Bình chọn '100 cuốn sách nên đọc' (Kỳ 2): Nhóm sách phát triển bản thân dẫn đầu
Từ đầu tháng 4, việc bình chọn “100 cuốn sách nên đọc trong đời” của Omega Plus (thuộc Alpha Books) đã được phát động. Để rồi, sau gần 3 tháng triển khai, một số kết quả ban đầu đã hiện hữu: 7 trong số những đầu sách được bình chọn đã được xuất bản, đồng thời, 10 đầu sách tiếp theo dự kiến sẽ ra mắt trong tháng 6 này.
1. Cụ thể, dự án gắn với việc thành lập “Tủ sách đời người” và hướng tới việc thu thập ý kiến đóng góp, đề xuất của độc giả qua mạng internet với mục đích tinh tuyển tối thiểu 100 cuốn sách hội tụ các các tiêu chí: có giá trị lâu bền đã được thời gian khẳng định; gần gũi với đại chúng, dễ tiếp nhận; được thiết kế có hệ thống nương theo nhu cầu các giai đoạn phát triển của đời người; hướng tới trở thành tủ sách cơ bản trong các gia đình người Việt…
Đáng nói, cuộc bình chọn này không giới hạn ngôn ngữ gốc, quốc gia hay thời điểm ra đời và đặt mục tiêu xuất bản toàn bộ các cuốn sách được bình chọn từ độc giả. Độc giả cũng được khuyến khích tạm bình chọn theo 7 nhóm sách, bao gồm sách thiếu nhi, văn học thế giới, văn học Việt Nam, self-help (phát triển bản thân), văn hóa - giáo dục, lịch sử - tư tưởng, phong tục - lối sống. Ngoài phần bình chọn này, dự án có sự tư vấn, phản biện, đóng góp của ban cố vấn chuyên môn là những học giả, nhà nghiên cứu có trải nghiệm và hiểu biết về văn hóa đọc của người Việt.
Như thông tin từ phía Omega Plus, sau tháng đầu tiên phát động, kết quả thu về của dự án khá khả quan với khoảng gần 35.000 lượt bình chọn và gần 2.000 đầu sách được đề cập. Thống kê và phân tích sơ bộ của dự án cho thấy các độc giả bình chọn ở độ tuổi từ 13 tới 66 tuổi, trong đó có tuổi 15 tới 30 chiếm tỷ lệ tới 70%.
Về tỷ lệ sách được đề cử, nhóm sách phát triển bản thân dẫn đầu với 21%, tiếp theo lần lượt là lịch - sử tư tưởng (19%), thiếu nhi (15%), văn học Việt Nam (13%), văn học thế giới (13%), văn hóa - giáo dục (13%) và phong tục - tập quán (6%).
2. Không có gì khó hiểu khi mảng sách văn học (gồm cả văn học thiếu nhi, văn học thế giới, văn học trong nước) được quan tâm đề cử nhiều nhất với 39% tổng số đầu sách đề cử và 50% tổng số lượt bình chọn. Trong đó, nhiều cuốn sách kinh điển, liên tục được nhắc tới như Truyện Kiều, Đôn Kihôtê, Không gia đình, Túp lều bác Tôm, Những người khốn khổ, Tam quốc diễn nghĩa… Ngược lại, có cả những độc giả đề cử các bộ truyện tranh như Doraemon hoặc những bộ sách có tuổi đời tính bằng thế kỷ.
Theo phân tích của Omega Plus, danh mục sách, đặc biệt là sách văn học, do độc giả lựa chọn tương đối tập trung, chủ yếu xoay quanh những ấn phẩm quen thuộc đã khẳng định giá trị theo thời gian hoặc mới được xuất bản trong khoảng 10 - 20 năm gần đây nhưng được độc giả yêu thích. Điển hình, đó là các sách có nội dung phiêu lưu khám phá, bồi đắp nhân cách, tâm hồn, tái hiện bối cảnh xã hội ở các giai đoạn lịch sử quan trọng…
Đặc biệt, nhiều cuốn sách văn học mới được xuất bản trên thế giới như Harry Potter (J. K. Rowling) hay Chú bé mang pyjama sọc (John Boyne), Chiến binh cầu vồng (Andrea Hirata) và một số cuốn mới được dịch và xuất bản ở Việt Nam như Cây cam ngọt của tôi (José Mauro de Vasconcelos), Khu vườn bí mật (Frances Burnett)… cũng được quan tâm đề cử. Ngược lại, độc giả cũng vẫn dành sự quan tâm đáng kể đối với tác phẩm văn học trong nước như Truyện Kiều, Số đỏ, Dế mèn phiêu lưu ký, hay các tác phẩm văn học đương đại như Cánh đồng bất tận (Nguyễn Ngọc Tư) hoặc các tác phẩm gần đây của Nguyễn Nhật Ánh…
Trong khi đó, các đầu sách phát triển bản thân (nhóm sách được đề cử nhiều nhất) chủ yếu là sách dịch từ nguồn Âu - Mỹ, được xuất bản gần đây ở Việt Nam, tập trung vào các chủ đề truyền cảm hứng sống, bồi đắp tâm hồn, tư duy tích cực, sách về cách đối nhân xử thế, giao tiếp xã hội, phát triển nghề nghiệp. Các nhóm sách lịch sử - tư tưởng; văn hóa - giáo dục được đề cử chủ yếu là sách trong nước, sách về tư tưởng phương Đông. Một số độc giả cũng đề cử những cuốn sách khó, chuyên sâu về văn hóa - tư tưởng như Lịch sử tư tưởng Trung Quốc (Anne Cheng), Súng, vi trùng và thép (Jared Diamond)… Còn sách về phong tục - tập quán, là nhóm ít được đề cử nhất, tập trung vào sách trong nước.
3. “Các sách được đề cử, lựa chọn cho thấy độc giả quan tâm đến những tác phẩm có nội dung, thông điệp phù hợp với xu hướng và giá trị thời đại” - ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books cho biết - “Có thể, một số cuốn sách được bình chọn trong thời gian qua sẽ gây tranh cãi. Nhưng tôi nghĩ đó là điều phổ biến, thậm chí là tín hiệu tích cực ở mọi cuộc bình chọn gắn với văn hóa đọc”.
Theo thông tin của Omega Plus, các kết quả bình chọn trong từng giai đoạn sẽ được đơn vị này cập nhật. Để rồi, cùng với sự tư vấn và phản biện từ ban cố vấn, một số sách lượng sách nhất định từ danh sách bình chọn sẽ được xuất bản trong từng quý.
Cụ thể, vào tháng 4, 7 cuốn sách đầu tiên của “Tủ sách Đời người” bao gồm Truyện cổ Nước Nam (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, gồm 2 quyển), Truyện Ngụ ngôn Aesop, Thơ Ngụ ngôn La Fontaine, Truyện cổ Dân gian Nga, Truyện Kiều và Gia Lễ Chỉ Nam đã được phát hành. Trong tháng 6 này, đợt sách thứ 2 sẽ được xuất bản dự kiến gồm 10 cuốn, trong đó có Truyện dân gian Do Thái, Không gia đình (Hector Malot), Cổ học tinh hoa (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Trần Lê Nhân), Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính), Khuyến học (Fukuzawa Yukichi).
10 cuốn sách tạm dẫn đầu bình chọn Theo Omega Plus, 10 cuốn sách tạm được bình chọn nhiều ở đợt thống kê đầu tiên gồm Việt Nam phong tục (Phan Kế Bính); Đại Việt sử ký toàn thư (Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên); Truyện Kiều (Nguyễn Du); Khuyến học (Fukuzawa Yukichi); Những người khốn khổ (Victo Hugo); Đôn Kihôtê (Cervantes); Chí Phèo (Nam Cao); Không gia đình (Hector Malot); Việt Nam sử lược (Trần Trọng Kim); Số đỏ (Vũ Trọng Phụng). |
(Còn tiếp)
Hoàng Nguyên