A+ A A- Kiểu đọc sách

Đồng chí Võ Văn Thưởng: Cần đào tạo, bồi dưỡng tài năng cho lớp nghệ sĩ cải lương trẻ

15:12 28/04/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 28/4, tại Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính Trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nêu rõ, Cải lương là nghệ thuật tổng hợp, là kết quả của quá trình giao lưu, tiếp xúc, tiếp thu và cải biến các thành tố nghệ thuật từ cung đình đến dân gian, từ Đông sang Tây, từ Bắc, Trung vào Nam. Do vậy, cần chú trọng đào tạo và bồi dưỡng tài năng cho lớp nghệ sĩ trẻ để góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa nghệ thuật Việt Nam.

Theo đồng chí Võ Văn Thưởng, tuy thời gian hình thành nghệ thuật Cải lương không là quá dài nhưng vốn dĩ Cải lương rất phong phú và sinh động. Đặc biệt hơn khi cái tên “Cải lương” chính là cách gọi ngắn gọn của “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Qua đó, cho thấy được tính chất đổi mới, cách tân không ngừng của bộ môn nghệ thuật này. Đó là quá trình gắn bó với nhu cầu tinh thần của nhân dân và quá trình biến đổi không ngừng để dung nạp những yếu tố tích cực, cũng như đào thải các yếu tố tiêu cực, lỗi thời.

Tuy vậy, so với sự phát triển của xã hội hiện nay, Cải lương dần đang tụt hậu, xa rời với quần chúng, các tầng lớp nhân dân. Đồng chí Võ Văn Thưởng cho rằng, có những giai đoạn, chính khán giả lại quay lưng với Cải lương, giống như đã từng quay lưng với Tuồng, Chèo. Thế nhưng với tính năng động vốn có và tinh thần sáng tạo của nghệ sĩ, Cải lương đã tự điều chỉnh, tự thích ứng để tồn tại cùng với những loại hình nghệ thuật khác và đối mặt không ít khó khăn, thách thức.

Chú thích ảnh
Hội thảo khoa học kỷ niệm một thế kỷ hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương. Ảnh: Gia Thuận/TTXVN

Do vậy, để nghệ thuật Cải lương được bảo tồn và phát triển, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đề nghị: Ngoài lớp nghệ sĩ tiên phong, cần tiếp tục bổ sung, bồi dưỡng, đào tạo tài năng cho các nghệ sĩ trẻ. Các cấp, ngành, đơn vị quản lý, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và các tỉnh, thành, các cơ quan báo chí cần tiếp tục quan tâm hơn nữa, tạo nguồn lực và điều kiện để giúp nghệ thuật Cải lương có chỗ đứng vững chắc trong nghệ thuật truyền thống của đất nước, trong không gian văn hóa của cải lương, đờn ca tài tử Nam bộ.

Tại hội thảo, Nghệ sĩ ưu tú Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng nghệ thuật Cải lương hiện đang lạc hậu, đi ngược lại với bản chất vốn có của Cải lương là luôn tiếp thu, phát huy những cái mới, hiện đại. Thêm vào đó, Cải lương đang bị kịch nói hóa và mất đi những đặc trưng riêng khi cùng tồn tại song song với những loại hình nghệ thuật khác. Do vậy, theo ông Ngọc, cần thiết có một chiến lược đào tạo bài bản cho các nghệ sĩ, đạo diễn nghệ thuật Cải lương để họ hiểu hơn về nghề và làm việc một cách chuyên nghiệp. Từ chiến lược này mới có thể phát triển nghệ thuật cải lương bền vững, đến gần hơn với khán giả.

Hơn 30 năm đam mê và theo đuổi nghệ thuật Cải lương, nghệ sĩ Linh Huyền chia sẻ đang ấp ủ thực hiện Đề án Xây dựng Bảo tàng nghệ thuật Cải lương, sẽ là nơi lưu giữ những giá trị, tư liệu về nghệ thuật Cải lương nhằm giới thiệu đến tất cả mọi người, du khách nước ngoài; đồng thời, mong muốn xây dựng nhà hát cải lương theo tiêu chuẩn quốc tế, là điểm đến giao lưu nghệ thuật dân gian của các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam (1918 – 2018) – Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”do Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương phối hợp với Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội nghệ sĩ Sân khấu Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật Cải lương.

Hơn 40 bài tham luận của các nhà chuyên môn đã được gửi về Hội thảo, nhằm đánh giá, nhìn nhận và đưa ra những giải pháp phù hợp phát triển nghệ thuật Cải lương, đáp ứng được yêu cầu giữ gìn, phát huy những giá trị dân tộc trong bối cảnh đất nước phát triển và hội nhập, toàn cầu hóa.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Không lấy lịch sử 100 năm cải lương để mua vui

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh: Không lấy lịch sử 100 năm cải lương để mua vui

Để ghi dấu 100 năm ra đời của nghệ thuật cải lương (1918 - 2018), đạo diễn trẻ Huỳnh Tuấn Anh đang khởi động một phim chiếu rạp, dự kiến công chiếu trong năm 2018. Đó là phim "Gạo chợ nước sông" phóng tác từ truyện ngắn "Cuối mùa nhan sắc" của Nguyễn Ngọc Tư, do Nguyễn Thị Minh Ngọc và Huỳnh Tuấn Anh cùng chắp bút kịch bản.

TTXVN/Gia Thuận

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...