Đạo diễn Charlie Nguyễn: Vì ghét rock nên làm phim về nhạc rock
(Thethaovanhoa.vn) - Để chuẩn bị công chiếu vào ngày 15/7 tới đây, đạo diễn Charlie Nguyễn và ê-kíp sản xuất Fan cuồng đang thực hiện những buổi giới thiệu về phim. Charlie Nguyễn chia sẻ vì ghét rock nên làm phim về nhạc rock, với “tổng thiệt hại” lên đến 26 tỷ đồng.
“Thú thật thì tôi không biết gì về chuyên môn của rock nói chung và rock Việt nói riêng, nhưng cứ mỗi lần nghe rock, nói chuyện với các rocker thì thấy hưng phấn hẳn lên. Rock rõ ràng có một phong cách sống, một cõi văn hóa riêng. Chính từ những năng lượng tích cực đó thúc giục tôi làm Fan cuồng, càng làm càng máu hơn, nên kinh phí đội lên khá nhiều, ban đầu dự kiến chỉ từ 16 đến 18 tỷ đồng” - Charlie Nguyễn nói.* Ngoại trừ sự kiện nhạc sĩ Trần Lập qua đời là chuyện hy hữu, không khí rock Việt hiện nay nhìn chung khá im ắng, vậy tại sao anh không làm những thể loại nhạc đông người nghe hơn, như Sơn Tùng M-TP đang theo đuổi chẳng hạn?
- Sơn Tùng M-TP nổi tiếng, thú vị, có nhiều người nghe, đó là điều khó phủ nhận. Nhưng nếu tôi làm một phim về thể loại nhạc của Sơn Tùng M-TP thì dễ đoán quá, ai cũng có thể làm như thế.
Về thể loại và chất lượng phim tôi không bàn, nhưng đã làm phim thì phải lựa một câu chuyện riêng, càng ít người làm phim nghĩ đến càng tốt. Và rock trong bối cảnh âm nhạc như hiện nay là một câu chuyện riêng như vậy. Khi đưa câu chuyện này ra, nhiều người cũng đã bàn bạc và khuyên tôi nên đổi đề tài, nhưng tôi tin mình đã lựa chọn đúng.
* Vì sao anh lại đưa câu chuyện lùi về hai thập niên trước, năm 1996?
- Theo tôi biết thì thập niên 1990 là thời hoàng kim của rock Việt kể từ sau năm 1975, với riêng TP.HCM đã có cả trăm ban nhạc, nhóm nhạc chơi rock. Do trong ê-kíp đoàn phim của tôi có dân rock thứ thiệt (như họa sĩ Trần Trung Lĩnh, Lê Thanh Sơn…) nên họ tư vấn nên đưa câu chuyện về đó thì mới dễ tạo không khí chân thật.
Chứ nếu làm không khí rock ngày nay, với một fan cuồng, thì có vẻ không đáng tin cho lắm, ngày nay người ta cuồng nhiều thứ, nhưng rock thì không. Hơn nữa, đây còn là câu chuyện hơi viễn tưởng, nơi một người ở thì hiện tại phải ngược về quá khứ để thu xếp niềm cuồng rock của bản thân.
* Đây có phải là lý do để phim đội kinh phí lên đến 26 tỷ đồng, như vậy thì điểm hòa vốn phải là 52 tỷ, chưa tính kinh phí truyền thông, anh có sợ không?
- Từ góc độ người làm phim, nói thật lòng ít khi nào tôi nghĩ đến chuyện bán vé và hòa vốn trước khi bắt tay vào làm phim, nên chẳng có gì phải sợ. Chúng tôi may mắn có được nhà sản xuất chịu chơi và chịu chi (dù nhiều lần phải méo mặt), nên chỉ biết cố gắng làm tốt nhất có thể phần việc của mình. Điều đáng sợ nhất là mình chưa làm đúng với khả năng và hoàn cảnh hiện có.
Một phim về rock thì kiểu gì cũng phải có những màn trình diễn rock trên sân khấu, ban đầu chúng tôi tính làm giả cảnh này, nhưng sau đó thấy rằng rock thật khó để giả cho ra chất. Thế là chúng tôi phải làm một buổi trình diễn thật, với những ban nhạc rock và khán giả rock thật (gần 2.000 người) để ghi hình.
Đại cảnh xuất hiện trên phim chừng 5-7 phút này đã ngốn của chúng tôi hết 6 tỷ đồng. Thế nhưng, khi xem lại bản dựng, tôi thấy hạnh phúc vì đã lột tả được phần nào không khí và văn hóa rock Việt. Chính những nghệ sĩ và khán giả rock hôm nay cho chúng tôi niềm tin về sức sống của những fan cuồng rock.
* Nghe người từ phim trường kể lại, anh viết kịch bản ngay tại chỗ, nhiều buổi quay mọi người đến đông đủ rồi mà kịch bản chưa được in ra. Một đạo diễn và một ê-kíp nổi tiếng chuyên nghiệp, vì sao anh quyết định chọn cách làm này?
- Vì tính ngẫu hứng, phiêu lưu, bất cần, không cố chấp của rock tác động mà tôi gần như bỏ hết kịch bản định sẵn, chỉ giữ lại cái sườn chính. Như đã nói, do trong đoàn phim có các rocker thứ thiệt, rồi khi tiếp xúc với lối sống, cách hành xử của họ qua từng buổi quay, tôi thấy có trách nhiệm phải sửa lại kịch bản cho gần gũi hơn.
Đây là cách làm nguy hiểm, không nên khích lệ người khác và bản thân làm theo, nhưng nếu không làm như vậy, chúng tôi đã không có được Fan cuồng như hôm nay.
Như Hà (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa