Cải lương kết hợp với xiếc kể chuyện về Mẫu Liễu Hạnh
(Thethaovanhoa.vn) - Vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu do Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam phối hợp dàn dựng dựa trên huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh – đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu, là một trong bốn vị thánh bất tử (Tứ bất tử) của người Việt.
Đây là tác phẩm thứ hai trong dự án Huyền sử Việt. Vở diễn đem lại cho khán giả sự hiểu biết đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam với tinh thần tôn vinh các vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Cải lương và xiếc kể chuyện về Thánh Mẫu
Sau thành công của vở diễn Cây gậy thần, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam lại tiếp tục "bắt tay" nhau cùng dựng vở mới Thượng Thiên Thánh Mẫu.
Theo truyền thuyết, Mẫu Liễu Hạnh vốn là con gái của Ngọc Hoàng thượng đế, bà đã nhiều lần giáng trần cứu nhân độ thế, giúp đỡ dân lành, truyền dạy nghề cùng những khúc hát văn cho người dân, được nhân dân tôn thờ. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn sắc phong là "Mẫu nghi thiên hạ", "Chế Thắng Hòa Diệu đại vương". Cuối đời, bà quy y cửa Phật rồi thành đạo, hiển linh làm Mã Vàng Bồ Tát.
Vở Thượng Thiên Thánh Mẫu mở màn với cảnh một nhóm bạn trẻ của thời hiện đại đang chơi đùa, bỗng dưng bị cuốn vào một cơn lốc xoáy như "hố đen" của không gian, trở về quá khứ, chứng kiến nhiều lần Mẫu Liễu Hạnh giáng trần giúp dân trong những hình hài khác nhau.
Ê kíp sáng tạo chia sẻ, truyền thuyết về những lần Mẫu Liễu Hạnh giáng trần rất nhiều nhưng ê kíp sáng tạo lựa chọn 3-4 tích để đưa lên sân khấu như: Khi bà đầu thai làm con gái Thái Công, Thái Bà - một gia đình nho giáo, có học thức và khá giả; khi bà giáng làm cô chủ quán xinh đẹp trên đèo Ngang; lần bà xuất hiện ở Tây Hồ Phong Nguyệt; chiến đấu với Tiền Quân Thánh…, giúp đỡ dân chúng, trừng trị kẻ ác…
Xem Thượng Thiên Thánh Mẫu, khán giả sẽ thấy sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính ước lệ, mềm mại của sân khấu cải lương với sự trực diện, mạnh mẽ của sân khấu xiếc. Hai loại hình nghệ thuật tưởng như đối lập nhau này, khi kết hợp đan xen đã bổ trợ cho nhau, tạo nên một tổng thể nghệ thuật hài hòa, tinh tế. Ở đó, nghệ thuật cải lương kể câu chuyện về những lần giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh, còn nghệ thuật xiếc với nhiều trò diễn đã góp phần làm câu chuyện trở nên sinh động, lôi cuốn và hấp dẫn hơn. Câu chuyện huyền tích về Thượng Thiên Thánh Mẫu lần lượt hiện ra qua những phân cảnh, lớp lang trong vở diễn. Từ cảnh các bạn trẻ trở quá khứ, đến cảnh Thái Bà sinh hạ Thánh Mẫu, cảnh Giáng Tiên chia biệt Đào Lang về thiên giới; cảnh hội quần tiên trên thiên giới lý giải tại sao Thánh Mẫu giáng trần; cảnh Thánh Mẫu diệt kẻ ác nhân nơi Tây Hồ Phong Nguyệt bảo vệ công lý; cảnh Thánh Mẫu quyết chiến với Tiền Quân Thánh để bảo vệ chúng dân…
Có thể nói, sự kết hợp khéo léo, tài tình giữa nghệ thuật cải lương, kỹ năng diễn xiếc cùng với hiệu ứng công nghệ, âm thanh, ánh sáng… đã mang đến một vở diễn hấp dẫn, ấn tượng với công chúng, điều mà nếu chỉ đơn thuần nghệ thuật cải lương hay xiếc sẽ khó mà thể hiện được. Trong vở diễn này, nghệ thuật xiếc với những màn đu quay, đưa diễn viên bay, nhảy… đáp ứng được yêu cầu mang tính huyền thoại và truyền thuyết của nhân vật. Những tình huống "biến hóa" bất ngờ của câu chuyện như cảnh Thánh Mẫu bay về trời, dùng phép thuật để trừng trị kẻ ác… đã được nghệ thuật xiếc hỗ trợ tối đa, giúp nghệ thuật cải lương kể câu chuyện về Thánh Mẫu Liễu Hạnh chân thực, huyền ảo, nhưng đầy tính nhân văn, hướng thiện, giáo dục con người tu nhân tích đức, có trách nhiệm với đất nước, dân tộc…
Vở diễn Thượng Thiên Thánh Mẫu có sự kết hợp tinh túy và hòa quyện giữa hai loại hình nghệ thuật cải lương và xiếc, mang đến cho khán giả một tác phẩm nghệ thuật có tính giải trí cao, vẫn đậm chất trữ tình và đầy tính triết lý cũng như tư duy của sân khấu đương đại.
Khán giả sẽ được thưởng thức những lớp diễn ngập tràn cảm xúc, vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại. Không gian và thời gian được kéo đẩy bằng hình ảnh các bạn trẻ thời nay trở về quá khứ, hòa mình vào câu chuyện về những cuộc tái sinh luân kiếp duyên nợ trần ai của Thánh Mẫu, giúp khán giả có cảm nhận đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và sự khởi tạo nên đạo Mẫu Việt Nam với tinh thần tôn vinh những vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đồng thời, vở diễn cũng góp thêm một tiếng nói mang tính xây dựng và góc nhìn tích cực về tín ngưỡng thờ mẫu trong văn hóa của người Việt Nam.
Đột phá trong sáng tạo nghệ thuật
Vở "Thượng Thiên Thánh Mẫu" do một ê kíp hùng hậu, gồm các nghệ sỹ nổi tiếng dàn dựng, trong đó có hai đạo diễn là Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên - Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Anh Tú đảm nhiệm phần sáng tác âm nhạc. Nghệ sỹ Ưu tú Doãn Bằng thiết kế mỹ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Kim Chung biên đạo múa, Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long hát văn…
Kịch bản Thượng Thiên Thánh Mẫu do tác giả Lê Thế Song – Xuân Hồng phối hợp xây dựng. Hai tác giả đã chắt lọc những câu chuyện, tình huống từ các lần giáng trần của Mẫu Liễu Hạnh để đưa vào kịch bản.
"Viết về Thánh Mẫu rất khó, bởi các câu chuyện về Mẫu quá nhiều người biết, việc chắt lọc những câu chuyện, lần xuất hiện điển hình nhất của Mẫu để đưa vào kịch bản cũng là cả một vấn đề. Rất may chúng tôi có sự đồng hành của hai đạo diễn tài năng, cùng sự tư vấn, giúp sức của ê kíp sáng tạo và hoàn thành được vở diễn này", tác giả Lê Thế Song chia sẻ.
Ở Thượng Thiên Thánh Mẫu, hai đạo diễn tiếp tục khẳng định sự sáng tạo đột phá, sự phối kết hợp ăn ý, khi các mảng miếng của đạo diễn cải lương Triệu Trung Kiên và trò diễn mang tính sáng tạo ly kỳ của đạo diễn xiếc Tống Toàn Thắng đã tạo nên sức cuốn hút của tác phẩm xuyên suốt vở diễn. Những tinh hoa của nghệ thuật cải lương như các điệu lý, các câu vọng cổ các lớp diễn trữ tình được Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên khai thác triệt để. Những trò diễn đặc sắc của xiếc như bay trên không, ảo thuật nâng người, xoay người trên trục được Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng áp dụng hoàn hảo trong từng không gian và hoàn cảnh của tác phẩm.
Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng chia sẻ, chưa có một tác phẩm nào mà ê kíp dàn dựng lại vất vả, kỳ công như với vở diễn này. Khởi công dàn dựng từ tháng 4/2021, nhưng phải tới tận tháng 1/2022 vở diễn mới được ra mắt. Nguyên nhân chính là do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các nghệ sỹ phải thực hiện giãn cách xã hội, rồi cách ly do mắc COVID-19… Dù rất vất vả, nhưng các nghệ sỹ của cả hai nhà hát không bỏ cuộc, vẫn kiên trì vượt khó để sáng tạo, dàn dựng tác phẩm.
Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên cho biết, đây là vở thứ hai trong dự án Huyền sử Việt mà hai đơn vị hợp tác dàn dựng, nên lần này, hai đạo diễn đã không còn áp lực. "Cái đích mà chúng tôi hướng tới là làm nổi bật nội dung của vở diễn, kể sâu hơn câu chuyện về Mẫu Liễu Hạnh và "khoe" được những sáng tạo đặc trưng nổi bật của hai loại hình nghệ thuật. Chúng tôi rất mừng vì nghệ sỹ của cả hai đơn vị nghệ thuật đều cảm thấy hào hứng, chờ đón tác phẩm ra đời. Hy vọng sang năm mới, Việt Nam sẽ ngăn chặn được dịch COVID-19 và nghệ sỹ chúng tôi có thể khoe những tác phẩm mà chúng tôi đã dành tất cả tâm huyết sáng tạo với khán giả", Nghệ sỹ Nhân dân Triệu Trung Kiên bày tỏ.
- Vở diễn 'Cây gậy thần': Ngỡ ngàng cải lương lồng xiếc!
- Độc đáo vở cải lương - xiếc 'Cây gậy thần'
- Kết hợp nghệ thuật xiếc và cải lương trong vở diễn 'Cây gậy thần'
Theo nhà nghiên cứu, soạn giả Thế Khoa, trong tác phẩm này, hầu đồng, cải lương, xiếc đã hòa điệu tự nhiên trong một tổng thể để cùng tôn nhau lên, mang đến cho khán giả một tác phẩm sân khấu đẹp, trữ tình, bay bổng và linh thiêng. Theo nhà nghiên cứu Thế Khoa, "Huyền sử Việt" đã tìm được hình thức sân khấu thể hiện xứng đáng và hấp dẫn nhất.
Nghệ sỹ Nhân dân Vương Hà, thành viên của Hội đồng nghệ thuật thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, ông thực sự cảm phục ê kíp sáng tạo nên tác phẩm này. Qua tác phẩm, nghệ sỹ của cả hai đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp đã tự khám phá được nội lực bản thân để tạo nên nhiều bất ngờ đầy thú vị.
Đặc biệt các nghệ sỹ cải lương được tham gia vào các trò diễn của nghệ thuật xiếc, các nghệ sỹ xiếc cũng được tham gia vào các lớp thoại và diễn của kịch bản mà vẫn đầy tính chuyên nghiệp. Hai đạo diễn đã mạnh dạn đưa một số giá hầu đồng vào vở diễn và giới thiệu cho khán giả thẩm nhận được không gian và các nhân vật trong Tứ Phủ một cách mềm mại và sống động...
Có thể nói, qua hai tác phẩm Cây gậy thần và Thượng Thiên Thánh Mẫu, các đạo diễn, ê kíp sáng tạo và nghệ sỹ của hai đơn vị nghệ thuật đã chứng tỏ sức sáng tạo không giới hạn của các nghệ sỹ với nghệ thuật. Và điều này mang đến cho những người yêu sân khấu Việt quyền hy vọng, rằng sân khấu Việt sẽ tiếp tục phát triển và cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật đầy sự mới mẻ và hấp dẫn trong tương lai.
Phương Lan/TTXVN