Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân: Lưu giữ ký ức của Hà Nội và sông Hồng
(Thethaovanhoa.vn) - Cả chục năm, khu tập kết rác thải Phúc Tân tồn tại ở gần chân cầu Long Biên. Không ai muốn nhớ, không gian ấy từng là nơi tấp nập trên bến dưới thuyền, cửa ngõ giao thương một thời của chốn kinh kỳ, cũng là nơi chứng kiến những cơn lũ mỗi mùa nước lên gắn liền với ký ức của biết bao thế hệ người dân nơi đây.
Để rồi, đầu năm 2020, một cụm 16 tác phẩm nghệ thuật đã mọc lên trên suốt chiều dài gần 250 mét chạy dọc sông Hồng của khu vực này. Và, hầu hết chất liệu của những tác phẩm đều được chọn lọc từ... rác thải.
Bức tường đặc biệt
Tất cả gắn với một bức tường cũ, được quận Hoàn Kiếm xây dựng năm 1993 để bảo vệ hành lang bờ lở sông Hồng. Với những biến đổi theo thời gian, khu vực dọc bức tường ấy dần trở thành nơi tập kết rác của người dân địa phương, của những khu vực lân cận và cả chợ đầu mối Long Biên gần đó. Để rồi khi dự án Cải tạo bức tường bảo vệ hành lang bờ lở sông Hồng của quận Hoàn Kiếm khởi động, vấn đề quy hoạch, cải tạo lại không gian thuộc khu vực bãi rác Phúc Tân lập tức được đặt ra.
“Khởi điểm, có ý kiến đề xuất: Hãy đập bỏ đoạn tường ấy đi, xây một đoạn tường mới hoàn toàn và chúng tôi sẽ triển khai những tác phẩm nghệ thuật trên đó một cách chủ động” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, giám tuyển của dự án, kể. “Nhưng tới nơi và quan sát trực tiếp, tôi thấy rằng nếu xây tường mới, giá trị của không gian ấy sẽ giảm xuống rất nhiều”.
Như lời anh, “bức tường Phúc Tân” ấy cũ kỹ và vẫn còn hằn nhiều ngấn nước - dấu vết của những trận lũ tại khu vực ngoài sông Hồng trước thập niên 2000. “Lứa trẻ sinh sau giai đoạn này sẽ không biết gì về Hà Nội mùa lũ. Nhưng bức tường lại khác, đó là chứng nhân, và cũng là nơi lưu giữ ký ức của những người dân nơi đây” - anh kể thêm. “Nó giống như những vết hằn trên một bộ não của Hà Nội. Bởi thế, không chỉ giữ lại tường, các tác phẩm của chúng tôi cũng không nên đục, đẽo, khoan, gọt... hay can thiệp sâu vào kết cấu sẵn có”.
Khoảng giữa năm 2019, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã được chuẩn bị, với quyết tâm của quận Hoàn Kiếm - nơi sẽ vận động nguồn kinh phí theo hình thức xã hội hóa - và ý tưởng sáng tạo của các nghệ sĩ. Vấn đề lớn nhất với họ khi ấy là thuyết phục người dân bản địa, những người theo thời gian đã trở thành một cộng đồng bị “lãng quên” tại khu vực này. Như lời kể, ở giai đoạn chuẩn bị dự án, bản thân các nghệ sĩ cũng đã từng hứng chịu sự nghi ngờ - thậm chí là khó chịu - của người dân khi xuống đây khảo sát. Câu hỏi được đặt ra nhiều nhất từ họ: “Đám họa sĩ” này định bày ra trò gì tại một khu ngõ cụt, vốn là bãi rác và không có ai ra vào? Chỉ sau những buổi gặp gỡ theo sáng kiến của Sơn và đồng nghiệp - mọi thứ mới dịu đi...
Ký ức gặp ký ức
Đó là những buổi gặp gỡ mà theo lời các nghệ sĩ, họ chưa từng thấy trong những năm làm nghề. Gần 100 hộ dân sống cạnh bãi rác được nghe các nghệ sĩ chia sẻ chi tiết và cụ thể nhất về công việc của mình. Nhưng, đó không phải là một buổi thuyết trình về nghệ thuật.
“Chúng tôi thuyết trình về từng tác phẩm để nói rằng: Những tác phẩm sắp xuất hiện đều gắn với những câu chuyện về ký ức, về cuộc sống, về những gì thiết thân đến người dân ở đây trong quá khứ” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói. “Và cộng đồng ở đây sẽ không mất gì cả, thậm chí còn được rất nhiều khi không gian trở nên sạch sẽ, bắt mắt và trở thành một điểm nhấn văn hóa của khu vực. Mọi người gật gù bảo thế thì làm thôi, làm ngay...”.
- Triển lãm ảnh 'Bùi Xuân Phái – Trăm năm một tình yêu Hà Nội' của Trần Chính Nghĩa
- Trao giải kết hợp triển lãm tranh, ảnh về Bùi Xuân Phái
Như thế, khi đã được sự “cấp phép” của dân cư, công việc tiến triển rất nhanh và hoàn thành vào đầu năm 2020. 16 tác phẩm nghệ thuật tại đây chủ yếu được sử dụng chính lượng rác thải tại chỗ được tái chế với những vỏ chai nhựa, thùng phi, vành lốp bánh xe máy, ông bô xả... sau quá trình lựa chọn, sàng lọc và làm sạch. Theo lời lời các nghệ sĩ, đó không chỉ là câu chuyện về vấn đề môi trường, mà còn là sự bắt đầu ngay từ những gì quen thuộc và từng làm nên lịch sử của không gian này.
Phần lớn các nghệ sĩ xuất hiện tại dự án này đều đã có dịp cộng tác với Nguyễn Thế Sơn - người hiểu khá rõ khả năng sáng tạo và cá tính của họ. Riêng 2 nghệ sĩ nước ngoài, George Burchett và Diego Cortiza, cũng đều là gương mặt đã từng hoạt động tại Việt Nam lâu năm. Bởi thế, lần lượt 16 tác phẩm đã mọc lên với sự đa dạng đặc biệt về các thông điệp, suy tư, chiêm nghiệm của tác giả.
Ở đó, Xẩm tàu điện, Gánh hàng rong, Phù điêu Đông Dương, Bức tường danh vọng, Lịch sử vỡ, Phù sa, Phúc Tân gang là niềm luyến lưu với lịch sử Thăng Long - Kẻ Chợ, với văn hóa truyền thống của cha ông thì Phản chiếu song hành, Nhà nổi, Thuyền, Gánh hàng rong... phảng phất bóng dáng đời sống người dân làng vạn chài nơi bến sông xưa. Rồi, những vấn đề của đô thị hiện đại cũng hiện hữu trong các tác phẩm Những Thánh Gióng đương đại, Emoji City - Tôi yêu Hà Nội, Vòng quay, Con voi vàng, Sống xanh.
Và ở một góc độ khác, những tác phẩm này không chỉ gắn bó với không gian cũ (và cả chiều dài thời gian) có sự tương tác cao với người xem. Đó là cây cầu Long Biên phản chiếu quang cảnh người xem từ hàng trăm mảnh gương ghép trên các tác phẩm thuyền Cấn Văn Ân, là Con voi vàng của George Burchett cho phép người xem có thể đẩy, kéo, quay, là những bánh xe máy có thể quay được với hình ảnh lịch sử màu mono-chrome cầu Long Biên của Trịnh Minh Tiến, là bệ ngồi gạch bông của Trần Hậu Yên Thế và bệ ngồi gắn kính cường lực của Ưu Đàm hay việc tạo ra một cách tương tác khác của Phương Đức với bức tường cũ tạo ra vẻ đẹp tự nhiên của rêu phong
Nếu như ở các không gian khác, nghệ thuật thường đi sau, sạch rồi mới đẹp thì ở đây nghệ thuật lại đi trước một bước, nghĩa làm đẹp rồi mới sạch. Gần 1 năm tồn tại, dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân đã và đang được người dân tại đây chiêm ngưỡng hàng ngày, trong sự tự hào về một phần ký ức của mình...
Dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân được đề cử hạng mục Việc làm của Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020. Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội Trong khuôn khổ của Lễ trao Giải Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần 13 - 2020 diễn ra từ 14h thứ Tư, 7/10/2020, tại Trung tâm Thông tấn Quốc gia (số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội) sẽ có một triển lãm ảnh đặc biệt: Triển lãm ảnh Bùi Xuân Phái - Trăm năm một tình yêu Hà Nội của Trần Chính Nghĩa. Đây có thể xem là lần đầu tiên ra mắt một phần (gần 30 bức) của bộ ảnh đồ sộ về cuộc đời và sự nghiệp của Bùi Xuân Phái, xứng đáng với tên gọi “Trăm năm một tình yêu Hà Nội”. Vào một ngày đầu tháng 8, Ban tổ chức Giải đã gõ cửa căn nhà số 11 Hàng Bông, vốn là “Gác Lưu xá” một thời - tên do “Ông đồ” Vũ Đình Liên đặt cho nơi ở của nhiếp ảnh gia kháng chiến nổi tiếng Trần Văn Lưu. Con trai nhà nhiếp ảnh - anh Trần Chính Nghĩa vẫn ở đó. Sau khi khi Ban tổ chức Giải ngỏ lời muốn có một triển lãm ảnh nho nhỏ để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Bùi Xuân Phái, Trần Chính Nghĩa cho hay, anh có khá nhiều phim chụp “bác Phái”, nhưng chúng vẫn nằm đâu đó trong kho phim khổng lồ của mình, chưa lọc ra được, trừ một vài bức được giới thiệu rải rác ở đâu đó, trong đó có bức Thiên vấn (Hỏi trời) nổi tiếng chụp chân dung danh họa với phông nền là bức tranh phố cổ đã được sử dụng để làm logo Giải thưởng, đồng thời đang được in lên tem bưu chính. Một tuần lễ sau, Trần Chính Nghĩa gọi điện thông báo: Mới lọc trong 1 thùng phim mà đã chọn được 101 bức ảnh về Bùi Xuân Phái. Những bức ảnh đen trắng của Trần Chính Nghĩa đem lại cho người xem một cảm giác chỉ có thể nói là kinh ngạc khi cả một quá khứ sống động về cuộc đời nghệ thuật của Bùi Xuân Phái từ những năm 1970 đến cuối đời (1988) được hiển bày, dường như ở dưới mọi góc độ. |
Sơn Tùng