A+ A A- Kiểu đọc sách

Điều chưa kể về dự án nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội

06:59 17/01/2019
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2018 vừa qua, vậy nhưng vẫn không nhiều người biết về quá trình thi công, cũng như những ý tưởng nghệ thuật của dự án này.

Lần đầu công bố kết quả khảo cổ tầng hầm Nhà Quốc hội

Lần đầu công bố kết quả khảo cổ tầng hầm Nhà Quốc hội

Từ diện tích khai quật hơn 14.000m2, một khu trưng bày đã được triển khai dưới tầng hầm nhà Quốc hội

1. Và để bổ sung cho điều ấy, vào tuần qua, các nghệ sĩ thực hiện dự án đã giới thiệu một bộ phim tư liệu được quay trong quá trình thực hiện dự án. Kèm theo đó là những câu chuyện chia sẻ từ chính họ.

Bộ phim dài gần nửa tiếng, kể lại quá trình thực hiện dự án trong vòng hơn hơn 3 tháng của 15 nghệ sĩ làm việc tại hơn 10 xưởng khắp ở Hà Nội, Thái Bình và Huế với tổng số hơn 100 trợ lý kỹ thuật và những người thợ lành nghề. Để rồi, sau 3 tháng ấy, 35 tác phẩm của họ đã phủ kín gần 500 mét chiều dài ở phần hành lang đường hầm Nhà Quốc hội với 3 cấu trúc địa hình khác nhau.

Chú thích ảnh
Một góc không gian nghệ thuật dưới hầm nhà Quốc hội

Trong buổi công bố bộ phim này, giám tuyển nghệ thuật Nguyễn Thế Sơn cho biết: Các nghệ sĩ đương đại rất mừng, và có phần ngạc nhiên, khi được tạo điều kiện để góp sức trong dự án.

“Nghệ sĩ thường thích tự do sáng tác, dễ có tâm lý ngại bị can thiệp về ý tưởng khi làm việc với các cơ quan công quyền” - anh kể. “Vậy nhưng, những người có trách nhiệm của Hà Nội và Văn phòng Quốc hội lại rất lắng nghe chúng tôi. Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất yêu nghệ thuật và giúp đỡ chúng tôi rất nhiều".

Còn theo họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, nghệ thuật - theo một cách nào đó - là một phương tiện hữu hiệu để kết nối ngày hôm nay với quá khứ. Khi làm việc, các nghệ sĩ đã xây dựng nhiều phương án để đề nghị các lãnh đạo cùng tham khảo và lựa chọn. Đồng thời, mỗi cá nhân trong số họ cũng đều ý thức rất rõ về trách nhiệm công dân của mình khi thực hiện chuỗi tác phẩm này.

“Trong triển lãm ở tầng hầm nhà Quốc hội hiện có một công trình tái hiện quang cảnh Hội nghị Diên Hồng vào thời nhà Trần của Phạm Khắc Quang và Vũ Xuân Đông” - anh kể. “Ít người biết, không gian đặt bức tranh dài 9 mét này ban đầu được bố trí làm nơi để xe của các đại biểu. Vậy nhưng, ấn tượng trước sự hoành tráng và chất lượng của tác phẩm, phía Quốc hội đã trao đổi với anh em chúng tôi và quyết định bố trí lại khu vực để xe, nhường không gian trang trọng cho tranh”.

Chú thích ảnh
Tác phẩm “Hội nghị Diên Hồng”

2. Cũng theo lời các nghệ sĩ, bản chất của khái niệm nghệ thuật đương đại vẫn chưa được thống nhất hiện nay. Bởi thế, trong quá trình thực hiện, họ đã khá vất vả để thử nghiệm các chất liệu, hình thức và cách sắp đặt cho phù hợp với không gian tầng hầm, cũng như ý nghĩa của công trình nhà Quốc hội.

Chẳng hạn, theo nghệ sĩ Vũ Kim Thu, diện tích của không gian này khá lớn, trong khi số lượng nghệ sĩ tham dự có hạn, đồng thời thời gian lại khá khẩn trương. Thêm vào đó, chất lượng ánh sáng của đường hầm lại có những đặc thù rất riêng. Do vậy, các nghệ sĩ phải bàn cãi rất nhiều về cách “quy hoạch” và bố trí khoảng không gian cho tác phẩm.

Còn theo họa sĩ Nguyễn Oanh Phi Phi, việc tạo rạ sự tương tác giữa số tác phẩm của 15 cái tên khác nhau cũng là một vấn đề lớn. “Thiếu sự hòa hợp, thậm chí mải chạy theo cái tôi của mình mà không nghĩ tới bố cục chung, chúng tôi sẽ làm hỏng ấn tượng thị giác về những tác phẩm đứng bên cạnh sáng tác của mình” - chị nói

Chính họa sĩ Triệu Minh Hải là người rất hiểu câu chuyện này. Ban đầu, dự kiến tác phẩm của anh được thể hiện dưới dạng video. Thế nhưng, khi đặt trong không gian chung, với những điều kiện đặc thù, ý tưởng của Hải có thể tạo ra tác động không tốt tới những tác phẩm xung quanh - khi thị giác của người xem bị ảnh hưởng. Do vậy, sau quá trình trao đổi, anh quyết định không trình chiếu video trên tường của tầng hầm mà lựa chọn chất liệu tranh lụa.

Vậy nhưng, chính tinh thần vì cái chung của Hải lại được tưởng thưởng. Theo nhận xét của các đồng nghiệp, chất liệu tranh lụa của Hải đáp ứng được hai yêu cầu. Thứ nhất, chúng gợi lại cảm giác hoài niệm của người hôm nay khi nhớ về các bộ phim chiếu bóng ngày xưa. Thứ hai, chính vì đã tạo được cảm giác hoài niệm, nội dung lịch sử của bức tranh được “nâng” lên khá nhiều.

“Qua trường hợp của mình, tôi có thêm kinh nghiệm về sự thống nhất giữa nội dung và hình thức của các tác phẩm, đồng thời có những gợi ý thích hợp để thử nghiệm trong những tác phẩm nghệ thuật đương đại tiếp theo của mình” - Hải nói.

Hiện, Văn phòng Quốc hội cho biết đã có kế hoạch đưa không gian nghệ thuật này vào điểm đến đầu tiên của tuyến tham quan Nhà Quốc hội trong thời gian tới. Như lời chia sẻ, các nghệ sĩ sẽ cùng thảo luận để tìm hướng công bố bộ phim rộng rãi cho khách du lịch trong và ngoài nước trên mạng internet.

Làm giàu ý nghĩa cho không gian Nhà Quốc hội

“Xuất phát từ ý tưởng của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 15 nghệ sĩ đương đại tên tuổi của Việt Nam cùng trên 100 trợ lý kỹ thuật, thợ lành nghề của Hà Nội, Thái Bình và Thừa Thiên - Huế, đã hoàn thành công trình nghệ thuật độc đáo, có giá trị, sức ảnh hưởng lâu dài và giàu ý nghĩa trong không gian nhà Quốc hội.

Đây là không gian thể hiện cách nhìn về di sản qua thực hành của nghệ thuật đương đại, là sự kết nối lý tưởng với hai không gian Bảo tàng cổ vật Thăng Long và Tiền Thăng Long dưới hầm nhà Quốc hội” (Thuyết minh của Bộ VH, TT&DL khi bầu chọn 10 sự kiện tiêu biểu).

Nguyễn Thành

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...