loading...
(Thethaovanhoa.vn) - “Trước đại dịch, cứ bề ngoài mà nói thì điện ảnh mình đang vui với một bức tranh có màu sắc thắm tươi. Nhưng với Covid-19, mọi thứ đã thay đổi rất nhanh” – đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp nhận xét.
Đọc và yêu thơ Lưu Quang Vũ mới chỉ khi gần 15 tuổi, nữ đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp - người khởi xướng tuần thơ "Se sẽ chứ" nhân dịp sinh nhật ông (17/4) - nhận ra rằng mình có thể yêu, có thể khóc, có thể hạnh phúc và có thể tìm thấy mọi câu trả lời cho những thắc mắc của tuổi trưởng thành trong thơ, trong trang viết của Lưu Quang Vũ.
Nữ đạo diễn “Đập cánh giữa không trung” phân tích: “Vài năm trở lại đây, phim chiếu rạp của ta khá tốt: Số lượng phim tăng dần đều, khán giả thích ra rạp, doanh thu của các phim chiếu rạp xô đổ mức trăm tỉ rất nhanh. Điều này khiến những nhà đầu tư, nhà phát hành có động lực và đặt lòng tin vào tiềm năng của thị trường, trong khi người phim nhờ thế cũng gia tăng về đội ngũ”.
Khó lường cú sốc Covid-19
* Vậy, từ góc độ cá nhân, chị thấy điện ảnh, cũng như những người làm phim, đang gặp những khó khăn gì trong mùa dịch?
- Nói chung, không ai trong nền điện ảnh của chúng ta có thể hình dung được cú sốc mang tên Covid-19. Và trong gần 2 năm chiến đấu với nó, các đợt dịch đến dồn dập khiến kinh nghiệm ngày hôm qua mình tích lũy được thì sang hôm sau đã cũ rồi. Bây giờ, điện ảnh và người làm nghề phải thích ứng với một hiện tại mới, trong đó rất nhiều thói quen, nề nếp tưởng như đã ăn sâu bám rễ trong đời sống sinh hoạt của con người sẽ bị thay đổi.
Điều chúng ta nhìn thấy ngay: Rạp thường bị đóng cửa mỗi khi dịch diễn biến căng thẳng, và khi mở lại thì người ta cũng chần chừ để tới xem. Rồi, nếp xem phim ở những “cửa sổ” khác tăng lên, chẳng hạn như truyền hình trả tiền Netflix, TV Box… Mọi người đã thưởng thức điện ảnh theo cách khác rồi.
Sự trồi sụt, phập phù của dịch bệnh còn nguyên đó. Và thời gian càng kéo dài thì khán giả càng thích ứng dần với những thói quen mới, rất khó để kéo họ trở lại.
Chúng ta cũng chứng kiến những nhà phát hành đau đầu, bởi không chỉ riêng phim Việt mà hàng loạt phim đình đám của thế giới cũng phải hoãn, lùi, chưa có ngày ra rạp. Nhiều hãng phim, hệ thống rạp chiếu đã đóng cửa một phần hoặc toàn phần. Ở Việt Nam, các chủ rạp phim đã kêu cứu, đây là tình huống nghiêm trọng đối với những người sản xuất nội dung.
* Nhà sản xuất phim lúc này có thể làm gì và nên làm gì, thưa chị?
- Nói thật, bạn bè tôi chủ yếu là những người làm phim. Nhưng để trả lời cho câu hỏi có thể làm gì và nên làm gì thì chúng tôi cũng đang chưa biết nên thế nào.
So với các ngành nghề khác trong xã hội, có lẽ mọi người thấy điện ảnh không đến nỗi quá bi đát. Tuy nhiên, chúng ta có thể đọc được lời kêu cứu của những nhà phát hành, chủ đầu tư, chủ rạp chiếu, có thể nhìn thấy những vụ khởi kiện tranh chấp tiền thuê, chi phí mặt bằng. Thông điệp lớn phía sau những sự kiện đó cho thấy họ đang rất khó khăn, rất nguy cấp. Và tôi cũng thực sự chưa biết, sẽ có cách nào để các nhà phát hành, các rạp chiếu có thể phục hồi như trước khi có dịch.
Nếu muốn nhìn về một cơ hội nào đó tốt hơn, có lẽ lúc này mọi người cần cùng nhìn lại đường đi, sự phát hành, kênh tiếp cận giữa điện ảnh với khán giả tại Việt Nam. Có thể, chúng ta sẽ phải thay đổi. Các ứng dụng OTT (các ứng dụng và các nội dung như âm thanh, video được cung cấp trên nền tảng Internet) đã trở nên thân quen với khán giả tại các đô thị tương đối phát triển, và smartphone thì người trẻ ai cũng có nên kênh để tiếp cận với phim ảnh ngoài rạp chiếu là có rồi đây. Nhưng việc thu lại vốn sản xuất từ các nền tảng này tại Việt Nam là chưa khả thi.
Tôi có cảm giác nếu dịch dã mà cứ kéo dài thế này, thì rạp chiếu chắc chỉ dành cho các trải nghiệm điện ảnh đặc biệt, kiểu như bom tấn, nhiều kỹ xảo hoành tráng. Còn với các dạng khác, có lẽ cần nghiêm túc xác định hướng sản xuất – phát hành. Chưa biết chừng, mọi thứ lại mở ra cơ hội mới, khi mà chúng ta chỉ còn cách liên tục tự thay đổi.
* Vậy, chị dự đoán gì về tình hình điện ảnh Việt Nam thời gian tới?
- Thực sự tôi không thể đoán được điều gì. Dịch bệnh chưa có dấu hiệu nào chắc chắn là sẽ được đẩy lùi trong thời gian ngắn, khi mà chúng ta cần thêm thời gian để giải quyết bài toán vacine. Hiện tại, hai nơi sở hữu số lượng rạp chiếu lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP.HCM đều đã trải qua giai đoạn đóng cửa rạp chiếu. Mọi thứ rất khó khăn: Các phim dự kiến sản xuất để chiếu rạp thì không quay được mà ngay cả các phim series để có thể chiếu trên các hạ tầng OTT cũng dừng chưa biết bao giờ tái khởi động.
Những buổi thảo luận về điện ảnh gần đây, chúng tôi cũng phải chuyển sang hình thức offline. Đó là thiệt thòi lớn cho những người làm nghề. Nói chung, Covid-19 đã làm thay đổi mọi thứ và mình không có lựa chọn.
Một nhà phê bình phim “tại gia”
* Với không gian sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội”, chị gặp khó khăn như thế nào và tìm hướng đi mới ra sao trong tình hình mới?
- Chúng tôi phải đóng cửa toàn bộ khối dịch vụ sinh ra tiền bạc là phần quán trà, quán café, cũng không thể làm các sự kiện offline có phí đóng góp được nữa. Bếp của Ơ kìa Hà Nội trước đây là nơi sản xuất hàng ngày phục vụ cho không gian quán thì nay sẽ làm và đóng gói để “take away” (mang đi). Tôi không muốn đóng cửa nghỉ, dù duy trì là rất mệt. Nhưng tôi cố gắng giữ cho nhân viên được làm việc và có nguồn thu. Mình đóng thì dễ cho mình, nhưng nhân viên, họ sẽ sống thế nào?
Khối dự án thì tạm gọi là may mắn, vì khối này đang vận hành các dự án xã hội với ngân sách đã được chuẩn bị trước. Hiện tại Ơ kìa Hà Nội co gọn, và làm việc thuần tuý trong không gian văn phòng của chính dự án. Nói thật, các dự án chúng tôi xây dựng có rất nhiều hoạt động và sự kiện văn hoá nghệ thuật dành cho cộng đồng, giờ phải chuyển bớt thành online trong tâm trạng buồn rầu.
*Còn công việc mới của chị tại Hội đồng thẩm định phim quốc gia thời gian này thì sao?
- Tôi xác định mình làm việc này vì muốn trả lời một số câu hỏi. Và tôi nỗ lực để quan sát, lắng nghe, tích luỹ kinh nghiệm cùng lúc với việc tìm cách để bảo vệ được tác giả - tác phẩm khi cần. Giai đoạn này đang ít phim. Phim Việt Nam còn hiếm hơn. Tôi có cảm giác chúng tôi duyệt phim chỉ để duyệt thôi, hiện tại chưa biết kế hoạch phát hành ra sao.
* Với đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp, công việc của một thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia thú vị và áp lực như thế nào?
- Buồn cười nhất là từ khi làm trong Hội đồng thẩm định phim thì tôi lại chăm xem phim ở nhà hơn. Và xem phim ở nhà thì tôi rất tích cực lôi ông xã và bọn trẻ con ra để… phê bình phim. Phim hay thì cũng khổ với tôi mà phim dở thì cũng khốn đốn vì sẽ phải chịu trận nghe tôi chia sẻ.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về Nguyễn Hoàng Điệp
Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp sinh năm 1982. Bộ phim Đập cánh giữa không trung do chị biên kịch và đạo diễn đã thắng giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice thuộc LHP Venice 2014 do Liên đoàn các nhà phê bình phim châu Âu và Địa Trung Hải (FEDEORA) bầu chọn. Năm 2016, chị được trao Huân chương Hiệp sỹ Nghệ thuật và Văn chương của Pháp.
Hiện chị là chủ của không gian văn hóa sáng tạo “Ơ kìa Hà Nội” và là thành viên của Hội đồng thẩm định phim quốc gia.
|
Tiểu Phong (thực hiện)
loading...