A+ A A- Kiểu đọc sách

FIAP có xa lạ với ta không?

14:36 10/08/2010
loading...
(TT&VH) - LTS: Cuộc triển lãm nhiếp ảnh đương đại của 42 Hội quốc gia thành viên trong Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP) đã kết thúc hôm 8/8 vừa qua cùng với Đại hội lần thứ 30 của FIAP lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Những tranh luận về vai trò và quan niệm nghệ thuật của FIAP, về tính nghiệp dư hay chuyên nghiệp của tổ chức nhiếp ảnh này lại một lần nữa được xới lên với những cái nhìn rất khác nhau. TT&VH xin giới thiệu bài viết của nhiếp ảnh gia Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

2 dòng nhiếp ảnh rõ ràng

Đây là hai cuộc thi và trưng bày ảnh, một là ảnh đen trắng, hai là ảnh cho giới trẻ do FIAP tổ chức, nó mang tính truyền thống của FIAP với tổng số gần 700 ảnh.

Trước đây nói về ảnh đương đại, nhiều nhà nhiếp ảnh trong nước chưa hình dung ra nó như thế nào. Một số người làm công tác lý luận, phê bình nhiếp ảnh cũng nghiêng ngả rụt rè, không dám bộc lộ quan điểm của mình. Trong khi đó một vài người bảo thủ, hoặc cơ hội thì cứ hát đi hát lại bài ca cũ và “phang” cho “cái mới”, “cái lạ” đủ tội, nào là “duy mỹ”, “phi hiện thực” nào là “sai bản chất nhiếp ảnh”...


Ảnh trong bộ ảnh của Scotland đoạt Cúp FIAP
Giờ đây với sự hiện diện của cuộc thi triển lãm ảnh đương đại này, giới nhiếp ảnh nước ta, các nhà quản lý, các nhà báo, các nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh sẽ được tiếp xúc nhận chân khuôn diện của nó cũng như cái được và chưa được của loại hình nghệ thuật này. Qua đây chúng ta sẽ biết ảnh nghệ thuật bao gồm những gì, khuynh hướng của nó ra sao...?

Có thể thấy, ảnh của 42 quốc gia thành viên đang song hành theo hai dòng nhiếp ảnh: ảnh chụp trực tiếp và ảnh kỹ xảo, có người còn gọi hai dòng ảnh này là ảnh hiện thực và ảnh siêu thực, hoặc ảnh chụp và ảnh nghệ thuật số.

Nhiếp ảnh hiện thực là dòng nhiếp ảnh tôn trọng tính nguyên bản của đối tượng thể hiện. Nó không chấp nhận các thủ pháp kỹ thuật, kỹ xảo làm thay đổi nội dung và hình thức bức ảnh. Nó sùng bái giây phút bấm máy và bố cục hình ảnh của bản gốc. Người ta coi những tấm phim gốc, những file ảnh gốc là sự bảo đảm cho tính trung thực của nhiếp ảnh. Những tấm ảnh được hình thành theo phương pháp này được báo chí ưa chuộng coi như một nguyên tắc của nghề nghiệp. Ở phương diện lịch sử, người ta coi những bức ảnh đó là tài liệu lịch sử, là chứng cứ của sự thật. Ở góc độ nghệ thuật, nó là những hình ảnh điển hình mang tính cụ thể và khái quát hiện thực xã hội.

Còn nhiếp ảnh kỹ xảo, không phải tới ngày nay khi có công nghệ kỹ thuật số nó mới nảy sinh, mà thực sự nó được sinh ra đồng thời với máy chụp ảnh và máy phóng ảnh. Các nhà nhiếp ảnh theo trường phái này tuyên bố công khai ý định của họ trong sáng tác tạo ra “nhiếp ảnh siêu thực”. Về lý thuyết nó là siêu thực và có nhiều tác phẩm ảnh loại này mang tính trừu tượng, nó gần với hội họa, nhiều ảnh mang tính biểu trưng và sự khái quát cao, gây ấn tượng mạnh. Bên cạnh đó, có người ứng dụng hình thức này vào loại ảnh áp phích, quảng cáo chính trị và thương mại, ở lĩnh vực này nó rất thành công và có hiệu quả cao.

Hiện thực của nhiếp ảnh đương đại

Qua ảnh của các tác giả gửi tới cuộc thi, kể cả ảnh của Việt Nam, Trung Quốc, người xem thấy đối tượng thể hiện của ảnh trước hết là con người, kế đến là cảnh sắc thiên nhiên và cuộc sống xã hội đang tồn tại ở đất nước họ, hoặc là ở đất nước khác mà tác giả được tiếp xúc hoặc được sống và trải nghiệm. Nhân vật trong ảnh của họ phần lớn đều là người thực, việc thực, hoàn cảnh thực đang diễn ra trước ống kính.

Chúng ta hãy xem bộ ảnh của Scotland đoạt Cúp FIAP. Đó là những ảnh chụp về thể thao, như bóng đá, đua ngựa, đua môtô... Với những bức ảnh này, các yếu tố góc chụp, thời cơ bấm máy, độ nét... được thực hiện hoàn hảo, diễn đạt rất tốt cái động, sự gay cấn, sự khó khăn của vận động viên. Các nhà nhiếp ảnh Scotland vượt qua những thách thức nghề nghiệp, làm chủ được tình huống, làm chủ được phương tiện nhiếp ảnh thể hiện thành công niềm say mê thể thao và lòng yêu cuộc sống của con người.

Cùng với bộ ảnh này, người ta thấy bộ ảnh “Vượt khó” của Việt Nam đoạt huy chương vàng nói về những người khuyết tật, trong đó có ảnh các em nhỏ bị chất độc da cam của Phạm Thị Thu đạt số điểm tối ưu, huy chương vàng ảnh lẻ. Đây là bộ ảnh có nội dung nhân văn sâu sắc gợi cho người xem sự đồng cảm về nỗi đau và tinh thần vươn lên giành lấy sự sống... Hiện thực đất nước ta rất phong phú, sự nghiệp đổi mới đang diễn ra với nhiều thuận lợi và thách thức đáng được đề cao. Nhưng đề tài khắc phục vết thương chiến tranh, đánh thức lương tâm con người trở về với lòng nhân ái luôn luôn là một việc làm có ý nghĩa, không chỉ đối với chúng ta mà còn là vấn đề của toàn cầu. Vì đó cũng là một mảng hiện thực của nhân loại.

Nhân đây chúng ta cũng xem xét về ảnh kỹ xảo. Tại cuộc thi này số lượng ảnh kỹ xảo không nhiều (khoảng 1/10 tổng số ảnh dự thi), chủ đề ảnh cũng không phức tạp, bí hiểm. Phần lớn ảnh của loại hình nhiếp ảnh này tập trung vào các vấn đề mang tính triết lý nhân sinh như: tình mẫu tử, lòng trắc ẩn, sự vị tha, niềm tin và sự thất vọng, nỗi cô đơn và niềm hạnh phúc cái sống và cái chết, tình yêu và lòng hận thù.

Bức ảnh Thần linh (Ghostly) của Hans Dieter Peter Cộng hòa Liên bang Đức được huy chương vàng của Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam là một thành công trong ý tưởng và thủ pháp nghệ thuật. Đó là hình ảnh một người trần thế dáng vẻ của một nhà sư rõ nét và khuôn mặt của một vị thần hơi mờ, đồng hiện giữa bối cảnh hư ảo dồn ép của các ô cửa, các khung nhà cao tầng đan xen giữa cuộc sống vội vã đến chóng mặt, mà mọi sự hiện hữu ấy theo triết lý của mọi tôn giáo cũng chỉ là hư ảo mà thôi.
 
Phải chăng tôn giáo không là một thực tại, phải chăng triết lý của các tôn giáo không phải là một vấn đề nhân sinh? Ở một mức độ nào đó nhiếp ảnh kỹ xảo có thể biểu đạt được các ý tưởng trừu tượng các chính kiến khác nhau của tác giả về thế giới quanh ta.

* *
 
Một câu hỏi đặt ra: FIAP có xa lạ với ta không? Quan điểm nghệ thuật và hướng đi của họ có phù hợp với ta không?

Đến nay có thể trả lời: Họ không xa lạ, họ không đi ngược đường, mà họ đồng điệu, đồng cảm với ta, trân trọng chúng ta, thực sự họ mến phục nhiếp ảnh Việt Nam và Việt Nam có một vị trí trang trọng trong gia đình FIAP.

Chu Chí Thành
loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...