Cảm hứng chiều tà trong tranh Đào Hải Phong
Với cách sử dụng màu sắc tạo ấn tượng mạnh, Đào Hải Phong đã thổi vào các bức tranh minh họa cho tác phẩm Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam những nét vừa thâm trầm, vừa mãnh liệt.
Cuối tuần qua, tại Đông A Gallery (115 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), đã diễn ra buổi giao lưu và ký tặng sách cho độc giả của Đào Hải Phong. Đồng thời, còn trưng bày và đấu giá trực tuyến bộ tranh minh họa này tại fanpage Đông A Gallery.
Nằm trong tủ sách văn chương và mỹ thuật của Đông A, cuốn sách là sự hòa quyện khéo léo giữa văn và họa, giữa quá khứ và hiện tại, khi người đọc có thể thả mình vào những trang viết từ gần một thế kỷ trước của Thạch Lam, đồng thời cũng có thể chiêm ngưỡng các bức họa mới của Đào Hải Phong.
Nguồn cảm hứng độc lạ đến từ buổi chiều tà
Nếu từng thưởng lãm tranh của Đào Hải Phong, ta sẽ thấy ngay sự khác biệt rõ rệt trong 17 tác phẩm được ra mắt vào thời điểm này. Không còn những mảng màu rực rỡ, trẻ trung, tươi tắn như các bức vẽ trước đây, loạt tác phẩm lần này như thể thay lời chính họa sĩ kể cho ta nghe về một con người khác trong dòng chảy sáng tạo nghệ thuật của ông, một con người ẩn chứa những cảm xúc sâu lắng, những chiêm nghiệm.
Đào Hải Phong chia sẻ, khi đọc những trang văn của Thạch Lam, ông cảm nhận được sự xúc động khi ngòi bút này viết về buổi hoàng hôn và ban đêm. Ông lại vô cùng thích cảm giác vào mỗi buổi chiều tà, là quãng thời gian con người ta “trũng” xuống sau một ngày mệt mỏi, là khoảnh khắc mỗi chúng ta sống thành thật với nhau hơn. Đây cũng là lúc ta cùng nhìn lại, ngẫm lại trong một ngày vừa trải qua những gì, sẽ có những chuyện vui buồn.
Trạng thái buổi chiều tà khiến họa sĩ cảm thấy nó ám ảnh con người nhất, đây cũng là lý do ông chọn khoảng thời gian này để phủ lên hầu hết các tác phẩm của mình một gam màu trầm. Kì lạ thay, màu trầm trong tranh của ông không đem lại cho người xem cảm giác sầu não hoặc buồn miên man. Ở đâu đó vẫn gợi lên những cảm xúc tích cực, thông điệp nhân văn. Dường như, qua các bức tranh đượm màu nhá nhem tối ấy, người họa sĩ đang muốn gửi gắm tới người xem một thông điệp đáng quý, giàu tính nhân văn về lòng chân thành giữa người với người.
Và đúng như Pablo Picasso từng nói: “Mục đích của nghệ thuật là rửa trôi bụi bặm của cuộc sống đời thường khỏi tâm hồn của chúng ta”, tranh của Đào Hải Phong bằng cách nào đó đã gột rửa những bụi bặm trong tâm hồn người xem, để hướng ta cái chân - thiện - mỹ.
Với tư cách là một người thưởng thức các bức họa, gây ấn tượng nhất đối với tôi là bức tranh Trở về, minh họa cho tác phẩm cùng tên trích trong tập truyện ngắn Gió đầu mùa của Thạch Lam. Họa sĩ chia sẻ thời gian lúc này không còn lắng đọng vào buổi chiều tà như những bức tranh khác, mà có sự dịch chuyển tới ban đêm. Dẫu là ban đêm, nhưng bức tranh của ông không mang đến cho người xem cảm giác tăm tối, lạnh lẽo như trong truyện, mà điểm xuyết vào đó là ánh đèn từ đoàn tàu đang xình xịch tiến tới, từ những ngôi nhà nằm bên kia đường ray, để cho người xem có sự lạc quan hơn. Dẫu các hình ảnh như con người, sự vật được thể hiện trong không gian bao trùm bởi màn đêm, nhưng thứ ánh sáng được ông đưa vào tranh của mình đã khiến toàn bộ khung cảnh trở nên ấm áp hơn và có thêm sức sống.
Họa sĩ cũng thật tài tình khi đưa vào bức tranh là hình ảnh đoàn tàu hơi nước mang nét cổ kính, hoài niệm, để đưa người xem, nhất là với những bạn trẻ hiếm có dịp được chiêm ngưỡng đoàn tàu tương đối cổ này, quay về với thời đại của Thạch Lam.
Theo ông quan niệm, mỗi tác phẩm văn học đều mang đến cho mỗi họa sĩ một cách nhìn khác nhau, chứ không đơn nhất. Trong nghệ thuật, đấy được gọi là sự tác dụng tương hỗ. Nếu một tác phẩm nghệ thuật chỉ nhìn được một chiều, theo cách chủ quan, đấy chưa phải hay. Đấy mới là sứ mệnh của nghệ thuật, đấy mới là con đường mà ông theo đuổi.
Góc nhìn từ những người thưởng thức tranh
Theo anh Ngô Quang Minh, từ xưa cho tới nay, khi nhắc về phố phường Hà Nội, người yêu tranh sẽ nhớ ngay đến các bức họa của danh họa Bùi Xuân Phái. Tranh của cố họa sĩ khắc họa lại thời kì ông sống. Ngôn ngữ biểu đạt trong tranh mang góc nhìn của thời đại cách ngày nay chúng ta sống mấy chục năm. Đến lúc lớn lên, con phố nơi ta gắn bó có nhiều thay đổi, phát triển, có cả những sự du nhập đầy mới mẻ. Vậy nên, chất của phố trong tranh của Bùi Xuân Phái, anh không còn được nhìn thấy tận mắt, hay được cảm nhận trực tiếp nữa. Khi thưởng tranh của họa sĩ Đào Hải Phong, anh thấy có cảm giác gần gũi hơn với anh, với những tháng ngày sinh sống ở mảnh đất này. Điều đặc biệt mà anh còn cảm nhận được trong tranh của Đào Hải Phong, có sự sinh động, khỏe khoắn như thế hệ của anh và cả con trai anh.
Cũng có những đánh giá gần giống với anh Ngô Quang Minh, anh Nguyễn Đức Tiến cũng nhận định màu sắc trong tranh của Đào Hải Phong rất trẻ, rất mạnh. Phong cách này được họa sĩ giữ trong suốt mấy chục năm nay. Nên người yêu tranh dễ nhận ra phong cách riêng của Đào Hải Phong. Còn đứng ở góc độ một người thưởng thức sách, anh cho rằng việc đưa các bức tranh minh họa vào tác phẩm văn học là một điều tích cực, vì qua đây, bạn đọc không chỉ được đọc sách mà còn được ngắm tranh, mở rộng nhãn quan của mỗi người vừa cảm thụ về văn học, vừa cảm thụ về mỹ thuật.
- Hoạ sĩ Đào Hải Phong: Không 'bán' tranh mà 'bán' một phong cách nghệ thuật
- Họa sĩ Đào Hải Phong và 'Lối Phong' được đúc kết sau 30 năm sự nghiệp
- Họa sĩ Đào Hải Phong: 'Xe máy chẳng thể theo chúng ta mãi'
Đồng điệu trong tình yêu
Đào Hải Phong chia sẻ, văn chương thì không thuộc quyền sở hữu riêng của bất cứ họa sĩ minh họa nào. Một tác phẩm hay thì được rất nhiều họa sĩ khai thác, mỗi người lại khai thác trên một khía cạnh của tác phẩm đó.
Là một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên ông thấy mình có sự đồng điệu trong tình yêu dành cho thành phố này giống như Thạch Lam.
Ông đã tưởng tượng ra bối cảnh thời đại mà cố nhà văn sinh sống, kết hợp lăng kính của một người họa sĩ đương thời. Văn chương Thạch Lam đi vào những thân phận nghèo khổ, nhưng cố nhà văn không biến họ trở nên hèn mọn, mà lại khiến người đọc thêm yêu các nhân vật trong những trang văn ấy. Đây là điều mà họa sĩ phải ngợi khen cái tài trong ngòi bút Thạch Lam. Và nếu để ý kĩ sẽ thấy trong tranh của ông phảng phất nét đượm buồn, nhưng lại không bi quan, mà hiện diện sự kiêu hãnh, đầy sinh khí.
Như vậy, bằng tình yêu với Hà Nội, cùng với cá tính riêng trong hội họa, Đào Hải Phong đã thể hiện thành công các bức tranh minh họa cho ấn phẩm Gió đầu mùa & Hà Nội băm sáu phố phường.
Nguyễn Phúc Nam Dương