới"
Trong bối cảnh đó, 20 hãng sản xuất phim và chương trình truyền hình vừa ký tên vào kiến nghị gửi Thủ tướng và UBND TP.HCM, xin hoạt động lại từ ngày 15/10 vì kiệt quệ nhiều mặt.
Trong văn bản gửi Thủ tướng và UBND TP.HCM vừa qua, các đơn vị cho biết hai năm qua, ngành điện ảnh - truyền hình bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đợt bùng dịch thứ tư, TP.HCM giãn cách xã hội nhiều tháng khiến loạt phim, chương trình bị lùi sản xuất, phát hành, hoãn vô thời hạn.
Vốn đầu tư vào các dự án tồn đọng, nhiều nhân sự mất việc, giảm thu nhập. Các đơn vị đang kiệt quệ về nguồn lực, trong khi phí thuê mặt bằng, lương cho nhân viên vẫn phải chi trả. Họ cũng lo lắng số lượng phim và chương trình trong nước thiếu hụt, dẫn đến lệ thuộc nước ngoài.
20 doanh nghiệp ký tên trong công văn gồm Galaxy Play, BHD, Hoan Khuê, Đất Việt VAC, Chánh Phương, ABC Pictures, CJ HK, VietCom, Blue Productions...
Các công ty sản xuất phim và chương trình truyền hình không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. Họ đề nghị Thủ tướng và UBND TP.HCM chấp thuận cho các doanh nghiệp sản xuất phim và chương trình truyền hình được phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới bằng việc đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 15/10.
"Chúng tôi không xin hỗ trợ tài chính mà chỉ xin cơ chế để hoạt động trong bối cảnh bình thường mới. Theo đó, để duy trì hoạt động ở thời điểm hiện tại và lấy đà hồi phục sau khi dịch bệnh kết thúc, thông qua việc học hỏi mô hình sản xuất phim và chương trình truyền hình trong bối cảnh dịch Covid-19 tại một số quốc gia khác, chúng tôi kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ và UBND TP.HCM chấp thuận cho các doanh nghiệp trong ngành sản xuất phim và chương trình truyền hình được phục hồi sản xuất, kinh doanh an toàn trong bối cảnh chống dịch mới bằng việc bảo đảm các biện pháp phòng, chống dịch từ ngày 15/10" - kiến nghị có đoạn viết.
Các đơn vị đề xuất hình thức sản xuất kết hợp phòng, chống dịch bao gồm: Thực hiện trực tuyến các công việc tiền kỳ; Thu hẹp quy mô nhân sự khi quay và sản xuất; Thực hiện xét nghiệm PCR gộp theo nhóm 10 người trước ngày tiến hành quay; Xét nghiệm nhanh từng người 7 ngày một lần cho toàn bộ nhân sự trong suốt thời gian quay; Đảm bảo 100% nhân sự đoàn phim đã được tiêm vắc xin và xét nghiệm âm tính.
Bên cạnh đó là: Sản xuất ở những bối cảnh biệt lập như: phim trường, các khu du lịch sinh thái không hoạt động, các khu nhà ở không có dân cư sinh sống...; Khai báo y tế thường xuyên và luôn đảm bảo thực hiện 5K; Mỗi đoàn phim chỉ định một nhân sự kiểm soát việc tuân thủ các hoạt động phòng chống Covid-19, đặc biệt không tập trung quá 10 người trong mỗi khu vực.
Thời gian vừa qua, điện ảnh Việt đối diện với nhiều thách thức. Dịch bệnh đã khiến cho nền điện ảnh non trẻ của nước nhà vừa khởi sắc đã điêu đứng. Cùng với mong muốn nhận được sự tiếp sức của Nhà nước với những chính sách cởi mở, giới làm phim cũng cần phải tự đổi mới, sáng tạo, cập nhật để có thể trụ vững và phát triển trong tình hình nhiều khó khăn.
Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ. |
Bảo Anh