Đánh thức bảo tàng nhờ 'thực tế ảo'
(Thethaovanhoa.vn) - Giữa bối cảnh các hoạt động giải trí ngày một nở rộ, số lượng người tìm tới các bảo tàng lại ngày một sụt giảm. Trong lượng khách ít ỏi này, lại có nhiều người tới vì bị bắt buộc chứ không phải do hào hứng.
- Đồng tiền vàng 100 kg tại bảo tàng Đức 'không cánh mà bay'
- Bảo tàng ế khách bán tượng của 44 Tổng thống Mỹ
- Bảo tàng công nghiệp - 'gà đẻ trứng vàng': Những 'nhà máy' của ký ức
Với nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ quá khứ, nhiều bảo tàng trên thế giới đang nỗ lực tìm cách hướng tới tương lai.
Thà đi tới nha sĩ còn hơn
“Y như đi khám nha sĩ vậy” - một khách tham quan bảo tàng ở New York than phiền. “Nhưng tôi thà đi tới nha sĩ còn hơn tới bảo tàng”. “Nếu anh muốn, chúng ta có có thể đi chỗ khác” - bạn đồng hành đề nghị. “Không sao đâu” - người kia ngập ngừng. “Tôi cực kỳ tin là mọi người không thích thú gì bảo tàng. Họ đi vì phải đi thôi”.
Đây không phải người duy nhất hoài nghi về điều này. Một báo cáo gần đây từ Quỹ Trợ cấp Quốc gia cho Nghệ thuật Mỹ (NEA) cho thấy số lượng người trưởng thành Mỹ tới thăm các bảo tàng nghệ thuật đã giảm 8% trong hai thập kỷ nay, đặc biệt giảm mạnh ở thế hệ internet (độ tuổi 20-30).
Phản ứng trước phát hiện này, giám đốc nghiên cứu và phân tích NEA, ông Sunil Iyengar, cho rằng “không có giải thích ngắn gọn nào cho lý do tại sao điều này xảy ra”, nhưng nói thêm “có quá nhiều cạnh tranh từ các hoạt động giải trí”.
Do đó, các bảo tàng cần tìm ra những hướng đi mới để thu hút khách tham quan. Sự gia tăng của các hoạt động giải trí kỹ thuật số có thể ảnh hưởng xấu tới các bảo tàng, nhưng mặt khác, cũng có thể chính là giải pháp.
Catherine Devine, giám đốc Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ, cảm thấy có nhiệm vụ phải “giữ cho bảo tàng phù hợp với nhiều đối tượng khác nhau” và bà đã dành 5 năm làm việc “để thật sự có được một bảo tàng của thế kỷ 21”. Điều này có nghĩa là phải tìm cách để mọi người tới đây có được những trải nghiệm giống như cuộc sống hàng ngày, nơi họ có thể gọi món ăn hoặc tìm người hẹn hò cùng chỉ bằng một nhấp chuột.
Đưa công nghệ vào bảo tàng cổ kính
Một trong những hướng đi đó là sử dụng ứng dụng điện thoại thiết kế cho bảo tàng có tên Explorer. Được phát triển từ năm 2010, được Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Mỹ chính thức mở lại vào tháng 11 năm ngoái, ứng dụng này chứa đầy kiến thức và các trò chơi. Ví dụ, khi mở Explorer ở khu vực sự sống dưới đại dương - nơi có mô hình cá voi xanh nổi tiếng dài hơn 28m - ứng dụng lập tức đưa thông tin một chú cá voi xanh nặng bằng 5 chiếc xe điện ngầm và bật tiếng cá voi xanh hát dưới nước.
Ứng dụng này sử dụng mạng lưới 800 đèn hiệu đặt dọc bảo tàng để xác định vị trí khách tham quan, từ đó lập tức hiển thị những nội dung liên quan tới nơi bạn đứng cũng như các chỉ dẫn như chỉ đường. Explorer đã được tải về hơn 1 triệu lần kể từ tháng 7/2010.
Trong gần 2 thập kỷ làm việc tại đây, bà Vivian Trakinski, giám đốc bản tin khoa học của bảo tàng, đã chứng kiến những cải tiến trong cách tham quan. Từ thuê sản xuất các phim tài liệu khoa học, bà Trakinski nay dành phần lớn thời gian để ảnh hóa dữ liệu dưới nhiều hình thức kỹ thuật số khác nhau.
“Khi tôi tới đây (năm 1999), chúng tôi tập trung vào video” - bà nói. Hiện nay, bà vẫn sản xuất video, nhưng “giờ, chúng tôi tập trung hơn vào các nền tảng tương tác sâu. Mọi người muốn thêm vào nội dung của chính họ. Họ muốn tham gia vào việc tạo ra nó”.
Đội ngũ của bà Trakinski đang phát triển cả chương trình thực tế ảo, cho phép khách tham quan có những trải nghiệm sống động như chơi golf trên sao Hỏa.
Tương tự, nhiều bảo tàng khác trên thế giới cũng đang vận dụng triệt để những sáng tạo của công nghệ. Không chỉ nhìn bằng mắt thường, mọi người giờ có thể khám phá chi tiết một chuỗi hạt cầu nguyện hồi thế kỷ 16 nhờ kính thực tế ảo, lưu các vật phẩm ở bảo tàng vào tài khoản cá nhân dựa vào bút điện tử…
Kết quả rất khả quan! Theo thống kê của Bảo tàng Thiết kế Cooper Hewitt, trước khi áp dụng phương pháp mới, khách tới đây thường ở tuổi khoảng 60 nhưng chỉ sau một vài năm thay đổi, độ tuổi trung bình đã giảm xuống là 27.
Ứng dụng công nghệ nhưng không… sa đà Với sự phát triển vũ bão của công nghệ, các giám đốc bảo tàng hoàn toàn có cơ sở để hy vọng vào một tương lai sáng sủa cho những vật phẩm của lịch sử có ứng dụng công nghệ. Tất nhiên, họ cũng lưu ý không quá sa đà mà làm hỏng những mẫu vật quý giá này. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa