Festival Huế 2022: Sẵn sàng cho 'bữa tiệc' văn hóa nghệ thuật hấp dẫn
Sau thời gian dài chờ đợi vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Tuần lễ cao điểm Festival Huế chủ đề "Di sản văn hóa với Hội nhập và Phát triển" sẽ khai mạc ngày 25/6.
Đến nay, cơ sở vật chất cùng phương án kỹ thuật, việc tập luyện của các đơn vị gần như đã hoàn tất. Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 hứa hẹn sẽ đạt hiệu quả kích cầu du lịch, xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố lễ hội đặc sắc của cả nước.
Sẵn sàng cho "bữa tiệc" lễ hội
Hiện nay, 8 đoàn nghệ thuật nước ngoài xác nhận tham gia Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 là: Pháp, Phái đoàn Wallonie Bruxelles - Bỉ, Israel, Tây Ban Nha, Brazil, Nga, Ả Rập Xê Út và Thái Lan. Cùng với đó, 15 đoàn nghệ thuật tiêu biểu trong nước với gần 400 nghệ sĩ, diễn viên từ Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, nhóm nghệ sĩ Hoàng Rob, Ban nhạc pop Chillies, Ban nhạc Da LAB, Đoàn nghệ thuật Dân tộc Lào Cai, Đoàn nghệ thuật Dân tộc Đắk Lắk, Đoàn nghệ thuật dân gian Việt Bắc… sẽ mang đến hàng chục tiết mục ca múa, nhảy hấp dẫn.
Dự kiến từ ngày 20-23/6, các đoàn nghệ thuật bắt đầu hợp luyện, hoàn thiện sân khấu và tổng duyệt cho chương trình khai màn.
Từ đầu tháng 5/2022 đến nay, nghệ sĩ, diễn viên Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đang tích cực tập luyện chu đáo các tiết mục. Anh Trần Tuấn Lin, Nhà hát nghệ thuật Ca kịch Huế cho biết, sau hai năm phải dừng hoạt động, Festival Huế được tổ chức trở lại là động lực để các nghệ sĩ Huế tiếp tục cống hiến cho khán giả, mang đến một chương trình Festival đậm bản sắc văn hóa Huế.
Ban Tổ chức Festival Huế 2022 đang gấp rút thực hiện công tác cấp phép biểu diễn cho các chương trình. Bên cạnh đó, Ban tổ chức đẩy mạnh truyền thông, quảng bá hình ảnh Festival trên phương tiện thông tin đại chúng và phát hành quyển sách giới thiệu chính thức các chương trình của Ngày hội. Các tình nguyện viên, chuyên viên kỹ thuật… được tập huấn bài bản, kỹ lưỡng để sẵn sàng hỗ trợ cho hoạt động của Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022.
Festival Huế năm nay được tổ chức sau thời gian dài "đóng băng" vì dịch bệnh. Vì vậy, việc tổ chức sự kiện lớn nhất trong năm này là thách thức lớn đối với Ban tổ chức nói riêng và cả hệ thống chính trị tỉnh Thừa Thiên - Huế nói chung.
"Mặc dù bức tranh dịch bệnh đến nay đã tươi sáng hơn nhưng giao thương, đi lại còn khó khăn, nhiều quốc gia không thể cử đoàn nghệ thuật tham gia như mọi năm. Thời gian chuẩn bị cho Festival Huế bị rút ngắn do tập trung chống dịch. Vì thế, rút kinh nghiệm từ các kỳ Festival trước, Ban Tổ chức liên tục điều chỉnh, sắp xếp các chương trình nhằm đảm bảo quy mô, chất lượng, xứng với tầm vóc thương hiệu Festival Huế, Giám đốc Trung tâm Festival Huế", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Festival Huế 2022 Huỳnh Tiến Đạt chia sẻ.
Mới lạ và độc đáo
Các kỳ Festival trước chủ yếu tập trung tổ chức trong khoảng một tuần lễ, không đủ thời gian để giới thiệu hết tiềm năng, sản phẩm, văn hóa đặc sắc của tỉnh. Chính vì vậy, đây là thời điểm lý tưởng để Festival Huế đổi mới, phù hợp với xu thế. Phát huy kết quả đạt được qua 10 kỳ Festival Huế, Ngày hội năm nay có nhiều điểm mới, lạ, hướng đến cộng đồng để du khách cùng tham gia, thụ hưởng.
Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 diễn ra từ ngày 25-30/6 với 8 chương trình chính và 28 chương trình hưởng ứng, đồng hành khác. Trong đó, tỷ lệ chương trình phục vụ giới trẻ tương đối lớn, hứa hẹn sẽ tươi mới, sôi động, đáp ứng nhu cầu khán giả trẻ về một kỳ Festival Huế 2022 đặc sắc.
Các chương trình chính: Chương trình nghệ thuật khai màn, Lễ hội đường phố "Sắc màu văn hóa", chương trình biểu diễn của các đoàn nghệ thuật, Lễ hội Bia, chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn, chương trình quảng diễn "Ngàn xưa âm vọng", chương trình Hoàng cung giao hòa và Đêm nhạc giao lưu chia tay của tất cả các đoàn nghệ thuật.
Giám đốc Trung tâm Festival Huế Huỳnh Tiến Đạt chia sẻ, Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 nằm trong chuỗi các hoạt động Festival mùa hạ. Do đó, một số chương trình thường xuất hiện ở các kỳ Festival trước sẽ không nằm trong khuôn khổ sự kiện tuần cao điểm mà được trải dài trong năm. Bù lại, các chương trình chính được nâng cao chất lượng và dàn dựng công phu hơn; được xây dựng, định hình thành thương hiệu Festival Huế. Mật độ các chương trình được phân bổ đầy đặn trong suốt Tuần lễ.
Đặc sắc và được mong chờ nhiều nhất trong các kỳ Festival Huế là chương trình nghệ thuật khai màn. Năm nay, đêm khai mạc có chủ đề "Đất nước thái hòa, bốn phương an lạc" diễn ra tại Quảng trường Ngọ Môn, Kinh thành Huế tối 25/6.
Đây sẽ là chương trình nghệ thuật tổng hợp giới thiệu văn hóa Huế cũng như văn hóa năm châu hội tụ, là sự kết hợp giữa nhiều yếu tố nghệ thuật, trình diễn thời trang áo dài, hiệu ứng công nghệ chiếu sáng… Đêm diễn quy tụ lực lượng lớn nghệ sĩ chuyên và không chuyên từ nhiều tỉnh, thành phố để cùng tạo nên "bữa tiệc" nghệ thuật mãn nhãn mở màn cho một kỳ Festival Huế 2022 đặc biệt.
Bên cạnh đó, Chương trình Lễ hội đường phố năm nay (diễn ra từ ngày 26-28/6) lần đầu tiên phục dựng, tái hiện trò diễn dân gian của người dân Thừa Thiên - Huế ngay trên đường phố. Đây là hoạt động sôi động, gần gũi với công chúng được nhiều khán giả yêu thích, tạo nên nét đặc sắc riêng cho Festival Huế.
Điều đặc biệt của Chương trình nghệ thuật (từ ngày 26-29/6) do các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước biểu diễn chính là địa điểm tổ chức. Các đoàn không tập trung biểu diễn trong khuôn viên Đại nội Huế như những năm trước. Người dân, du khách có thể thỏa sức thưởng thức các tiết mục nghệ thuật hoành tráng ngay tại sân khấu mở nằm dọc hai bờ sông Hương, trung tâm thành phố Huế. Thông qua đó, Ban Tổ chức mong muốn xóa đi khoảng cách giữa các nghệ sĩ và khán giá, để công chúng được hòa mình vào nghệ thuật.
Hướng đến nhóm khán giả trẻ, Tuần cao điểm Festival Huế 2022 dành nhiều không gian để tổ chức một số chương trình hưởng ứng, có tính xã hội hóa, tươi mới, sôi động như Đêm nhạc EDM, Giải đua thuyền SUP, Chương trình hát nhạc Trịnh dành cho đối tượng không chuyên, Lễ hội rock, Lễ hội Khinh khí cầu… Các sự kiện này được tổ chức ngoài trời bằng những sân khấu mở. Trong đó, Công viên Dã Viên (Cồn Dã Viên, thành phố Huế) lần đầu tiên được đưa vào sử dụng làm sân khấu tổ chức sự kiện. Khán giả trẻ có thể vừa vui chơi, dã ngoại vừa tham gia vào các hoạt động ngay tại đây.
Các chương trình nằm trong Tuần lễ cao điểm Festival Huế 2022 đều được tổ chức trong không gian mở, hướng đến cộng đồng nhằm thu hút người dân, du khách cùng tham gia. Chính vì thế, hầu hết các chương trình đều không bán vé mà hoàn toàn miễn phí.
Ông Huỳnh Tiến Đạt cho hay, trong khuôn khổ Tuần lễ, các chương trình được biểu diễn ở 5 sân khấu chính tại Quảng trường Ngọ Môn, sân trước Quốc Tử Giám, công viên 3/2, Bia Quốc Học, Công viên Dã Viên và nhiều không gian biểu diễn cộng đồng dọc hai bên bờ sông Hương xinh đẹp. Đặc biệt, việc tổ chức một số hoạt động Festival Huế 2022 tại Công viên Dã Viên được xem là đợt tổng duyệt để phát triển nơi đây trở thành công viên văn hóa, nghệ thuật của địa phương trong tương lai.
Festival Huế 2022 đánh dấu quá trình 22 năm kể từ khi Festival Huế lần đầu tiên được tổ chức và trở thành sự kiện văn hóa du lịch quốc gia có tầm vóc quốc tế. Đây là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa nhiều quốc gia; đồng thời giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam và văn hóa Huế.
- Epiz Mania Festival Phú Quốc - Chuyến đi của Tình bạn và Âm nhạc
- 'Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam' sẽ diễn ra tại tỉnh Ninh Bình
- Festival Nhiếp ảnh trẻ năm 2021 có chủ đề tự do
Không những thế, Festival Huế 2022 được mong chờ sẽ tạo đà phục hồi, phát triển ổn định ngành Du lịch Thừa Thiên - Huế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, hội nhập quốc tế và xây dựng Cố đô Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng nhờ sản phẩm lễ hội, hình ảnh quảng bá của sự kiện.
Mai Trang/TTXVN