loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Như các nền điện ảnh khác trên thế giới, điện ảnh Việt chịu sự tác động không nhỏ do đại dịch COVID-19. Các phim đầu tư lớn buộc phải hoãn ngày chiếu, dời lịch phát hành, một số cụm rạp phải đóng cửa do không thể duy trì trong tình trạng thiếu hụt doanh thu.
Xem qua chừng 30 tập phim Việt (của nhiều bộ phim) đã và đang chiếu trên YouTube, thẳng thắn nhìn nhận thì chỉ chừng 15% có chất lượng đồng đều, còn lại thì được cái này mất cái kia. Nhưng có một điều cũng đáng mừng, với thể loại đa dạng, nhưng rất ít phim nhảm nhí, thảm họa, bôi bẩn cộng đồng.
Mặc dù khó khăn, các đoàn làm phim, nhà phát hành vẫn nuôi hy vọng phục hồi điện ảnh Việt, trông chờ sự bứt phá của loạt phim ra mắt dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.
Khởi đầu đầy hứa hẹn
Đầu năm 2020, sau thành công của dự án "Gái già lắm chiêu 3" và "Đôi mắt âm dương", thị trường phim Việt bắt đầu rơi dần vào giai đoạn khó khăn do dịch COVID-19 bùng phát. Doanh thu các phim Việt hay Việt hóa ra rạp giai đoạn này đều gặp nhiều trở ngại như "Truyền thuyết về quán Tiên", "Tôi là não cá vàng", "Bằng chứng vô hình"…
Thị trường điện ảnh Việt vẫn không có sự khởi sắc cho đến tháng 9/2020, khi phim "Ròm" của đạo diễn Trần Thanh Huy tạo được hiệu ứng truyền thông tốt kéo khán giả tới rạp, mang về doanh thu gần 60 tỷ đồng. Tiếp nối thành công của "Ròm", phim Việt hóa "Tiệc trăng máu" của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gặt hái doanh thu 175 tỷ đồng. Cùng với đó, một tác phẩm thành công khép lại năm 2020, mở đầu 2021 của đạo diễn Võ Thanh Hòa có tên "Chị Mười Ba 2: 3 ngày sinh tử" cũng mang về doanh thu hơn 82 tỷ đồng.
Trước khi mùa phim Tết khởi động, điện ảnh Việt cũng có tháng khởi đầu năm mới đầy hứa hẹn. Mở màn là tác phẩm “Võ sinh đại chiến”, “Em là của em”, “Cậu Vàng” và “Sám hối” là các dự án tiếp theo được ra mắt, tạo nên không khí sôi động ngay từ những ngày đầu năm.
Trước đó, hai dự án phim là “Lật mặt 5: 48h” và “Trạng Tí” đã có kế hoạch phát hành vào dịp tháng 4/2020 nhưng hầu hết phải dời lịch chiếu do ảnh hưởng dịch COVID-19. Với dự án phim Trạng Tí, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân cho biết, đây là dự án chuyển thể từ bộ truyện tranh nổi tiếng “Thần đồng đất Việt” dưới định dạng phiêu lưu kỳ ảo của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh. Đoàn làm phim đã dành 645 ngày để thực hiện bối cảnh từ Bắc vào Nam, với ê kíp 478 người, huy động gần 2.000 diễn viên, trong đó có hơn 250 diễn viên nhí. Việc công chiếu vào dịp Tết Nguyên đán 2021 là cơ hội thuận lợi, nhằm chinh phục khán giả nhí và cả người trưởng thành trải nghiệm vào câu chuyện dân gian với các trạng đất Việt từ ngàn xưa.
Tương tự, dự kiến ra mắt mồng 1 Tết Tân Sửu, theo đạo diễn Lý Hải, “Lật mặt 5: 48h” là phim hành động, xã hội đen, hài với nhiều đại cảnh, chiến đấu gay cấn và nguy hiểm được quay công phu trên sông nước miền Tây. Đây là sản phẩm đầu tư lớn, chỉn chu với mức kinh phí lên đến hàng triệu USD, hứa hẹn sẽ là màu sắc khác biệt trong mùa Tết này.
Ngoài các phim Tết ra rạp, một số dự án phim điện ảnh được trông chờ trong năm 2021 còn có "Thiên thần hộ mệnh" do Victor Vũ đạo diễn, "Kiều" do Mai Thu Huyền đạo diễn, "578 phát đạn của kẻ điên" của đạo diễn Lương Đình Dũng, Ngô Thanh Vân với dự án "Thanh Sói" "Chìa khóa trăm tỉ" do Võ Thanh Hòa đạo diễn.
Là người yêu thích phim Việt, khán giả Nguyễn Nhật Minh (Quận 5) cho biết, anh mong chờ nhiều vào dự án phim "Trạng Tí" vì muốn xem cách đạo diễn sẽ tái hiện thế giới đồng thoại dựng lên trong phim như thế nào, những câu chuyện văn hóa dân gian được khai thác ra sao.
Nâng tầm điện ảnh Việt
Nắm bắt nhu cầu đến rạp thưởng thức môn nghệ thuật thứ bảy dịp Tết đến, Xuân về của công chúng, các nhà sản xuất phim Việt đang gấp rút thực hiện các dự án, giới thiệu những sản phẩm mới, hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh thú vị, hấp dẫn.
So với mọi năm, số lượng phim Tết 2021 không nhiều nhưng cách thức làm phim lại mang sắc màu đổi mới. Các đạo diễn, nhà làm phim đã không ngừng tích cực tìm kiếm để có được những kịch bản mang đến tiếng cười nhưng vẫn chứa đựng các thông điệp đậm tính nhân văn.
Dịp này, khán giả còn được thưởng thức những sản phẩm mới lạ, thuần Việt, gần gũi đời sống được đầu tư kỹ lưỡng. Theo đó, hai phim Việt cạnh tranh cùng "Trạng Tí" và "Lật mặt: 48h" trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021 đều đến từ những nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên có tên tuổi, kinh nghiệm đó là dự án phim do Vũ Ngọc Đãng đạo diễn mang tên "Bố Già" và "Gái già lắm chiêu 5” do Bảo Nhân và Nam Cito đạo diễn.
Theo đạo diễn Trần Nguyễn Bảo Nhân, dù lo lắng, thấp thỏm nhưng các nhà sản xuất phim Việt vẫn lạc quan, nỗ lực mang tới cho khán giả những sản phẩm phim Tết đa màu sắc và thể loại, tạo thêm niềm vui giải trí cho khán giả sau 1 năm khó khăn. Nhìn vào mặt tích cực của việc thiếu vắng phim bom tấn ngoại trên thị trường phim Việt, đây cũng là thời điểm điện ảnh Việt có thể tận dụng lợi thế sân nhà để chinh phục khán giả bằng các tác phẩm chất lượng, tạo "cú hích" cho dịp năm mới.
Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Truyền thông Đại Dương cho biết, để phim Tết có mùa bội thu, xa hơn nữa là nâng tầm điện ảnh Việt Nam, việc bảo đảm các tiêu chí từ nội dung kịch bản đến cách thức làm phim sao cho hấp dẫn, sâu sắc, chất lượng, khiến người xem bỏ tiền mua vé cũng là yếu tố quan trọng.
Đặc biệt, cần chú trọng đầu tư nghiêm túc, không dễ dãi với từng chi tiết trong phim, không để xảy ra những sai sót trong mỗi khuôn hình. Thực tế cho thấy, một số bộ phim Tết ăn khách đều có sự sáng tạo trong kịch bản. Riêng trong phim hài, tiếng cười không còn đơn thuần để mang tính giải trí mà phải chứa đựng những thông điệp sâu sắc về cuộc sống.
Giám đốc điều hành cụm rạp BHD tại Thành phố Hồ Chí Minh Ngô Bích Hiền cho biết, phim Việt đang có sự tăng trưởng cả về doanh thu cũng như tỷ lệ so với phim ngoại nhập. Vì vậy, cần quan tâm đến công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm để tiếp cận với khán giả một cách nhanh nhất qua nhiều kênh, như giới thiệu trên mạng xã hội hoặc các phương tiện thông tin đại chúng...
Tuy nhiên, thực hiện được các yêu cầu trên không phải là điều dễ dàng, đòi hỏi phải bảo đảm nguồn nhân lực và tài lực. Đối với các cơ quan quản lý, cần có cơ chế đãi ngộ thỏa đáng cho lĩnh vực sáng tác kịch bản nhằm đánh thức, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và trách nhiệm của giới nghệ sỹ đối với sự phát triển, lớn mạnh của điện ảnh Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Tương tự, ở góc độ nhà làm phim, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho rằng, ngoài quá trình kiểm duyệt, sàng lọc ra những sản phẩm kém chất lượng cũng nên khơi gợi, đưa ra những định hướng để người làm phim có ý tưởng tốt hơn, tạo ra những sản phẩm hoàn thiện. Đồng thời quan tâm, chú trọng đầu tư các bộ phim Tết nhằm hấp dẫn khán giả, tạo không khí đông vui tại các rạp phim, góp phần nâng tầm, giúp điện ảnh Việt Nam tiệm cận đẳng cấp quốc tế.
TTXVN
loading...