Chạm vào bí ẩn đào thất thốn
Khác với tất cả những thứ hoa đào thông thường mà ai cũng biết (đào phai, đào bích, đào rừng...), đào Thất thốn ưa cái sự “ít”, thân cô độc, ít cành. Mầm nhỏ xanh tía như lưỡi kiếm vung lên. Hoa đỏ thắm tươi, nếu cây ít hoa thì bền kỳ lạ, nếu hoa nở nhiều thì chóng tàn hơn đào thường. Mỗi thốn, tức mỗi tấc theo cách gọi của các cụ có thể có 7 hoa đào, vì thế mới có tên gọi Thất thốn.
21 năm mới nở hoa 3 lần
Dáng hình trầm mặc, cổ kính. Vẻ phong trần sương gió tựa tùng bách trong tranh thủy mặc xưa. Không đợi tới cành, những lá non tơ như lưỡi kiếm, những hoa thắm sắc hơn hoa hồng bật ra từ gốc và thân. Đào Thất thốn mê hoặc người chơi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Vẻ đẹp của Thất thốn, ngoài sắc đỏ thắm lạ lùng hơn sắc hồng nhung mà chưa bút nào tả xiết, còn ở cách đâm hoa. Khác với đào thường, hoa chỉ nở từ những cành nhỏ, Thất thốn nở hoa từ những trụ gốc xù xì, dáng cổ thụ, có cây, hoa nở kề mặt đất. Vì thế, người ta dễ liên tưởng, Thất thốn từ tranh thủy mặc mà vươn ra ngoài đời, những thứ cây khác không thể nào có được.
Lê Hàm bảo, dăm ba năm nữa, trước sau gì người Nhật Tân cũng biết hết về bí mật Thất thốn. Còn bây giờ, anh phải giữ nó cho riêng mình đã. Nhưng bỏ thời gian sống với nghệ nhân trồng đào này, tôi cảm nhận, đấy sẽ là bí mật anh đào sâu chôn chặt trong lòng, sống để dạ chết mang theo. Hoặc có thể sẽ là bí quyết chân truyền, chỉ duy nhất cho người kế nghiệp anh.
Ở Nhật Tân, Lê Hàm vẫn thuộc hàng con cháu so với lớp nghệ nhân trồng đào cao niên, nhưng độ say đào thì chẳng chịu kém ai. Định gắn đời với binh nghiệp, giải ngũ tận năm 26 tuổi, năm 1989, anh “mới” trồng đào được 22 năm thì 21 năm sống chết cùng Thất thốn. Suốt 21 năm trời, anh mới vài ba lần được “toại nguyện”. Năm 1994, không hiểu vì sao Thất thốn đồng loạt ra hoa, bẵng đi hơn chục năm trời, năm 2007 một cây Thất thốn duy nhất trổ một bông hoa. Dù chỉ một hoa, cũng bừng cho anh một niềm hy vọng, cũng đủ để gã đàn ông đã quá nửa đời người rơi nước mắt. Kỷ Sửu 2009, vài cây Thất thốn lại nở hoa, tin này khiến những người chơi đào kinh ngạc. Nhà văn Băng Sơn đã đạp xe lên Nhật Tân để tận mắt chứng kiến cảnh tượng những bông hoa Thất thốn bừng nở. Tết Canh Dần 2010, Thất thốn nở chưa từng thấy trong sau 21 năm anh chắt chiu, chăm bón.
Hoa nở, anh đếm từng ngày, 2009 Thất thốn nở đúng ngày cúng ông Công, ông Táo. 2010 hoa nở từ Rằm tháng Chạp. Sự đong đếm từng ngày, bởi không phải Thất thốn không nở hoa, mà nó vốn là thứ “hoa muộn”. Nó chỉ nở khi Xuân đã cạn ngày, vào độ Giêng, Hai, khi tất cả những loại đào bích, đào phai, đào bạch, đào vườn, đào đá… đã bắt đầu rữa cánh dưới nắng ngày Xuân cuối thì nó mới kiêu hùng khoe sắc. Bí mật là ở chỗ, Hàm bắt Thất thốn phải khai nhụy đúng ngày Xuân. Điều đến bây giờ, ngoài anh chưa ai làm được.
Cái Đẹp ngoài tầm với?
Không biết Thất thốn có tự bao giờ, nó vẫn tồn tại ở xứ đào Nhật Tân, cô độc riêng mình nơi góc vườn như một kẻ bị “ghẻ lạnh”, không vì xấu mà bởi kiêu kỳ, bất phục. Như người đẹp, nhưng xa lánh, bất tuân không chiều lòng thế chủ thì cũng đành để “khóa Xuân” một chỗ mà thôi.
Thứ hoa ám ảnh nỗi muộn Xuân, làm dai dẳng những suy tư, liên tưởng đến nhị Kiều bạc mệnh. “Đông phong bất dữ Chu lang tiện/ Đồng tước Xuân thâm tỏa nhị Kiều”.
Hoa Đào chỉ có ý nghĩa với dịp Tết, ngày Xuân, Thất thốn trễ hẹn, khi đã khai hoa thì cũng không người thưởng lãm. Như nỗi cô đơn, thấy hoa không thấy người đâu mà xưa Thôi Hộ và Nguyễn Du đồng cảm “Trước sau nào thấy bóng người/ Hoa đào năm ngoái còn cười gió Đông”. Cứ thế, Thất thốn mất dần đi, tàn lụi dần đi. Lê Hàm khiến ta nhớ đến một Marcel Proust cứ “đi tìm thời gian đã mất”, dù ai cho là gàn dở, bỏ công, bỏ đời làm điều không tưởng. Nhưng rồi, anh tìm thấy điều không tưởng ở chính cái lẽ sống của mình là cả cuộc đời dâng hiến cho hoa.
Chạm vào bí mật của đào Thất thốn
Như bao người Nhật Tân, Lê Hàm trồng rất nhiều đào, tới 7 sào Bắc bộ, vừa đất nhà, vừa đất thuê. Khi anh “ép” Thất thốn nở thành công, có nhiều người đến hỏi han. Anh dẫn họ ra những chậu Thất thốn để bâng quơ giữa cơ man nào là đào để họ nhìn ngắm, thỏa mãn. Nhưng tôi biết, bí quyết của anh không nằm ở những cây Thất thốn ấy.
Sau bữa cơm tối, làm chút rượu cho ấm người, chúng tôi ngồi uống nước trà bên hiên chòi. Gió cuối Đông thổi buốt, ánh trăng thượng tuần thanh lạnh của tháng Chạp chiếu chênh chếch, lơ thơ những vệt nhẹ hờ xuyên qua giàn gấc trước hiên chòi. Bất giác Hàm bảo muốn nói với tôi về đào Thất thốn, có chút hơi men chắc cảnh ấy khiến người ta muốn chia sẻ.
“Hang đào” nhân tạo - nơi Lê Hàm “ép” Thất thốn ra hoa |
Năm 1989, sau khi phục viên, tiền giải ngũ cộng với vay mượn, bao nhiêu vốn liếng anh dồn vào mua đào giống từ Sa Pa về trồng. Người ta trồng thì sống, anh trồng thì chết sạch. Trong vườn chỉ còn chơ vơ mấy gốc Thất thốn không tuổi, không biết đã đứng đấy tự bao giờ. Thứ đào kiêu kỳ, vương giả bậc nhất trong các loại hoa đào mà không ai “chinh phục” được. Sau thất bại, anh bỗng “cay”, mình sẽ làm cái người ta không làm được.
Anh lao vào đào Thất thốn, nhưng mọi cách từ tuốt lá, chiết, ghép, tỉa cành, khoanh gốc đều vô dụng. Hết Xuân đào mới kết nụ, nở hoa. Trước anh, nhiều người đã nản chí, họ bảo đừng cố gắng vô ích, về làm đào thường để kiếm cơm, không thì “chết đói”. Hàm vẫn bám trụ cùng Thất thốn, lúc này người ta bảo anh hâm, gàn dở. Cả chục năm trôi qua, thất bại vẫn hoàn thất bại.
“Căn phòng”, như hộp diêm nằm ngang, chỉ cao bằng đầu người, kín mít chỉ có vài lỗ thoáng phía đầu hồi. Phía trên là trần bằng tôn, có nhựa cách nhiệt với những thanh gỗ dày đụp làm giá đỡ. Hàm nhẹ nhàng bê tấm cửa sắt hàn tôn. Trong bóng tối lờ mờ, là hàng chục chậu đào Thất thốn xù xì, cổ quái. Hàm mỉm cười: “Tất cả bí mật để Thất thốn nở hoa đều nằm ở đây”.
Anh suy nghĩ lung lắm, thất bại bởi không ai biết gốc tích của đào Thất thốn, không biết gốc tích thì không biết cách chăm sóc, không có bí quyết. Cứ gần Xuân, anh bỏ lại vườn đào, lên đường tìm thân thế của Thất thốn. Cây trong vườn có, ắt hẳn trong rừng phải có, nhưng đào rừng vô tận, Hàm đi miết hết cánh rừng này đến cánh rừng khác ở miền Tây Bắc. Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang… đâu đâu anh cũng đến, ăn rừng ngủ lán “săn đào”. Có lúc, kiểm lâm tưởng anh là lâm tặc, có người tưởng anh là con buôn đi săn đồ cổ của đồng bào dân tộc, có người tưởng anh là kẻ đi săn vàng. Hàm không biết ngỏ cùng ai, nói đi “săn” hoa đào, người ta lại bảo “thằng hâm”.
Đã mấy mùa Xuân trôi qua, khi đào nở lại mò mẫm vào rừng, nhưng Hàm tuyệt nhiên không tìm thấy bông hoa đào nào giống hoa Thất thốn. Từ vách đá cheo leo, bên bờ suối hay đất đồi cằn cỗi, hoa đào đều khác, khác đến nhàm chán, đến nản lòng.
Một ngày, gần như muốn từ giã cuộc chơi, giữa cánh rừng đào của Sơn La (địa điểm cụ thể Hàm nói giữ bí mật), sau cuộc săn tìm, Hàm uể oải trèo vào vào một cái hang để nghỉ chân. Nền đất khô, xen kẽ những phiến đá, hang nhỏ thông ra phía sau núi, trần có những hốc thông thiên khiến ánh sáng chiếu vào. Hàm giật nảy mình, giữa luồng sáng chiếu từ trần hang xuống, một sắc đỏ thắm như nhói lên trong mắt. Anh tiến lại gần, một bông hoa và hai cái nụ như được dính vào một gốc cây xù xì. Nó giống hệt đào Thất thốn trong vườn nhà anh, không thể nhầm lẫn. Anh đào đất trong hang, hít hà để cảm nhận hơi ẩm, đo nhiệt độ, rồi Hàm cẩn thận đánh dấu lại địa danh ấy trên bản đồ, ngày hôm sau bắt xe về Hà Nội.Anh nhờ chuyên gia nông nghiệp phân tích, so sánh vi chất dinh dưỡng đất mẫu anh lấy về với đất bãi sông Hồng, và bắt tay vào gây dựng lại nghiệp đào Thất thốn. Hàm bảo, đấy là bí mật giúp anh khám phá ra cách “chinh phục” đào Thất thốn.
Mạnh Cường