Ca khúc 'My Generation' của The Who: Lạc lối giữa cõi đời
(Thethaovanhoa.vn) - My Generation, ngay từ ý niệm ban đầu, đã đặt mình vào một lằn ranh nguy hiểm: Giữa 1 bên có tất cả và 1 bên không có gì. Nhưng đáng nói hơn, đây không phải vùng đệm an ninh giữa 2 kẻ thù mà ngược lại, giữa những người đáng lẽ phải yêu thương nhau, trong cùng một gia đình, một xã hội.
“Hi vọng tôi sẽ chết trước khi già đi”, một câu trong My Generation, nằm trong số những khẩu hiệu rock được ưa chuộng nhất mọi thời đại. Nhiều người dùng nó theo nghĩa đen mà không biết, nó chỉ là ẩn dụ cho nhiều nỗi niềm sâu xa hơn.
Con giun
“Mọi người muốn đánh gục chúng tôi. Chỉ bởi thấy chúng tôi lảng vảng trước mặt. Thứ họ thấy thật tởm. Đây là thế hệ của tôi”. Bởi nỗi gì mà Pete Townshend- thành viên The Who - phải thốt ra những lời đau đớn tới vậy trong My Generation?
Có nhiều huyền thoại quanh sự hình thành của My Generation. Điều chắc chắn duy nhất là nó sinh ra trong khoảng thời gian Pete Townshend buộc phải làm 1 chuyến tàu hỏa đi từ London tới Southampton.
Chuyện gì đã xảy ra trong quãng thời gian ngắn ngủi đó?
Một ẩn ức thầm kín trỗi dậy. Chàng trai 20 tuổi Townshend khi đó cô đơn cùng tận, cảm thấy mình không thuộc về thế giới này nữa. Cảm giác lạc lõng thật cay đắng bởi Townshend đang phải sống cuộc đời 2 mặt, thường mây mưa đồng tính lén lút trong khi đồng thời phải nỗ lực thuyết phục mọi người xung quanh rằng mình là trai thẳng. Đồng tính luyến ái vẫn còn bị coi là bất hợp pháp tại Anh vào thời điểm đó (và 2 năm sau, nhạc sĩ trẻ bị kết tội vì chuyện vượt quá khả năng kiểm soát của anh). Một mình trên chuyến tàu, Townshend thấy mình là kẻ bị ruồng rẫy, hoàn toàn không hòa hợp được với xã hội này.
Một huyền thoại khác, trực tiếp hơn, liên quan tới Vương mẫu hậu (Elizabeth, mẹ nữ hoàng Elizabeth II). Chuyện là, nhà của Townshend nằm giữa cung đường từ Dinh Clarence với Điện Buckingham mà Vương mẫu hậu đi qua mỗi ngày. Anh có một chiếc xe Packard Hearse đời năm 1935 thường cho đậu trước nhà. Một ngày nọ, chiếc xe biến mất khó hiểu.
“Một ngày tôi quay lại và thấy nó đã mất” - Townshend nhớ lại. “Tôi sợ rằng nó bị đánh cắp nhưng khi đi trình báo thì cảnh sát nói rằng nó bị kéo đi. Hóa ra là nó bị giam theo yêu cầu của Vương mẫu hậu. Bà đi qua nó mỗi ngày và than thở rằng nó khiến bà nhớ tới đám tang người chồng quá cố. Hóa đơn lấy lại xe là 200 bảng, số tiền lớn đến ngớ ngẩn… Tôi đồng ý và phẫn uất dâng tặng My Generation cho Vương mẫu hậu”.
Chính vì phải đi lấy xe mà Townshend đã bắt chuyến tàu định mệnh đi từ London tới Southampton đó.
Nhưng vẫn còn một câu chuyện nữa.
Trong lần bộc bạch gần đây, năm 2019, Townshend kể: “Có tin đồn rằng tôi lấy cảm hứng từ chuyện Vương mẫu hậu giam chiếc xe Packard Hearse đậu trước nhà tôi đi, nhưng không thật sự là vậy. My Generation được lấy cảm hứng từ thực tế rằng tôi cảm thấy, với tư cách nghệ sĩ, chúng tôi phải vẽ lằn ranh giữa những người phải tham gia vào Thế chiến II với những người được sinh ra ngay sau khi chiến tranh kết thúc”.
“Những người đã hy sinh cho chúng tôi rất nhiều, nhưng họ không thể cho chúng tôi bất kỳ thứ gì. Không chỉ dẫn, không cảm hứng. Thật sự không có gì. Chúng tôi không được phép gia nhập quân đội, chúng tôi không được phép lên tiếng, chúng tôi phải câm lặng và tận hưởng hòa bình… Và chúng tôi quyết định không làm vậy” - người sáng tạo kết luận.
Vậy đâu mới là câu chuyện thật sự? Có lẽ là cả 3. Những đè nặng từ nhiều phía đã dần tích tụ lại và cuối cùng, bùng nổ trong chuyến tàu từ London tới Southampton. Một con giun bị xéo mãi cũng quằn.
Đập vỡ cây đàn
My Generation được phát hành dưới dạng đĩa đơn vào ngày 29/10/1965. Không chỉ nội dung gai góc, âm nhạc của ca khúc cũng gặp nhiều sóng gió. Ca khúc gần như không được lên sóng phát thanh vì bị BBC cấm với lý do nó có thể gây khó chịu cho những người bị nói lắp.
Đúng là phần lớn ca khúc có giọng nói lắp. Tuy nhiên, đây không phải chủ ý ban đầu của Townshend. Có thông tin rằng anh đã được truyền cảm hứng hát theo lối nói lắp sau khi nghe Stuttering Blues của John Lee Hooker. Hoặc giọng ca của The Who Roger Daltrey đãgợi ý hát lắp nghe giống như giọng tay chơi phê thuốc.
Tuy nhiên, nhà sản xuất Shel Talmy khẳng định đây chỉ là một “tai nạn đáng mừng”. Theo đó, Daltrey đã thú thật rằng mình chưa tập hát ca khúc trước buổi thu âm và rất lo sợ vì không thể nghe thấy chính giọng mình qua monitor. Tình trạng hát lắp xảy ra khi anh cố đuổi nhạc, hát khớp lời nhất có thể. Thế nhưng khi nghe, The Who lại thấy thú vị và quyết định giữ lại. Tiếng nói lắp, cùng với không khí ca khúc, vô tình lại mang cảm giác như một nỗi uất nghẹn, sau bao năm kìm nén tới tưởng tắt tiếng, nay đã sổ tung ra.
Sau khi ca khúc trở nên quá phổ biến, BBC buộc phải xuống nước, và My Generation càng tràn lên như vũ bão, càn quét các BXH. Hiện nay, nó lại được coi là vật báu của Quỹ nói lắp! Thú vị, chồng của Vương mẫu hậu, Vua George VI, nổi tiếng là một người nói lắp!
Các yếu tố nhạc cụ của My Generation cũng đặc biệt đáng chú ý. Nó có thể coi là 1 trong những bản solo bass đầu tiên lịch sử nhạc rock. Chỉ riêng giai điệu của ca khúc đã đưa nó lên vị trí tiên phong của phong trào punk rock đình đám về sau.
- Album 'Who' của The Who: Không hoàn hảo một cách… hoàn hảo
- Ban nhạc rock The Who lên kế hoạch kỷ niệm 50 năm thành lập
- The Who tổ chức tour diễn cuối cùng
Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nét nổi bật nhất ở My Generation vẫn nằm ở ca từ. Đương thời, nó chính là bao quát tình hình xã hội ở Anh thập niên 1960. Thế hệ của Townshend, người sinh ra ngay sau chiến tranh, rơi vào tình trạng tuyệt vọng lạ lẫm khi bị cho ra rìa thế giới đang thay đổi ở tốc độ ánh sáng và ca khúc này là cách The Who tuyên bố họ là một phần quan trọng của sự thay đổi mô hình cấp tiến đang diễn ra. Nhưng theo thời gian, ca khúc không chỉ là biểu tượng cho thế hệ sinh ra sau Thế chiến II, mà là đại diện cho tất cả những tiếng nói yếu thế, ở mọi thời đại.
Câu “Hy vọng tôi sẽ chết trước khi già đi” được trích dẫn ồn ào suốt lịch sử. Nhưng cũng chính câu nói này đã gây ra nhiều hiểu lầm. Đối với thế hệ cha ông, My Generation là sự khinh miệt với trước những giá trị truyền thống, sự thiếu tôn trọng với cuộc sống, sự chế nhạo trước kinh nghiệm và trí tuệ đi cùng tuổi tác. Các con của họ muốn được chết trẻ để không phải biến thành những người già giáo điều ư? Như để tăng thêm sự xúc phạm, các buổi biểu diễn My Generation thường kết thúc bằng màn đập vỡ cây đàn.
Thực tế, như giải thích từ Townshend, từ “old” (già), thật ra có nghĩa là “rich” (giàu). Với anh, đó không phải là để chỉ trích giới tiền bối mà là nhằm vào “những ai đã đạt được mọi thứ rồi nhìn xuống những người đang lần từng bậc thang với ánh mắt như muốn đá vào mặt họ”.
Quả thật là bi kịch khi chính bản thân mình thay đổi, mất hết những nhiệt huyết, khát khao tìm tòi để trở thành một người hợm hĩnh với cái nhìn tù túng. Tất nhiên, thay đổi luôn là con dao 2 lưỡi và giới trẻ khi cất tiếng hát My Generation, hát vì cái tôi của mình, cần phải biết cái tôi ấy thật sự sở hữu điều gì.
“My Generation” – thánh ca trong cuộc chiến giành cái tôi của giới trẻ:
Giúp The Who trở thành huyền thoại My Generation khi vừa ra mắt chỉ đạt tới No.2 tại Anh, vị trí cao nhất của The Who tại quê hương, cùng với I’m A Boy năm 1966, và No.74 tại Mỹ. Theo thời gian, ca khúc được nhìn nhận hơn cả về mặt giai điệu và ca từ. Rolling Stone xếp nó đứng thứ 11 trong danh sách 500 Ca khúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll cũng đánh giá nó là một trong 500 Ca khúc định hình rock and roll. “My Generation là nỗ lực hết mình để tìm được một vị trí trong xã hội” - theo Townshend. “Tôi đã vô cùng, vô cùng lạc lối. Ban nhạc khi đó còn rất trẻ. Tương lai của nó bị cho là sẽ rất ngắn ngủi”. Thay vào đó, My Generation đã trở thành chiếc vé để The Who trở thành huyền thoại như ngày nay. |
Thư Vĩ (Tổng hợp)