(Thethaovanhoa.vn) - “Đánh bại” 5 tác giả khác trong danh sách chung khảo, Paul Beatty (54 tuổi) đã nhận giải thưởng văn học danh giá Man Booker 2016 của Anh, kèm theo số tiền 52.500 bảng.
Sau 4 tiếng xét chọn và thảo luận, Ban giám khảo đã đồng lòng nhất trí trao giải cho The Sellout và nhận định, cuốn sách đầy tính khiêu khích của Beatty có thể coi như một tác phẩm kinh điển, song cũng mang tính thời sự như một bản tin tối.
Cơn lốc của sự châm biếm
Sử gia Amanda Foreman, Chủ tịch Ban giám khảo giải Man Booker năm nay, nói “cuốn truyện đi sâu vào xã hội Mỹ đương đại, văn phong cực kỳ hóm hỉnh, có phong cách viết mà tôi chưa từng thấy kể từ sau các cây bút Jonathan Swift hay Mark Twain. Cuốn truyện hòa trộn văn hóa đại chúng, chính trị, triết học với sự hài hước và nỗi tức giận, qua đó đề cập tới từng điều cấm kỵ trong xã hội”.
The Sellout có bối cảnh tại vùng ngoại ô có tên là Dickens ở Los Angeles. Người thuật lại câu chuyện trong tiểu thuyết là Bonbon, một người Mỹ gốc Phi từng bị xét xử tại Tòa án Tối cao Mỹ vì cố gắng sắp đặt lại chế độ nô lệ và sự phân biệt chủng tộc.
Cuốn truyện này được so sánh với phim hài của Richard Pryor và Chris Rock. Trong tác phẩm này, Beatty đã đề cập tới chủ đề mà rất nhiều nhà văn e ngại. Những định kiến về chủng tộc, bài phát biểu mang tính công kích và tình trạng bạo lực của cảnh sát đã được Beatty phơi bày dưới ngòi bút của ông.
Paul Beatty nhận giải Man Booker 2016 với tiểu thuyết "The Sellout"
Elisabeth Donnelly, cây bút của tờ Guardian mô tả cuốn tiểu thuyết là “tác phẩm bậc thầy đưa Beatty trở thành nhà văn hài hước nhất ở Mỹ”. Trong khi đó, nhà phê bình Reni Eddo-Lodge (Anh) đánh giá The Sellout là “cơn lốc của sự châm biếm. Mọi thứ trong The Sellout đều mâu thuẫn. Các nhân cách trong tiểu thuyết vừa mang tính hiện thực khiến độc giả thấy đáng tin, vừa thể hiện được khía cạnh siêu thực khiến họ phải nhướn mày”.
Trước ngày trao giải, các hãng cá cược đặt cược rất cao cho nhà văn Canada Madeleine Thien với tiểu thuyết Do Not Say We Have Nothing, cuốn truyện dày 480 trang mô tả một người phụ nữ trẻ nhớ về quá khứ của gia đình mình trong cuộc cách mạng ở Trung Quốc thế kỷ 20.
The Sellout đã đoạt giải của Hiệp hội Phê bình Sách Quốc gia Mỹ năm 2015, tuy nhiên Beatty vẫn hết sức kinh ngạc khi thấy “đứa con tinh thần” của mình lọt vào danh sách chung khảo giải Man Booker 2016.
“Tôi không thể tả được mình đã phải kinh qua một hành trình dài như thế nào để có được thành quả như ngày hôm nay. Tôi từng không muốn cầm bút, tôi từng ghét viết lách, nhưng văn học đã cứu rỗi cuộc đời tôi và viết lách đã trao cho tôi cuộc sống. Tôi không muốn đẩy mọi chuyện trở nên kịch tính. Tôi chỉ cố gắng tạo không gian cho bản thân và hy vọng cũng tạo được không gian cho nhiều người” – Beatty chia sẻ.
Ông cũng cho biết đã nhận được sự khuyến khích của Creative Capital, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên cấp kinh phí cho các nhà văn và nghệ sĩ để thực hiện dự án của mình. Nhờ vậy mà cuốn The Sellout ra đời.
Từng bị "xui" bỏ nghề văn
Beatty sinh năm 1962 ở Los Angeles. Ông đã có bằng thạc sĩ về viết văn tại trường Đại học Brooklyn và bằng thạc sĩ tâm lý của trường Đại học Boston. Năm 1990, Beatty đã đoạt giải nhất trong cuộc thi Thơ Grand Slam của Nuyorican Poets Cafe. Giải thưởng này đã giúp ông kiếm được hợp đồng xuất bản sách và qua đó tập thơ đầu tiên của ông, Big Bank Takes Little Bank, đã được phát hành hồi năm 1991. Tiếp đó, Beatty xuất bản tập thơ thứ 2 Joker, Joker, Deuce (1994).
Cuốn tiểu thuyết The Sellout của nhà văn Mỹ Paul Beatty, câu chuyện chua cay và châm biếm về chủng tộc và giai cấp ở Mỹ, đã đoạt giải Man Booker 2016, giải thưởng văn học danh giá của Anh. Beatty là nhà văn Mỹ đầu tiên đoạt giải này.
Tiểu thuyết đầu tay của Beatty, The White Boy Shuffle (1996), mô tả đầy châm biếm về cuộc sống của người Mỹ da màu, đã nhận được lời phê bình tích cực từ cây bút Richard Bernstein của tờ The New York Times.
Cuốn truyện thứ 2 của Beatty, Tuff (2000) cũng được đánh giá cao trên tạp chí Times. Năm 2008, Beatty cho ra đời tiểu thuyết thứ 3, mang tựa đề Slumberland, kể về một nghệ sĩ DJ Mỹ ở Berlin (Đức).
Bản thân Beatty cũng nhận thấy The Sellout là cuốn truyện rất khó đọc và khó viết. Nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo sau khi đoạt giải Man Booker, Beatty cho biết: “Tôi đã kiên trì viết văn sau khi một thầy giáo nói với tôi nên từ bỏ viết văn vì tôi không có năng khiếu. Vậy giờ đây tôi vô cùng hạnh phúc khi khả năng của mình đã được ghi nhận ở một chừng mực nào đó. Qua đây, tôi càng hiểu rằng cho dù chiến thắng hay thất bại thì tôi đã cho ra đời một tác phẩm đáng đọc”.
Thông thường, Man Booker là cú hích đáng kể cho lượng sách bán ra của tiểu thuyết đoạt giải, ngay sau khi ban giám khảo công bố quyết định của mình. Với cuốn The Sellout của Beatty cũng vậy. Nhà xuất bản của Beatty, nhà xuất bản độc lập Oneworld, khẳng định, họ đã quyết định in thêm 100.000 cuốn và các ấn phẩm mới sẽ có mặt tại các cửa hàng sách vào ngày 27/10.
Nhà văn Mỹ đầu tiên “rinh” giải Man Booker Được sáng lập từ năm 1969, giải Man Booker ban đầu chỉ được trao cho các nhà văn Anh, Ireland và khối Thịnh vượng chung. Năm 2014, giải thưởng bắt đầu mở rộng tới các nhà văn viết bằng tiếng Anh. Nhiều người từng lo ngại rằng các nhà văn Mỹ sẽ thống trị giải thưởng khi có sự thay đổi này. Nhưng năm 2014 và năm 2015, giải thưởng đã thuộc về nhà văn Australia Richard Flanagan và Marlon James (Jamaica).
Trong khi trước đó, giải đã được trao cho các nhà văn Salman Rushdie (Anh), Ben Okri (Nigeria), Margaret Atwood (Canada) và Hilary Mantel (Anh). |
Việt Lâm (tổng hợp)
Thể thao & Văn hóa