Đạo diễn Đặng Thái Huyền: Phim chiến tranh mà 'cúng cụ' thì khó hay
(Thethaovanhoa.vn) - “Lúc chuẩn bị vali đi làm phim là lúc cảm thấy buồn nhất, yếu đuối nhất vì phải xa gia đình”, “trên phim trường cũng có lúc hoảng loạn nhưng luôn phải bình tĩnh xử lý vì diễn viên”. Phút chia sẻ thật lòng của Đặng Thái Huyền, nữ đạo diễn duy nhất tại Việt Nam đang theo đuổi dòng phim chiến tranh.
- Đạo diễn Đặng Thái Huyền 'phục thù' với phim chiến tranh mới
- Đặng Thái Huyền: Đạo diễn 8X giành Bông sen vàng với phim đầu tay
“Vài tháng nữa sau khi đi làm phim chị lại thấy tôi đen thui, làm phim chẳng đẹp được lâu đâu”, Đặng Thái Huyền cười sảng khoái.
* Phim chiến tranh hàng chục năm nay “ế” toàn tập. Tuyên bố làm một bộ phim chiến tranh để “phục thù” tại rạp liệu có quá ngông cuồng vào thời điểm này không?
- Sau khi đưa Người trở về dự LHP Việt Nam lần thứ XIX về tôi thấy tủi thân ghê gớm. Các phim chiến tranh chỉ đi dự LHP thôi, còn không thể ra rạp.
Phim mà không ra rạp, tức là không đo được độ nóng của khán giả. Tại sao phim chiến tranh lại chấp nhận thua thiệt như vậy? Tôi thực lòng có khát khao làm được bộ phim chiến tranh cạnh tranh sòng phẳng với dòng giải trí.
Sau LHP tôi rất bất ngờ khi Saiga Films, một hãng phim tư nhân lớn trong TP.HCM nói họ rất thích Người trở về và ấp ủ làm một bộ phim về chiến tranh. Tôi đã nói về ý tưởng kịch bảnMùi thuốc súng (dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ), hôm sau họ đã gửi hợp đồng luôn.
Thực sự tôi quá bất ngờ, tôi luôn nghĩ dòng phim mình theo đuổi sẽ chỉ có các hãng phim nhà nước tài trợ thôi. Nhưng chị thấy đấy, hãng phim tư nhân đã chọn tôi.
Tư liệu về chiến tranh của Việt Nam rất đồ sộ, bây giờ đang thời kỳ ăn sổi nên mọi người ngại “lội” vào thôi, chứ chất liệu để làm phim chiến tranh nhiều lắm, và nếu làm hay hoàn toàn có thể ăn khách.
Mà cũng kỳ, khi tôi làm phim chiến tranh, người ta chê dại vì lao đầu vào cửa khó. Đến khi thấy mình làm được, người ta lại nói mình khôn vì chọn dòng phim ít người làm thành ra nổi bật.
* Tư nhân chắc chắn sẽ có những điều kiện riêng, bản thân chị có điều kiện gì nhằm bảo toàn được ý tưởng của mình không?
- Đây sẽ là dự án tôi dành hết tâm huyết, vì đã tuyên bố làm phim để bán vé, nên tôi sẽ đánh cược cả danh dự người làm nghề. Saiga cũng không gây áp lực cho tôi, họ sẽ đầu tư tốt nhất có thể và đặt mục tiêu hòa vốn, vì xưa nay chưa có phim hậu chiến nào bán được vé.
Saiga muốn mời một đạo diễn hình ảnh đã từng quay nhiều bom tấn Hollywood về, nhưng tôi chỉ đồng ký hợp đồng với điều kiện đạo diễn hình ảnh là anh Trịnh Quang Tùng. Saiga đã thuyết phục, biết đâu với đạo diễn hình ảnh nước ngoài tôi và họ lại cùng nhau sáng tạo nên cái gì đó mới, nhưng tôi không hối hận khi chọn Tùng.
Tùng và tôi đã sát cánh bao nhiêu năm, đây có thể sẽ là phim cuối cùng anh Tùng quay, vì sau đó anh ấy chuyển sang làm đạo diễn. Đây cũng có thể là cuộc chơi cuối cùng, là kỷ niệm đẹp của cặp bài trùng Thái Huyền - Thanh Tùng, sau đó thì mỗi người một con đường riêng.
* Năm nay chị còn nhận làm phim kinh dị chiếu rạp, có phải là một cú liều mình khác không?
- Khi vào Điện ảnh Quân đội tôi làm phim chiến tranh ban đầu như một nhiệm vụ, sau mới bắt đầu yêu thích. Còn trước đó trong trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tôi đã sưu tầm phim Alfred Hitchcock vì rất mê phim kinh dị. Tôi không bao giờ liều lĩnh nhận những kịch bản ngoài tầm với, vì một bộ phim có thể quyết định kinh tế của cả một doanh nghiệp.
* Bước vào con đường phim giải trí, chị có đang từng bước rút ra khỏi dòng phim chiến tranh?
- Đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng nói với tôi như thế. Tôi chắc chắn sẽ không bao giờ bỏ dòng phim này. Bản thân tôi có nguyện vọng tiếp nối hoài bão của thầy tôi là đạo diễn, NSND Khắc Lợi, không có ông thì không có tôi ngày nay.
Khi làm Tiếng cồng định mệnh, lúc đó thầy tôi bắt đầu có dấu hiệu tuổi tác, có những cảnh ông đã không còn đủ trí lực để xử lý, tôi cảm nhận rõ sự nuối tiếc của ông. Sau phim này ông đã giải nghệ, nhưng tôi biết ông vẫn còn trăn trở nhiều lắm. Tôi luôn cảm thấy bị thôi thúc sẽ tiếp bước ông.
Tôi nghĩ cũng đã đến lúc cần thay đổi suy nghĩ về phim chiến tranh, nếu nghĩ nó là dòng phim “cúng cụ” thì sẽ không bao giờ làm được phim hay.
Năm nay là năm khá kỳ lạ với tôi, vì được tư nhân đầu tư làm phim chiến tranh. Kỳ lạ hơn nữa, tôi được một đơn vị trong Nam mời làm phim giải trí chiếu rạp. Đây là điều hơi bất thường, vì trước đến nay phía Nam không bao giờ mời đạo diễn phía Bắc làm phim giải trí.
* Sau Người trở về chị cảm thấy thế nào?
- Người trở vềnhư mối tình đầu vậy, những gì khó khăn nhất mình đã trải qua hết với nó, nên giờ nếu có gặp trường hợp tương tự mình sẽ không bị hoảng loạn nữa.
Nói thực với chị, làm phim chiến tranh “đau tim” lắm. Trên hiện trường không thiếu những lúc hoảng loạn, nhưng ngồi ở vị trí đạo diễn phải giữ được bình tĩnh để xử lý tình huống, không để ảnh hưởng đến tinh thần anh em.
Hồi làm phim này mình tuổi trẻ hiếu thắng mà, mọi người khuyên trước khi quay nên thử quả nổ để xem mức độ âm thanh đến đâu. Tôi nghĩ đã tập dàn quả nổ trước rồi, không cần thử thêm nữa, hơn nữa tôi cần âm thanh thật, để diễn viên diễn cảm xúc nhất.
Kết quả khi nổ, âm thanh to quá, diễn viên phụ thì ngất, diễn viên chính là Lã Thanh Huyền sợ quá khóc không ngừng được. Bản thân tôi cũng muốn ngã ra khỏi ghế.
Bây giờ cũng đã đến lúc quên đi “mối tình đầu” để bắt đầu chặng đường mới.
Diễn viên Lã Thanh Huyền trong phim "Người trở về"
* Nội dung Mùi thuốc súng khá nặng, tôi nghĩ rằng một bộ phim như thế này sẽ hợp với liên hoan phim hơn, làm thế nào để có thể hấp dẫn khán giả ra rạp?
- Câu chuyện của Mùi thuốc súng đã hấp dẫn tôi ngay từ đầu, không chỉ đơn thuần là bi kịch gia đình, mà là bi kịch dân tộc. Một câu chuyện như thế này nếu không làm phim thì quá phí. Sau nhiều năm lăn lộn ở phía Nam, tôi rất hiểu, phim cần có những đoạn dãn nghỉ. Sau những đoạn nặng đô, cần những đoạn để “thở”.
Tôi sẽ mời một diễn viên rất nổi tiếng của dòng giải trí, người mà các anh chị không thể ngờ tới. Tôi tin chắc nếu anh ấy xem kịch bản phim này anh ấy sẽ không thể chối từ, vì đây sẽ là một vai diễn để đời của anh ấy.
* Sao chị luôn chọn cách tự viết kịch bản?
- Tất cả các phim tôi làm, tôi đều tự viết kịch bản, khi mình viết mình mới hiểu hiểu rõ tác phẩm của mình nhất. Tính của tôi khi đã viết là đóng cửa viết một lèo, giờ ăn có chị giúp việc bê đồ ăn lên, không ai được làm phiền.
Khi viết xong, tôi bỏ đấy đi chọn cảnh, khi chọn cảnh xong tôi mới tiếp tục sửa lần hai. Đến khi quay thử với bối cảnh, lúc đó tôi mới hoàn chỉnh kịch bản lần cuối cùng.
* Dường như Đặng Thái Huyền là người ưa cấu trúc, phim của chị luôn có cấu trúc rất chặt chẽ.
- Tôi học thầy Khắc Lợi, nên bị ảnh hưởng nhiều cấu trúc của phim Nga. Đến bây giờ bắt đầu thấy đó là bất lợi vì phim nước ngoài đang có xu hướng phá vỡ cấu trúc. Tôi đang cố gắng thoát ra khỏi cấu trúc, vì làm phim mà tuân thủ kỹ thuật quá đôi khi bị giới hạn sáng tạo.
Thời gian làm giám khảo giải Ong vàng, Làm phim trong 48 giờ tôi cảm thấy phải học hỏi các bạn trẻ, họ phá cách kể cả khuôn hình đến cấu trúc kịch bản. Ngay như Trương Nghệ Mưu, đạo diễn tôi ưa thích, là người rất tuân thủ kỹ thuật, bây giờ đã dừng làm phim vì ông ấy không thoát khỏi bản thân mình trước đó, ông đã cố gắng phá cách nhưng không thành.
* Có một điều nữa là chị dường như không chuyên tâm làm điện ảnh, mỗi năm đều thấy chị có 1-2 bộ phim truyền hình?
- Nhiều người cũng hỏi tôi như vậy. Tôi đâu thiếu tiền đến mức cái gì cũng nhận. Đến bây giờ tôi có quyền chọn kịch bản rồi, tôi chỉ nhận những kịch bản truyền hình gây hứng thú. Tôi thích phim truyền hình vì mình được làm tâm lý nhân vật dài hơi, còn điện ảnh thì phải cô đọng. Hai thể loại này bổ sung cho nhau, vấn đề là mình phải biết tách biệt để không bị lẫn.
* Được biết chị trong biên chế Điện ảnh Quân đội, đi làm phim bên ngoài có khó khăn gì không?
- Tôi phải cảm ơn Ban giám đốc đã luôn tạo điều kiện cho tôi. Một năm điện ảnh Quân đội không có nhiều phim, nếu hoàn thành chỉ tiêu chúng tôi được phép đi làm ngoài. Đời đạo diễn có được bao lâu đâu, Ban giám đốc rất hiểu điều đó. Còn đã là quân nhân thì bất kỳ khi nào bị gọi, là về.
* Nghe nói các nhà làm phim Quân đội rất tâm linh, tới các địa điểm quay bao giờ cũng phải thắp hương. Chị thì sao?
- Huyền thì rất tâm linh rồi. Trước mỗi dự án phim, tôi đều lên phòng liệt sĩ thắp hương. Đến các địa điểm cần quay luôn phải làm lễ trước. Tôi từng vào quay ở Ngã Ba Đồng Lộc, khi trở ra xe không làm thế nào nổ máy được, lại quay vào thắp hương xin mới đi được.
Tôi vẫn nhớ lần làm phim về liệt sĩ Hoàng Kim Giang, khi đến mộ của anh đã có người ra đón rồi, người đó nói đã được anh báo mộng trước. Người ấy kể khi anh mất, mộ anh nhiều bướm đen xuất hiện.
Ngày chúng tôi quay ở Bộ công binh, có để riêng một chiếc ghế tượng trưng dành cho anh Giang, và có một con bướm đen bay tới đậu ở đó. Còn nhiều chuyện ly kì lắm. Làm nghề này phải thật sự thành tâm.
* Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Đặng Thái Huyền là đạo diễn của Điện ảnh Quân đội. Hiện là một đạo diễn “đắt sô” làm phim truyền hình. Chị từng làm các phim truyền hình Mười ba bến nước, Vũ khúc ánh trăng, Bánh đúc có xương… Năm 2015, chị làm phim truyện điện ảnh Người trở về và năm nay sẽ thực hiện phim kinh dị chiếu rạp Lời nguyền gia tộc, phim hậu chiến Mùi thuốc súng và hai bộ phim truyền hình Gừng cay muối mặn, Dạ khúc máu. |
Ngọc Diệp (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần