A+ A A- Kiểu đọc sách

Đồng bào Khmer tại Trà Vinh vui đón Lễ hội Óc Om Bóc

08:04 12/11/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 11/11, tại Khu Văn hóa Du lịch Ao Bà Om, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Trà Vinh long trọng tổ chức đêm Lễ hội Óc Om Bóc năm 2019. Lễ hội thu hút hàng nghìn người dân, du khách khắp nơi về vui lễ cùng đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh.

Khai mạc tuần Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Khai mạc tuần Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019

Tối 5/11, tại Khu Văn hóa Triển lãm Hồ Nước Ngọt (thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) đã diễn ra lễ Khai mạc Hội chợ Triển lãm “Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch” trong khuôn khổ Lễ hội Oóc Om Bóc - Đua ghe Ngo Sóc Trăng Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ IV năm 2019.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn gửi lời chúc mừng tốt đẹp đến quý chư tăng, đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh; ghi nhận sự đóng góp của đồng bào Khmer trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Ông Lê Văn Hẳn cho biết, năm 2019 là năm bứt phá đánh dấu nhiều sự kiện quan trọng của tỉnh Trà Vinh. Đến thời điểm này, các chỉ tiêu Nghị quyết năm 2019 và chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội X của tỉnh đã cơ bản hoàn thành.

Nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi phục vụ đồng bào Khmer mừng một năm được mùa, năm nay, từ ngày 5-11/11, tỉnh Trà Vinh tổ chức lễ hội gắn với nhiều hoạt động phong phú, sôi nổi như: Hội chợ xúc tiến thương mại định hướng xuất khẩu sản phẩm nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2019; Hội thảo về giống nông nghiệp; hội thi trình diễn trang phục Khmer; Liên hoan ẩm thực Nam bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ hai; Hội thảo du lịch Trà Vinh kết nối hành trình từ sông ra biển; các hoạt động lễ hội đua ghe Ngo, thể dục, thể thao, trò chơi dân gian, triển lãm sách báo, triển lãm các gian hàng của 9 huyện, thị xã, thành phố trưng bày các sản phẩm đặc trưng của đồng bào Khmer địa phương… Đây là dịp để các địa phương, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, giới thiệu tiềm năng kinh tế, du lịch, tìm kiếm đối tác hợp tác kinh doanh…

Chú thích ảnh
Các ghe Ngo đua tài quyết liệt. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn kêu gọi quý chư tăng, đồng bào Khmer trong tỉnh tiếp tục giữ gìn đoàn kết, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo tồn, khai thác có hiệu quả giá trị di sản, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đưa văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng.

Hòa thượng Thạch Sok Xane, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh Trà Vinh bày tỏ lòng biết ơn sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Trà Vinh đối với đồng bào Khmer trong tỉnh thời gian qua. Hòa thượng kêu gọi toàn thể đồng bào, chư tăng Khmer Trà Vinh phát huy hơn nữa truyền thống yêu nước, đoàn kết các dân tộc Kinh - Khmer - Hoa - Chăm, ra sức thi đua lao động sản xuất, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội địa phương, chung tay góp sức xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; nêu cao ý thức, đề cao cảnh giác trước âm mưu, thủ đoạn của các phần tử xấu nhằm gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết lương giáo, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại đêm lễ, người dân được thưởng thức các tiết mục văn nghệ đặc sắc. Lễ cúng trăng (lễ chính trong Lễ hội Óc Om Bóc) theo nghi thức truyền thống của đồng bào Khmer được các nghệ sĩ Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh tái hiện trên sân khấu. Cuối cùng là nghi thức thả hoa đăng và diễu hành quanh Ao Bà Om cầu nhiều phúc an lành cho mọi người. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh Trà Vinh.

Tỉnh Trà Vinh có hơn 320.000 người là dân tộc Khmer, chiếm 31,5% dân số của tỉnh. Lễ Óc Om Bóc là một trong 3 lễ lớn của đồng bào Khmer, được tổ chức vào ngày rằm tháng 10 âm lịch hàng năm. Theo quan niệm tín ngưỡng của đồng bào Khmer, mặt Trăng là vị thần cai quản thời tiết và mùa màng trong năm. Lễ cúng trăng thường được tổ chức tại phum sóc, ở sân chùa hay khuôn viên nhà. Đồng bào Khmer cúng tạ ơn thần mặt trăng trong năm đã cho mưa thuận gió hòa, giúp mùa màng bội thu và cầu cho năm tới, thời tiết được thuận lợi, giúp người dân được mùa, no đủ…

Lễ hội Óc Om Bóc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2014.

Thanh Hòa/TTXVN

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...