Ngày ấy, cuối những năm 1980, khi tôi chưa đầy 10 tuổi và bắt đầu biết nghe nhạc, phương tiện nghe nhạc duy nhất của tôi là chiếc loa công cộng của khu tập thể. Tôi như bị cuốn tan vào Nơi đảo xa mỗi khi Đài Tiếng nói VN phát sóng, một cảm giác thật gần gũi, mộc mạc, chân thành và chất chứa tình yêu đôi lứa, quê hương cứ đan trộn. Thú vị nhất là, khi nghe có thể cảm nhận được cái dập dềnh của sóng nước, cái nhịp điệu lúc dồn dập, lúc lại đều đặn ở đoạn hai của ca khúc. Quả là một sự sáng tạo nghệ thuật tài tình.
Nhạc sĩ Thế Song viết Nơi đảo xa khá bất ngờ. Năm 1979, một dịp ông cùng nhạc sĩ Phạm Tịnh đi thực tế sáng tác tại các đồn biên phòng vùng Đông Bắc. Trên đường về dừng chân ở Km 8 thành phố Hạ Long, đúng trạm sửa chữa tàu biển số 48 của bộ đội hải quân. Biết có hai “nhạc sĩ ở trung ương”, anh em đơn vị mời bằng được ở lại chơi. Nhạc sĩ và chiến sĩ cùng chia sẻ nhiều điều. Nhạc sĩ mới thấu hiểu, ở cái thời điểm khó khăn đó ai cũng vất vả nhưng bộ đội hải quân sự vất vả còn ở cấp số nhân. Những chiến sĩ ngày đêm nơi hải đảo canh giữ biển trời quê hương, thiếu thốn đủ đường, chủ yếu họ sống bằng niềm tin và tình cảm từ những lá thư từ đất liền. Những câu chuyện ấy cứ bám riết trong suy nghĩ của nhạc sĩ Thế Song, vậy là chỉ trên đoạn đường từ Hạ Long về Hà Nội, Nơi đảo xa ra đời.
Nhạc sĩ Thế Song (phải) cùng chiến sĩ trên đảo Trường Sa lớn
Về tới Hà Nội, Thế Song lập tức mời Tiến Thành tới nhà tập và buổi thu được tiến hành sau đó. Nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi, Phó chủ tịch Hội Nhạc sĩ VN, kể lại lúc đó anh chưa đến 20 tuổi, đang học Nhạc viện Hà Nội nhưng đã cộng tác trong dàn nhạc của đài và chính anh hôm đó chơi piano trong dàn nhạc. “Tác phẩm nghe lần đầu đã hay rồi. Càng nghe càng thấy hay, quý nhất là nhạc sĩ đã “chộp” được giai điệu âm nhạc mở vào ca khúc rất tự nhiên lại tràn đầy tình cảm con người với quê hương đất nước: Nơi anh đến là biển xa, nơi anh tới ngoài đảo xa. Từ mảnh đất quê ta giữa đại dương mang tình thương quê nhà. Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa, ngàn bão tố phong ba đã vượt qua vượt qua…”.
Theo nhạc sĩ Khôi, cái hay ở chỗ ca khúc viết về đề tài chiến sĩ nhưng không đi theo mô-típ quen thuộc với âm hưởng hào hùng hoặc theo nhịp hành khúc mà lại mở đầu bằng chất tự sự theo khuynh hướng nhạc nhẹ lúc bấy giờ mới bắt đầu thai nghén ở miền Bắc. Quá thú vị với điều này, ngay sau buổi thu âm, Phạm Ngọc Khôi lập tức đạp xe từ nhà ở Nguyễn Khuyến sang nhà nhạc sĩ Thế Song ở Tôn Đức Thắng. Hai chú cháu trò chuyện về Nơi đảo xa trọn một đêm cho đến tận sáng hôm sau. Không lâu sau đó, khi Nơi đảo xa được phát sóng đã được khán thính giả đón nhận và nhanh chóng lan rộng, đồng thời trở thành một trong những bài truyền thống của hải quân.
2. Ngoài Nơi đảo xa, Thế Song còn sáng tác nhiều ca khúc, trong đó phải kể tới Bài ca trên đỉnh Pò Hèn ông viết ca ngợi nữ anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm hy sinh khi tuổi đời mới chỉ đôi mươi. Thời bình chị là một mậu dịch viên thuộc ngành thuế Quảng Ninh, nhưng trong khi đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc tháng 2/1979 chị đã anh dũng chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hy sinh ngay tại đỉnh Pò Hèn. Qua sự thể hiện của NSND Lê Dung, Bài ca trên đỉnh Pò Hèn một thời rất phổ biến nhưng về sau vì nhiều lý do mà ca khúc đã không còn được phổ biến.
Gần đây, cộng đồng mạng post những ca khúc cách mạng vang bóng một thời trong đó có Bài ca trên đỉnh Pò Hèn. Thế Song cũng có những ca khúc thiếu nhi được yêu thích một thời như Em yêu mến anh bộ đội, Trồng hoa trên mộ liệt sĩ… Riêng về biển, ông có một chùm ca khúc, nhưng có lẽ vì cái bóng Nơi đảo xa quá lớn bao trùm lên toàn bộ sáng tác của ông, nên cứ nhắc tới Thế Song là chỉ Nơi đảo xa!
Nhạc sĩ Thế Song (áo kẻ) trên tàu ra Trường Sa năm 1995
Có một kỷ niệm gắn với ca khúc sẽ không thể nào quên với những ai may mắn được một lần ra Trường Sa. Nơi đảo xa cũng tựa như đảo ca; đặc biệt anh em vẫn gọi vui là ca khúc “đón tàu”. Hễ có tàu từ đất liền chuẩn bị cập bến anh em trên đảo sẽ bật ngay Nơi đảo xa qua hệ thống loa phóng thanh để chào đón. Kể từ khi bài hát được phổ biến, gần như đi đến đâu nhạc sĩ Thế Song cũng được yêu cầu hát Nơi đảo xa.
Nhạc sĩ Thế Hiển, biên tập âm nhạc Đài Truyền hình VTC, con trai út nhạc sĩ Thế Song cho biết: “Năm 1959 bố tôi về công tác tại Đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói VN trong vai trò một ca sĩ, sau đó chuyển sang biên tập. Trước năm 2008 vẫn còn khỏe, đi đến đâu ông cũng có thể tự hát”. Dẫu ngay sau khi chào đời Nơi đảo xa đã phổ biến khắp các đảo ở Trường Sa, nhưng phải 16 năm sau Thế Song mới có dịp tới nơi đây. Và đó cũng chính là kỷ niệm khiến ông xúc động nhất.
Thế Hiển kể: “Năm 1995, bố tôi ra thăm Trường Sa. Khi đó đảo Trường Sa Lớn chưa có cầu cảng, tàu phải đỗ cách mấy trăm mét, anh em chiến sĩ đã lội ra và cứ 2 người công kênh một người vào. Biết có tác giả Nơi đảo xa các chiến sĩ đã công kênh nhạc sĩ Thế Song đầu tiên trong tiếng nhạc và lời ca của chính ca Nơi đảo xa.
Nhạc sĩ từng trải qua một đợt điều trị tai biến mạch máu não lần hai kéo dài 25 ngày tại Bệnh viện 108. Trong suốt thời gian nằm viện, người điều trị cho ông là bác sĩ trẻ Nguyễn Quang Lĩnh. Khi biết bệnh nhân chính là tác giả Nơi đảo xa, vị bác sĩ trẻ sửng sốt: “Em rất hân hạnh được điều trị cho bác, từ lâu rồi em rất thích bài hát của bác”.
3. Hơn 30 năm trôi qua, nhưng Nơi đảo xa chưa bao giờ “già” đi trong lòng công chúng. Thế Hiển cho biết gia đình anh cho đến giờ không thể nhớ hết có bao nhiêu ca sĩ đã hát Nơi đảo xa, nhưng anh cũng thừa nhận, bố anh ưng cách thể hiện của Tiến Thành nhất. Hiện nay, ca sĩ chiếm được cảm tình phải kể tới Tùng Dương, Trọng Tấn và Anh Bằng, với 3 phong cách khác nhau, đúng sở trường từng giọng hát. Anh Bằng đậm màu thính phòng, giọng hát cứng rắn, đầy chất thép nhưng vẫn tình, còn cảm nhận đâu đó bóng dáng của Tiến Thành, mộc mạc, bồi hồi và thiết tha. Trọng Tấn thể hiện theo phong cách nhạc đỏ vừa trữ tình vừa hào sảng. Còn Tùng Dương, giọng hát nhạc nhẹ đầy nội lực có một chút phá cách đã thổi hơi thở mới hút người nghe.
Thế hệ nối tiếp thế hệ, cũng trong dịp này cả hai cha con nhạc sĩ Thế Song - Thế Hiển cùng có tác phẩm được giới thiệu trong chương trình nghệ thuật Tự hào biển đảo Việt Nam nằm trong khuôn khổ chương trình “Sinh viên với biển đảo Tổ quốc năm 2014” diễn ra tại Phú Quốc từ 15-18/5. Của con là Gửi biển còn của cha, tất nhiên vẫn là Nơi đảo xa. Đặc biệt, Tùng Dương và Trọng Tấn đã quyết định cùng hát Nơi đảo xa trong live show Tùng Dương hát tình ca tại Cung văn hóa Hữu Nghị. Phần song ca giữa hai giọng hát “đỉnh” của hai dòng nhạc khác biệt đã tạo thêm điểm nhấn bất ngờ cho ca khúc và sẽ tiếp tục chinh phục trái tim khán giả.
Nguyễn Quang Long
Kỷ niệm sinh nhật, thay vì tổ chức các đêm nhạc hay tiệc tùng, nam ca sĩ Tùng Dương chọn cách tri ân các “tiền bối”. Anh dành một ngày thăm nhạc sĩ Phạm Tuyên, Doãn Nho, Thế Song và thắp hương nhạc sĩ An Thuyên.