'Con cá' ngàn đô của Kù Kao Khải
(Thethaovanhoa.vn) - "Con cá" ấy làm bằng gỗ phủ sơn, có tên là "Chuông" và đã giúp tác giả Kù Kao Khải giành giải Nhất Hội Mỹ thuật Việt Nam 2017. Đồng thời, "Chuông" cũng giành giải A triển lãm mỹ thuật khu vực II – đồng bằng Sông Hồng,
Và, "con cá" ấy hấp dẫn tới mức, chủ nhân một quán cá lăng tại Hà Nội đã lập tức bỏ ra số tiền vài ngàn USD để mua của Khải và mang về quán
Tiếng "chuông" đặc biệt
Ở tác phẩm của Khải, con cá khổng lồ bằng gỗ ấy được treo lên giá, như cách mà người ta treo một quả chuông. Và, trên phần "giá" này là hình ảnh của ống khói nhà máy đang tuôn khói, của những bộ mặt người câm nín và ảm đạm.
Chia sẻ về tác phẩm này, Kù Kao Khải cho biết: “Nhà tôi ở gần nhà thờ đá Kim Sơn - Ninh Bình, có cái chuông 1.200 kg. Tôi thấy quê mình rất đẹp, nhưng đang xây nhiều nhà máy, chính vì thế, tôi đã bỏ ra 5 tháng liền làm tác phẩm Chuông này để cảnh báo…”.
Có lẽ, ai cũng hiểu Khải muốn nói gì qua tác phẩm của mình. Và thông điệp ấy hấp dẫn đến mức, ngay khi tác phẩm Chuông có mặt tại Nhà triển lãm Mỹ thuật (16 – Ngô Quyền, Hà Nội), một ông chủ nhà hàng cá lăng đã tới xem và hỏi mua vì quá thích.
Được biết, ông chủ này cũng là nhà sưu tập các tác phẩm nghệ thuật đã đến xem và muốn mua Chuông về trưng bày trong gallery tại nhà hàng. Kù Kao Khải bán luôn trước khi biết tác phẩm của mình được trao giải Nhất duy nhất của Hội Mỹ thuật Việt Nam 2017.
“Bán xong, Bảo tàng Mỹ thuật hỏi mua, hơi tiếc…” - Kù Kao Khải giãi bày: “Nhưng dù sao, tôi vẫn thấy mình may mắn…”
Khải sinh năm 1978 tại Ninh Bình, tốt nghiệp ĐH sư phạm Nghệ thuật TW năm 2008. Anh là cái tên khá mới lạ, nhưng gần đây lại bất ngờ nổi lên như một hiện tượng trong giới mỹ thuật Việt. Trao đổi với Thể thao &Văn hóa (TTXVN), Khải nói: “Tôi đi khá nhiều nơi, khai thác nhiều đề tài và thử nghiệm đa dạng chất liệu".
Theo lời Khải, anh từng say mê với chất liệu gốm, từng tìm hiểu và học tập ở Bát Tràng về nghệ thuật gốm truyền thống, từng tới những làng gốm Phù Lãng, Quế Quyển... trước khi quay về với vùng đất Bồ Bát ở Ninh Bình - nơi được coi là quê hương của làng gốm Bát Tràng. Không dừng lại ở chất liệu gốm, Kù Kao Khải còn thử nghiệm trên nhiều chất liệu khác như đá ở Ninh Vân, cói ở Kim Sơn, gỗ Phúc Lộc ở Ninh Phong. Ngoài ra, anh cũng vẽ nhiều tranh sơn dầu, sơn mài…
Khải từng tham gia nhiều cuộc triển lãm mỹ thuật, điêu khắc trên toàn quốc, các triển lãm mỹ thuật trẻ… và dường như tác phẩm nào anh công bố hay mang đi triển lãm cũng được trao thưởng, trong đó đa phần được giải cao. Đến giờ, gần 40 năm tuổi đời, Kù Kao Khải đã sở hữu trên 20 giải thưởng mỹ thuật trong nước.
Chàng họa sĩ của "chuyện quê"
Khải kể, sau mấy năm loanh quanh làm gốm ở Bát Tràng, anh quyết định về quê biển dạy học cho trẻ em để tìm “mỏ vàng chất liệu” cho sáng tác.
Vừa dạy trẻ, vừa vẽ, đục, nặn… con đường sáng tác lại rộng mở đúng như anh hy vọng. Anh cho ra đời Chuyện quê (2013, gỗ sơn), tác phẩm khiến Khải bất ngờ vì đoạt liền 5 giải thưởng cao nhất. Đó là: Giải Nhì (không có giải Nhất) trong Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc (2003- 2013); Giải A triển lãm mỹ thuật Đồng bằng sông Hồng, Giải A các khu vực toàn quốc - Hội Mỹ thuật Việt Nam, giải A – Đinh Bộ Lĩnh (Ninh Bình), giải A – Trương Hán Siêu (Ninh Bình).
Chuyện quê của Kù Kao Khải không hẳn là hội họa, điêu khắc, hay sắp đặt mà là tổng hợp của cả ba loại hình này. Với chủ đề giản dị, Chuyện quê tôn vinh con cá, con cua, con người nghề biển; con người của nghề nông, nghề cói… Như đánh giá của các chuyên gia, tác phẩm toát ra hơi hướng của nghệ thuật thổ dân thời hiện đại…
Chuyện quê là nhân duyên trời cho anh chàng họa sĩ nhà quê này. Và đúng thế, liên tiếp những tác phẩm mới của Khải được vinh danh vào những năm sau với: Ký ức Quảng Trị (giải A Khu vực 2 – Đồng bằng sông Hồng 2014; Giải A toàn quốc các khu vực – Hội Mỹ thuật Việt Nam 2014); Chuyện quê 10 (Huy chương Đồng tại Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam 2015)… và có đến 100 Chuyện quê khác, Khải còn chưa công bố…
Kù Kao Khải nói: “Hiện nay tôi chọn vùng quê biển với diện tích rộng để làm việc, nơi đó có nhiều nước mặn, gió, bão, nắng và nhiều động vật hoang dã. Sự mới mẻ và mênh mông giúp tôi có động lực hơn trong sáng tác. Tương lai, qua tác phẩm của mình, tôi mong công chúng sẽ thấy sự huyền bí của biển”.
Hoa Chanh