Đóa hồng cho tình mẹ của thiền sư
(Thethaovanhoa.vn) - Bông hồng cài áo nằm trong số những bài hát nổi bật nhất về chủ đề người mẹ, vốn là mảng nhiều thành tựu trong lịch sử ca khúc Việt Nam. Từ một tùy bút của thiền sư Thích Nhất Hạnh viết năm 1962, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ viết thành bài hát Bông hồng cài áo năm 1964.
Gần đây cũng có một bài hát khác của Nguyễn Thanh Cảnh cũng mang tên Bông hồng cài áo phổ nhạc từ lời của Thiền sư, song hiển nhiên bài hát của Phạm Thế Mỹ đã quá phổ biến, và không phải ai cũng biết đấy là lời của Thích Nhất Hạnh.
Hơn nửa thế kỷ qua, Bông hồng cài áo trở thành bài hát rất phổ biến, ngoài tính chất âm nhạc đậm đặc tự sự, còn nhờ một nội dung gần gũi, cụ thể hóa những triết lý từ trong bài tùy bút có dáng dấp một bài giảng Phật pháp của Thích Nhất Hạnh. Điều làm nên sức nặng đáng kể cho lời ca là những hình tượng quen thuộc về người mẹ mà thiền sư đã lọc ra và xếp thành một hệ thống thẩm mỹ rất gần gũi quan niệm dân gian.
Thay vì răn dạy bằng những câu đạo lý về bổn phận, Thích Nhất Hạnh gợi ý rằng đức hiếu bắt đầu từ tình thương tự nhiên: “Thương mẹ không phải là một vấn đề luân lý đạo đức. Anh mà nghĩ rằng tôi viết bài này để khuyên anh về luân lý đạo đức là anh lầm. Thương mẹ là một vấn đề hưởng thụ. Mẹ như suối ngọt, như đường mía lau, như xôi nếp một… Tình mẹ thì trường cửu, bất tuyệt; như chuối ba hương, đường mía lau, xôi nếp một ấy không bao giờ cùng tận”.
Cách triển khai ý này là một phong cách thẩm mỹ của Thích Nhất Hạnh: Từ những định đề chung, ông chia nhỏ thành những ý nhỏ, cụ thể và gần gũi, có khi lấy ngay từ ca dao tục ngữ: “Mẹ già như chuối ba hương/ Như xôi nếp một, như đường mía lau”.
Phạm Thế Mỹ đã vận dụng chính đặc điểm này để cấu tứ nên lời ca cho bài hát của ông, không quá nệ vào chất liệu dân ca như một số tác giả âm nhạc khác, mà diễn tả bằng một nét nhạc tự sự có hơi hướng ngũ cung tự do:“Mẹ mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ Là nắng ấm nương dâu/ Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời”.
Bài tùy bút cung cấp một hệ thống các biểu tượng đắt giá, ngoài những hình ảnh đã kể, còn là chi tiết chủ đề: Bông hoa cài áo màu đỏ với những ai còn mẹ và bông hoa màu trắng cho ai mồ côi, là dòng suối mát, là ánh đuốc đêm thâu, là một phóng chiếu của hình ảnh đức Phật Quan Âm hay đức Mẹ Maria…
Ca khúc "Bông hồng cài áo" :
Bài hát cũng lặp lại cấu trúc của thiên tùy bút, gồm 4 đoạn nhạc, với cao trào tựa như kể một tình huống đời sống: “Chiều nay, khi đi học hoặc đi làm về, anh hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và bền. Anh sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi anh sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ, để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang sống và đang ngồi bên anh. Cầm tay mẹ, anh sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Anh hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ nhìn anh, vừa cười vừa hỏi: “Biết gì”? Vẫn nhìn vào mắt mẹ, giữ nụ cười trầm lặng và bền, anh sẽ hỏi tiếp: “Mẹ có biết là con thương mẹ không”?. Bài hát Bông hồng cài áo đã thu gọn lại tình huống này trong vài câu hát, khiến ca từ trở nên đầy cảm xúc so với mức độ gồm những lời luân lý hay biểu tượng hoán dụ đã liệt kê phía trên. Tình huống khiến cho bài hát như nghẹn lại ở một khoảng lặng trước khi kết thúc.
“Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu nhìn thật lâu/ Rồi nói nói với mẹ rằng/ Mẹ ơi mẹ ơi mẹ có biết hay không/ Biết gì/ Biết là biết là con thương mẹ không”.
Cấu trúc bài hát tựa như một vòng tròn, khi Phạm Thế Mỹ tạo ra đoạn mở với hình tượng bông hồng cài áo và cũng kết thúc với sự trở lại với hình tượng đó, như một sự xác nhận sự tri ngộ và đem lại niềm hân hoan: “Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh/ Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em/ Thì xin anh, thì xin em/ Hãy cùng tôi vui sướng đi/ Hãy cùng tôi vui sướng đi”.
- Nhớ về thiền sư Thích Nhất Hạnh: Khoảng cách thầy trò không xa hơn một nhịp tâm đầu
- Thiền sư Thích Nhất Hạnh và tôn giáo hạnh phúc
- Minh triết của thiền sư Thích Nhất Hạnh
Khi tôi nghe những ca sĩ hát bài này, đặc biệt là Khánh Ly qua nhiều bản thu của bà, tôi thường thấy các ca sĩ chủ ý hát chậm lại đoạn cao trào tình huống như một lớp thoại sân khấu, rồi sau một nhịp lặng, đoạn kết được hát mạnh, nhanh, thôi thúc, như sự chung kết của cảm xúc được định hình. Đó như là sự hiểu ra, như niềm vui đốn ngộ về tình thương.
Một số nhạc sĩ khác như Phạm Duy cũng viết nhạc theo lời của Thích Nhất Hạnh trong loạt Tâm ca nhưng không có hiệu ứng bằng bài hát của Phạm Thế Mỹ. Mặc dù là bài hát cũ, nhưng Bông hồng cài áo đã lọt vào bảng xếp hạng Làn Sóng Xanh tháng 10/1998 ở vị trí thứ 7 với tiếng hát Bằng Kiều.
Đặt bên cạnh những bài hát về mẹ khác cũng rất xuất sắc của tân nhạc, Bông hồng cài áo của Phạm Thế Mỹ là một dấu ấn khá độc đáo với những triết lý bình dị mà thấm thía. Chất âm nhạc đồng quê hẳn nhiên có ảnh hưởng đến bài hát, gần gũi những bài ca quốc tế cùng thời, lan tỏa những thông điệp nhân văn và kết nối tâm hồn giữa những dâu bể và ly tán.
Nhà văn Nguyễn Trương Quý