Dế Mèn phiêu lưu ký, duyên nợ Dế Mèn và Cánh Buồm
(Thethaovanhoa.vn) - Hôm nay ông Dế Mèn của cụ Tô Hoài ăn mừng thất tuần đại khánh. Hội Nhà văn Hà Nội chọn ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 để kỷ niệm là rất có ý tứ. Nó gắn bó năng lực và trách nhiệm nhà giáo với tài năng và trách nhiệm nhà văn.
Điều đó ở nước Việt Nam hôm nay lại càng rất cần thiết. Sẽ càng được nhận rõ hơn khi ta xem xét dưới góc độ tâm lý học giáo dục mối quan hệ giữa tác phẩm nghệ thuật với những nhân vật cỡ Dế Mèn và vấn đề giáo dục nghệ thuật cho học sinh phổ thông, những bé em hình như đang chán và ghét học Văn.
Những người bi quan bây giờ cho rằng công cuộc giáo dục nước nhà đang bi bét, khó vực dậy lắm. Mở bất kỳ trang báo nào là thấy ngay chê bai giáo dục. Nếu Nguyễn Du còn, chắc cụ sẽ viết Chê bai dậy đất, nghi ngờ lòa mây. Nhiều người chỉ trích sự nghiệp giáo dục và đưa ra phương hướng chữa chạy. Nhiều người chê bai và lẳng lặng cứu con em mình bằng lối đào tẩu từ lớp bé nhất, đào tẩu cả theo cách tuồn con cháu ra nước ngoài, và cả bằng phương thức “du học tại chỗ”.
Các nhà văn và nhà giáo là những người đi đầu vì lòng họ đau đáu một câu hỏi: làm gì bây giờ?
Đã có nhiều cách cư xử, nhưng đây là cách cư xử của một nhóm biên soạn sách giáo khoa thiện nguyện và mơ mộng có tên cánh Buồm - nhóm này chủ trương không chê bai, không góp ý, không phản biện nữa. Nhóm Cánh Buồm ngay từ vạch xuất phát đã “tìm cái để xây dựng, không tìm cái để chê bai, phê phán”. Nói cho văn hóa: nhóm này làm một việc tích cực để chữa cái tiêu cực.
Quảng cáo trên mạng cho vở Dế Mèn |
Năm 2012 này, sau ba năm hoạt động, nhóm đã soạn xong chương trình và cụ thể hóa thành: sách Văn từ lớp 1 đến lớp 5, sách Tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách Lối sống từ lớp 1 đến lớp 3, và sách Tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 2 (đã có bản thảo lớp 3, nhưng hết tiền in, tạm gác đó, đành tự an ủi, ưu tiên tiếng Việt, tiếng Anh chậm một chút chẳng sao).
Việc soạn sách này có chủ đích đưa trình xã hội một hướng cải cách giáo dục mới hẳn. Hướng đi đó là “hiện đại hóa nền giáo dục”. Hiện đại hóa không phải là những màu mè kỹ thuật “bắt mắt”, những công nghệ đắt tiền, những thiết bị để giáo viên tiếp tục giảng giải một chiều, biểu diễn nghe - nhìn cho trẻ em coi và... ngáp.
Hiện đại hóa giáo dục là tìm ra cơ cấu tâm lý học của việc tự học và tự giáo dục, một thành tố căn bản của công việc học cả đời. Ý tưởng này thường xuyên được đưa ra bằng nhiều cách trên trang mạng của nhóm Cánh Buồm (hiendai.edu.vn).
Không dễ gì đi tìm cơ chế tâm lý học của việc tự học các môn khoa học xã hội và nhân văn. Câu hỏi này tưởng dễ mà thật khó: Vì sao có những trẻ em thích học Văn? Vì sao có trẻ em giỏi Văn? Vì sao có em thích đọc sách? Khi mải mê đọc sách, trong tâm lý các em diễn ra những sự kiện âm thầm gì?
Về việc trẻ em học Văn, phải bắt đầu bằng việc thay đổi cơ chế giáo viên giảng văn - học sinh nhại lại các cảm thụ văn để nhận điểm. Thay vào cơ chế tập trung vào người dạy, nay cần thay bằng cơ chế nhấn mạnh vào người học. Bây giờ không dùng khái niệm dạy Văn, mà tập trung vào học Văn, và công việc người giáo viên là tổ chức việc học Văn của trẻ em.
Nhân kỷ niệm 71 năm xuất bản Dế Mèn phiêu lưu ký, sáng nay, 20/11, tại số 19 Hàng Buồm, Hà Nội, NXB Kim Đồng và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp tổ chức Lễ kỷ niệm và tọa đàm về cuốn sách này. Tại Lễ kỷ niệm cũng sẽ trưng bày các bản in Dế Mèn phiêu lưu ký qua các thời kỳ. |
Bây giờ thay vì cải tiến cách giảng giải văn chương, cần nghiên cứu trạng thái tâm lý học của người mê mải văn chương.
Xin phác lại vài điều thú vị trong nghiên cứu cuối những năm 1970 sang đầu những năm 1980 thế kỷ trước. Vào thời đó, trẻ em đã bắt đầu không thích học Văn. Tại trường thực nghiệm không thể dùng sách Văn và cách dạy Văn đương thời. Lúc ấy, mỗi tuần tôi dịch một hai bài văn lấy từ cuốn Hợp tuyển các bài văn trích của Pháp.
Cú đột phá là một lần tôi dùng một ý thơ của A. de Musset trong bài Le Pélican để soạn thành bài văn khác. Ý thơ của Musset nói về người nghệ sĩ đã cho cuộc đời cái gì là cho hết, như con bồ nông rứt hết ruột gan mình cho đàn con nhỏ. Bài văn xuôi viết lại đó lại mô tả sự hy sinh của người mẹ. Bài này in chính thức trong sách Văn thực nghiệm năm 1986 và đang dùng đi dùng lại ở vô số chỗ.
Buổi tổ chức học bài Con bồ nông được coi là thành công ở chỗ học sinh tham gia vô cùng sôi nổi vào tiết học. Tác giả công trình tự rút ra điều này: khi trẻ em có cách học theo lối nhập thân vào với nhân vật và vào diễn biến câu chuyện, thì trạng thái tâm lý đó dẫn tới hứng thú trước tác phẩm - điều kiện không thể thiếu của tiến trình học nghệ thuật ở trường phổ thông. Việc của nhà giáo là tổ chức sự nhập thân đó, thay cho sự giảng giải.
Sau đó, tác giả có ý tưởng mới tiếp tục thực nghiệm: cần dùng các tác phẩm của tác giả Việt Nam làm vật liệu học Văn. Người đầu tiên tác giả nghĩ đến là Tô Hoài. Hai trích đoạn được đem thực nghiệm lấy từ truyện ngắn Nhà nghèo và Dế mèn phiêu lưu ký. Trích đoạn Nhà nghèo tập trung vào cái chết của cái Gái đi bắt cá. Trích đoạn Dế Mèn tập trung vào câu chuyện trải nghiệm đầu đời với Dế Choắt. Bài tập rất quan trọng là các “lời ai điếu” bộc lộ cảm xúc của Dế Mèn thể hiện khác nhau do xúc cảm khác nhau khi nhập thân khác nhau của mỗi em học sinh.
Tháng 10 năm 2011, tại cuộc Hội thảo Tự học - Tự giáo dục nhóm Cánh Buồm mời các em học sinh trường Nguyễn Văn Huyên diễn vở Chuyện Dế Mèn. Đêm diễn có phần ngờ nghệch tại Trung tâm văn hóa Pháp ở Hà Nội vẫn thu được thiện cảm của bà con. Cánh Buồm đã gắng công dựng lại một hình thức hoạt động tạo ra cái đẹp do chính học sinh thực hiện, những chủ thể của việc tạo ra cái đẹp nghệ thuật cho chính mình.
Hôm nay, nhân thất tuần đại khánh của ông Dế Mèn, nhóm Cánh Buồm xin chúc cụ Tô Hoài - người khai sinh ra ông Dế Mèn - ngày càng thêm vui sống để chứng giám cho một phương thức tâm lý học trên con đường tìm tòi cách cải tạo công việc học Văn ở nhà trường Việt Nam.
Theo nhận thức ban đầu của nhóm Cánh Buồm, sự nghiệp cải cách giáo dục khó có thể bỏ qua cải cách việc học Văn - mà muốn cải cách việc học Văn thì chắc hẳn cũng khó bỏ qua được công việc mang tính tâm lý học: huy động trẻ em nhập thân vào tác phẩm để làm lại những tình cảm và những thao tác nghệ thuật của nhà văn, nhà thơ, của người nghệ sĩ. Công việc học Văn đó được nhóm Cánh Buồm tính vào sự tự học - tự giáo dục của học sinh trong một nền giáo dục hiện đại hóa.
Phạm Toàn
Thể thao & Văn hóa