A+ A A- Kiểu đọc sách

Các dự án đường sách tại Việt Nam: Lý giải sự vắng khách của Phố sách Hà Nội

19:08 18/01/2018
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - Phố sách Hà Nội khai trương ngày 1/5/2017 nhưng gần đây lại rơi vào tình trạng đìu hiu, có nguy cơ phải đóng cửa. Vì sao lại có câu chuyện này?

Ngày 27/12/2017, trong một thông tin công khai, ông Nguyễn Cảnh Bình (Chủ tịch HĐQT Công ty Alpha Books) cho biết: trong 2 -3 tháng đầu tiên doanh số của họ từ 200 - 300 triệu đồng/1 tháng, nhưng mấy tháng gần đây chỉ còn dưới 70 triệu đồng/1 tháng. Nhưng với Alphabooks thì doanh số chưa phải là điều đáng lo lắng nhất, mà cơ chế hoạt động mới đáng lo hơn.

Thiếu nhà quản lý chuyên tâm về sách

Vài nhân viên của các nhà sách khác tại Phố sách Hà Nội (muốn giấu tên) cho biết: doanh thu 70 triệu đồng/ tháng của Alpha Books đã là cao, của họ còn thấp hơn.

“Phố sách hiện tại chưa thực sự có một đơn vị hay một ban quản lý điều hành đúng nghĩa, am hiểu về sách và hoạt động xuất bản, có khả năng kết nối các đơn vị tham gia tại đây, cũng như các đơn vị xuất bản, phát hành… trong những hoạt động chung cũng như chuyên sâu để phát triển văn hóa đọc” - trong đề xuất mô hình quản lý mới, Alphabooks viết.

Chú thích ảnh
Phố sách Hà Nội đang nhiều khó khăn.

Trả lời báo giới, bà Khúc Thị Hoa Phượng (Giám đốc NXB Phụ nữ) nói: “Mô hình quản lý Phố sách Hà Nội đang có quá nhiều đầu mối. Mặc dù chúng ta có ban quản lý phố sách nhưng mà chúng ta cũng còn có Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, chúng ta còn có quận, chúng ta còn có phường sở tại”.

“Phố sách Hà Nội nằm ngay trung tâm thành phố, bao quanh là các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh..., đây là một lợi thế rất tốt để phát triển. Để hoạt động hiệu quả thì theo tôi đơn vị quản lý trực tiếp cần đột phá hơn nữa để phát huy được lợi thế của mình" - ông Vũ Trọng Quân (đại diện First News), nhận xét.

"Họ cần có những phương án hỗ trợ để giảm bớt áp lực về chi phí cho các đơn vị xuất bản tham gia, khuyến khích các đơn vị này đẩy mạnh việc đầu tư quảng bá, tổ chức các sự kiện giao lưu về sách, các sự kiện bổ trợ, đội ngũ bảo vệ cũng cần thân thiện hơn… " – ông nói thêm – "Tôi thấy mô hình hoạt động của Đường sách TP.HCM đang rất hiệu quả, năng động và sáng tạo, đáng để Phố sách Hà Nội tham khảo”.

Nên thay đổi thế nào?

“Đây là hệ quả từ cách làm có phần duy ý chí. Hà Nội đã nổi tiếng trong ngoài nước về phố sách Đinh Lễ - Nguyễn Xí, chỗ đó lại nằm trong khu vực Hồ Gươm, giờ thành khu đi bộ cuối tuần, thật là một không gian văn hóa, du lịch, giải trí, tiện cho khách đến với sách" – nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên phân tích thêm – "Bỏ một địa chỉ đã thành thương hiệu nổi tiếng, lập ra một chỗ mới mà điều hành lại theo kiểu hành chính cứng nhắc, thì người tiêu dùng tất sẽ so sánh và chọn cái hay, cái tiện, cái quen thuộc hơn.”

Trao đổi với TT&VH, nhà văn Lê Anh Hoài cũng đồng tình với cái sự hơi "duy ý chí" được nhắc tới. Theo lời ông, Phố sách Hà Nội được lập ra sau khi Đường sách TP.HCM đã vận hành và bước đầu thành công. Nhưng dường như Hà Nội không học theo những kinh nghiệm của TP.HCM, ít lưu ý tới vấn đề thị trường mà thiên về việc tạo sự khẳng định của văn hóa Thủ đô.

"Việc 16 nhà sách có mặt ở đây gửi đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng xin thành lập Công ty Phố sách Hà Nội theo mô hình doanh nghiệp xã hội phi lợi nhuận, đề nghị thành lập ban điều hành với sự tham gia của những người am hiểu về xuất bản; thành lập nhóm chuyên trách làm truyền thông... là những việc dù muộn, nhưng còn hơn không” - nhà văn Lê Anh Hoài thẳng thắn.

Còn Nhà văn Đỗ Phấn thì cho rằng Phố sách Hà Nội bán giá cao quá, nghĩa là cơ chế giảm giá chưa hấp dẫn. Ông nói: “Con gái tôi ra mua một lần thấy đắt hơn Đinh Lễ khá nhiều, nên từ đó qua Đinh Lễ mua. Hơn nữa, theo tôi thì người Hà Nội vốn không dễ mặn mà với những chỗ mới. Như ăn phở vậy. Tại sao Phố sách Hà Nội không đặt ngay khu phố Đinh Lễ?”.

Đường sách thứ 2 tại TP.HCM

Trong năm 2018, TP.HCM dự kiến khai trường đường sách thứ hai trên trục đường Nguyễn Đổng Chi (phường Tân Phú, quận 7). Đường sách này sẽ gồm 20 gian hàng sách và quán cà phê, với cơ chế hoạt động giống Đường sách TP.HCM hiện tại. Nếu đường sách thứ 2 này - nằm khá xa trung tâm - cũng thành công thì chứng tỏ mô hình điều hành hữu hiệu, chứ không phải do “ăn may” vào các điều kiện khách quan.

Các dự án đường sách tại Việt Nam (Kỳ 2): Mở đường sách liệu có dễ?

Các dự án đường sách tại Việt Nam (Kỳ 2): Mở đường sách liệu có dễ?

Hoàn toàn có thể nói, Đường sách TP.HCM đã tạo được hiệu ứng, nên nhiều địa phương muốn tổ chức mô hình tương tự. Đi vào hoạt động đã có Phố sách Hà Nội khai trương ngày 1/5/2017.

Văn Bảy - Văn Đồng

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...