loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (28/2) hội thảo Đổi mới tư duy tiểu thuyết (Hội Nhà văn Việt Nam) đã diễn ra như một sự kiện quan trọng trong chuỗi hoạt động của Ngày thơ Việt Nam 2018.
Hội thảo thu hút khoảng 15 tham luận của các nhà văn và nhà phê bình, xoay quanh nhiều nhiều vấn đề về tiểu thuyết - vốn được coi là một thể loại nòng cốt, là “máy cái” của văn học.
Trong đó, nhiều tham luận đã đề cập trực tiếp đến đời sống văn học nước nhà như: Tiểu thuyết đương đại Việt Nam – Có rừng mà không thấy cây to (Bùi Việt Sỹ); Sự mặc cảm “nhà quê” trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam (Lê Hoài Nam); Về văn học hôm nay – Ghi chép và cảm nghĩ (Phong Lê); Phong tục - Thế sự - Đối thoại trong tiểu thuyết đương đại Việt Nam (Nguyên An)…
Tại hội thảo, nhà phê bình Bùi Việt Thắng đọc đề dẫn cho rằng, từ năm 1998 đến nay, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức 5 cuộc thi tiểu thuyết, đã có gần 1.000 tiểu thuyết được in hoặc còn trong dạng bản thảo. Đó là một con số "biết nói". Tuy nhiên, sau gần 20 năm đầu thế kỷ XXI, tiểu thuyết tuy tăng trưởng về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu chính đáng của công chúng nghệ thuật. Do đó, vấn đề “đổi mới tư duy tiểu thuyết” có ý nghĩa sống còn đối với nền văn học đương đại.
Cúng vì thể, tại hội thảo, trở lại một vấn đề tưởng chừng “cũ như trái đất”- tiểu thuyết là gì lại có ý nghĩa thời sự sáng tác. Điển hình, nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong tham luận của mình định nghĩa: “Tiểu thuyết là nơi lưu giữ bóng hình cuộc sống”. Còn nhà văn Bùi Việt Sỹ tâm huyết: “Một cuốn sách thực sự được gọi là tiểu thuyết trước hết nó phải được viết từ tâm huyết, từ sự trải nghiệm cuộc sống đớn đau của người sản sinh ra nó. Sự hời hợt, dễ dàng không bao giờ sản sinh ra tiểu thuyết…”. Trong khi đó, nhà văn Lê Thành Nghị nhắc lại một quan niệm của nhà văn Ma Văn Kháng cho rằng “Tiểu thuyết là một bí ẩn”…
Cũng tại hội thảo, các nhà văn cho rằng, văn học nói chung và tiểu thuyết nói riêng đang trong cuộc cạnh tranh sinh tử với truyền hình và nghệ thuật thứ bảy và đang bị đẩy xa khỏi vị trí trung tâm văn hóa. Tiểu thuyết đang đi về đâu là một câu hỏi lớn không dễ trả lời ngay lập tức. Những tiếng chuông báo động cũng được gióng lên khi trên thực tế, một cuốn tiểu thuyết dù hay nhưng in ra với số lượng 1.000 bản không dễ bán hết trong một năm...
Ngày 18/5, tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ (TP. Hồ Chí Minh) đã có buổi giao lưu và ra mắt tiểu thuyết 'Trong cơn lốc xoáy' của nhà văn Trầm Hương.
Hoài Thương
loading...