Bức tranh 'Ivan the Terrible' bị tấn công: Khó như bảo vệ kiệt tác mỹ thuật
(Thethaovanhoa.vn) - Vụ phá hoại kiệt tác Ivan the Terrible tại phòng trưng bày Tretyakov ở Moskva (Nga) vừa diễn ra vài ngày trước, khi một khách du lịch say rượu dùng một thanh kim loại lấy từ hàng rào an ninh để đập vỡ kính bảo vệ và làm hỏng kiệt tác của họa sĩ Nga Ilya Repin.
- 500 năm kiệt tác 'Mona Lisa': 'Bí hiểm' nhất lịch sử nghệ thuật
- Tranh cãi quanh bức 'Mona Lisa thời trẻ': Kiệt tác hay tranh chép vụng về?
- Pháp sẽ bán ‘Mona Lisa’ để trả nợ?
Tatyana Gorodkova, giám tuyển Phòng trưng bày Tretyakov, mô tả hành động phá hoại này là "một bi kịch".
Mất bò mới lo làm chuồng
Và, lập tức, phòng trưng bày Tretyakov cho biết họ sẽ xem xét việc bán rượu trong khuôn viên phòng trưng bày. Được biết, trước khi có hành động phá hoại, du khách đã uống một ly vodka.
Gorodkova còn cho biết phòng trưng bày sẽ tính tới việc thuê các chuyên gia tâm lý để giúp "lọc" ra những khách tham quan nguy hiểm tiềm tàng trong tương lai.
Ivan the Terrible là một trong những bức tranh nổi tiếng nhất nước Nga và được các giám tuyển mô tả là "ngang hàng" với kiệt tác Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Bức tranh mô tả vua Ivan (1533-1584) của nước Nga, người thường được biết đến với những cái tên Ivan Bạo Chúa, Ivan Lôi Đế, Ivan Khủng Khiếp, bế trong tay cậu con trai đã chết sau khi ông giết hoàng tử trong một cơn giận dữ. Bức tranh đươc vẽ theo một số tư liệu lịch sử.
Theo Gorodkova, nội dung của bức tranh có lẽ đã khiến du khách say rượu kia nổi khùng, khi anh ta hét lên rằng Ivan bạo chúa không giết con trai mình vậy. Thực tế, nhiều sử gia tin rằng Hoàng tử chết vì bị bệnh, và đây cũng là quan điểm phổ biến trong số những người Nga theo chủ nghĩa dân tộc.
Cảnh sát Nga đã bắt giữ người đàn ông ngay sau vụ tấn công. Bộ Nội vụ Nga còn đăng tải một video ghi âm lời khai của thủ phạm. "Tôi tới phòng trưng bày khoảng 8h tối, ngồi uống cà phê. Khi chuẩn bị rời quán, tôi đã uống một chút rượu. Tôi không thường xuyên uống vodka và hành động này xảy ra vào thời khắc bất ngờ".
Thứ trưởng Bộ Văn hóa Nga Vladimir Aristarkhov khẳng định vụ việc này sẽ là một minh chứng về việc cần ngăn chặn tình trạng phá hoại các tác phẩm văn hóa trong tương lai.
"Bộ Văn hóa đang yêu cầu áp dụng hình phạt nặng nhất với người đàn ông đã làm hư hại bức tranh" - Aristarkhov nói.
Theo bộ luật hiện hành của Nga, nhiều khả năng người đàn ông này sẽ phải chịu 3 năm tù, nhưng nhiều quan chức cho biết có thể quốc hội sẽ tăng mức án phạt cho các trường hợp tương tự trong tương lai.
"3 năm chẳng thể so sánh được với giá trị của bức tranh này" - Aristarkhov nói thêm.
Đây không phải là lần đầu tiên bức tranh Ivan the Terrible bị tấn công. Hồi năm 1913, một người đàn ông tâm thần tên là Abram Balashov đã dùng dao rạch bức tranh và hét: "Chết chóc đủ rồi, máu me đủ rồi".
Thật may mắn là thời điểm đó họa sĩ Repin vẫn còn sống và ông đã phục chế bức tranh, nhưng người giám tuyển của Phòng trưng bày, Gregory Khruslov, đã lao mình vào tầu hỏa sau khi nghe tin về vụ việc này.
Ivan the Terrible là một trong những bức tranh gây căng thẳng cảm xúc nhất của danh họa Repin. Nhiều người cho rằng đôi mắt của Ivan Bạo Chúa khiến người xem có thể phát điên. Sa hoàng Alexander III thậm chí còn ghét bức tranh này đến mức đã cấm trưng bày tranh trong nhiều tháng sau khi ra mắt.
Trộm tranh quý dễ ợt...
Câu chuyện của Ivan the Terrible khiến nhiều người liên tưởng tơi số phận của hàng loạt kiệt tác mỹ thuật khác – dù chúng thường bị đánh cắp, thay vì phá hoại.
Điền hình, kiệt tác Mona Lisa từng biến mất sau khi một người Italy tên là Vincenzo Peruggia đã lấy bức tranh từ bảo tàng Louvre ở Paris. Ăn mặc giống nhân viên trong bảo tàng Louvre, nên Peruggia có thể giấu bức tranh dưới chiếc áo khoác của mình. Bức chân dung nổi tiếng nhất thế giới này được tìm thấy năm 1913 sau khi một nhà buôn nghệ thuật đã báo với cảnh sát.
Hoặc, bức chân dung Jacques III de Gheyn của danh họa Hà Lan Rembrandt còn lập kỷ lục bị đánh cắp tới 4 lần từ Phòng trưng bày Dulwich ở Anh, lần lượt vào các năm 1966, 1973, 1981 và 1986. May mắn là giới chức đều tìm lại được bức tranh sau mỗi lần bị đánh cắp.
Trong khi đó vụ trộm 13 bức tranh từ Bảo tàng Isabella Steward Gardner năm 1990 hiện vẫn là một bí ẩn. Hai người đàn ông ăn mặc như cảnh sát đã đột nhập vào bảo tàng và lấy đi các bức tranh, trong đó có Chez Tortoni của Edouard Manet và Concert của Jan Vermeer. Hiện trên tường bảo tàng vẫn treo những khung tranh trống.
Một năm sau đó, một người đàn ông đã nhốt mình vào một phòng tắm trong bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam (Hà Lan). Sau đó, với sự trợ giúp của một người trông coi bảo tàng, hắn lấy được 20 bức tranh, trong đó có bức Self portrait with Easel của Van Gogh. Tuy nhiên, chỉ 1 giờ sau, cảnh sát đã thu hồi được "chiến lợi phẩm" từ một chiếc ô tô và những tên trộm đã bị bắt vài tháng sau đó.
Năm 2003, bức tranh Madonna of the Yarnwinder của danh họa Phục hưng Leonardo da Vinci, trị giá 76 triệu USD, đã bị đánh cắp từ lâu đài Drumlanrig ở Scotland hồi năm 2003. Hai tên trộm giả danh là du khách, tới triển lãm rồi chế ngự nhân viên an ninh và tẩu thoát cùng bức tranh quý giá. Bức tranh này được phát hiện trong một cuộc tấn công bất ngờ ở Glasgow hồi năm 2007.
Việt Lâm (tổng hợp)