(TT&VH) - Tháp đồng hồ Big Ben nổi tiếng ở thủ đô London, Anh, đang nghiêng rất mạnh về một phía. Giới quan sát nói rằng nếu tình trạng không được ngăn chặn thì sẽ đến ngày công trình biểu tượng này bị đổ sập. Tất nhiên, ngày đó còn rất xa.
Tờ Daily Mail dẫn lời các chuyên gia xây dựng nói rằng Big Ben đang lún dần ở phần móng của nó. Nhưng sự lún diễn ra không đều, với phần phía Bắc sụt xuống nhanh hơn phía Nam, qua đó gây ra hiện tượng nghiêng.
Lệch gần nửa mét so với tâm
Hiện tượng nghiêng của Big Ben giờ đã có thể quan sát bằng mắt thường |
Vấn đề đã được đổ lỗi do hàng thế kỷ qua người Anh đã xây quá nhiều công trình xung quanh phần móng của Big Ben. Chúng gồm một tuyến cống dẫn nước thải xây dựng hồi năm 1860 và một gara đậu xe ngầm dành riêng cho các nghị sĩ Anh xây trong những năm 1970.
Khi xây dựng tuyến đường tàu điện ở dưới lòng London trong giai đoạn 1990, người ta đã dùng nhiều kỹ thuật đặc biệt để đưa các khối bê tông tới bao bọc xung quanh phần móng của Big Ben, nhằm đảm bảo sự an toàn cho ngọn tháp.
Tuy nhiên cuộc khảo sát gần đây nhất cho thấy tốc độ nghiêng của Big Ben không chậm lại mà còn tăng lên. Việc khảo sát hoàn tất năm 2009, nhưng báo cáo mới vừa được Quốc hội Anh cung cấp cho báo chí.
Báo cáo nói rằng trong khoảng thời gian từ tháng 11/2002 tới tháng 8/2003, khi các ông nghị tranh cãi nảy lửa về việc có tấn công quân sự Iraq hay không, một sự kiện “bí ẩn” đã khiến tháp đồng hồ bị nghiêng đi, với mặt đồng hồ di chuyển sang hướng xa tâm thẳng đứng khoảng 3,3mm. Không ai biết rõ vì đâu Big Ben lại đột ngột nghiêng lớn tới vậy.
Từ năm 2003, các thiết bị giám sát cho thấy hoạt động nghiêng của Big Ben đã diễn ra đều đặn 0,9mm mỗi năm, so với trước đó là 0,65mm mỗi năm. “Dữ liệu cho thấy xu hướng nghiêng mới bắt đầu từ năm 2003” - báo cáo kết luận. Hiện tòa tháp đang nghiêng về phía Tây Bắc một góc 0,26 độ, nghĩa là đỉnh tháp lệch tâm thẳng đứng tới 435mm. Tuy nhiên mức độ nghiêng này vẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Để tiện so sánh, tháp nghiêng Pisa lệch so với tâm thẳng đứng tới 4 độ.
John Burland, một nhà nghiên cứu về Big Ben ở Đại học Hoàng gia London đánh giá: “Sự nghiêng của Big Ben giờ đã rõ. Bạn có thể thấy sự nghiêng này nếu đứng ở Quảng trường Nghị viện và nhìn sang hướng Đông, tới phía con sông. Tôi đã nghe thấy nhiều du khách tìm tới ngọn tháp chụp ảnh và thốt lên rằng “ngọn tháp trông có vẻ không đứng thẳng - thực tế họ đánh giá khá chính xác”.
4.000 năm nữa mới đáng lo?
Theo từ điển trực tuyến Wikipedia, Big Ben tên đầy đủ là Tháp đồng hồ của cung điện Westminster là một cấu trúc tháp đồng hồ ở mặt Đông Bắc của công trình Nhà quốc hội ở Westminster, London, Anh. Mặc dù được biết đến rộng rãi với cái tên Big Ben, nhưng thực ra, tên này chính là tên của cái chuông đặt bên trong tháp. Tháp còn hay bị gọi nhầm là St. Stephen’s Tower.
Tháp này được đưa là một phần của thiết kế của Charles Barry cho một tòa lâu đài mới, sau khi Lâu đài Westminster bị hỏa hoạn phá hủy đêm 16 tháng 10 năm 1834. Mặc dù Barry là kiến trúc sư trưởng nhưng ông lại nhờ kiến trúc sư nổi tiếng Augustus Pugin thiết kế tháp đồng hồ. Đây cũng là mẫu thiết kế cuối cùng của Pugin trước khi ông bị điên và chết. Bản thân Pugin từng nhận xét về đứa con tinh thần cuối của mình như sau: “Đời tôi chưa có lúc nào lại mất nhiều nỗ lực tới vậy, để ngày mai tôi có thể hoàn tất việc thiết kế tháp đồng hồ và nó thật sự rất đẹp đẽ”.
Tòa tháp được thiết kế theo phong cách Gothic Revival nổi tiếng của Pugin và cao tổng cộng 96,3m. 61m đầu tiên của kết cấu là tháp đồng hồ, bao gồm gạch xây phủ đá; phần còn lại chiều cao của tháp là cơ cấu hình chóp bằng gang. Móng rộng 15x15m, bê tông dày 3m, sâu 7m dưới đất. Trọng lượng tháp 9.553 tấn. Bốn mặt đồng hồ cao 55m trên mặt đất.
Các mặt đồng hồ của Big Ben đủ lớn để nó từng nổi tiếng với cái tên “chiếc đồng hồ bốn mặt lớn nhất thế giới”. Chiếc đồng hồ và cấu trúc mặt số của nó được Augustus Pugin thiết kế. Mỗi mặt của chiếc đồng hồ được đặt vào trong một khối đá hình vuông có cạnh dài 7m, cũng là giá đỡ 312 miếng kính trong suốt. Xung quanh mặt đồng hồ được khắc những đường viền tạo thành một chiếc khung. Cạnh dưới của khung ở mỗi mặt đồng hồ có khắc dòng chữ Latinh: “DOMINE SALVAM FAC REGINAM NOSTRAM VICTORIAM PRIMAM” có nghĩa là : “Xin chúa hãy bảo vệ cho nữ hoàng Victoria đệ Nhất của chúng con”. Hoạt động của chiếc đồng hồ này nổi tiếng về độ chính xác.
Mặc dù là một trong những điểm thu hút du khách nổi tiếng nhất thế giới, phần trong tháp Big Ben lại không mở cửa cho du khách tham quan. Những ai có vinh hạnh được vào ngắm bên trong tháp sẽ phải leo bộ 334 bậc cầu thang đá để lên tới đỉnh.
Do điều kiện nền đất yếu nên Big Ben đã có xu hướng nghiêng về phía Tây Bắc. Tuy nhiên việc tốc độ nghiêng tăng nhanh đột ngột và không có sự giải thích khiến nhiều người lo ngại về khả năng tòa tháp nổi tiếng này có thể bị sập đổ. Song giới phân tích đã trấn an dư luận, nói rằng ngay cả khi tăng tốc như hiện nay, Big Ben vẫn cần tới 4.000 năm mới có thể đạt độ nghiêng bằng tháp Pisa. “Nếu tốc độ nghiêng tăng mạnh lên trong thời gian tới, chúng ta chắc chắn sẽ phải hành động. Còn với mức độ hiện nay, tôi nghĩ chúng ta có thể yên tâm thêm được vài năm nữa” - ông John Burland nhận xét.
Gia Bảo (Theo Daily Mail)