A+ A A- Kiểu đọc sách

Bế mạc Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017: 'Đã thật sự đi vào chiều sâu của guitar cổ điển'

15:00 13/11/2017
loading...

(Thethaovanhoa.vn) - 17h chiều 12/11, hòa nhạc From Villa-Lobos to John Lennon đã khép lại Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017 sau 5 ngày diễn ra tại Nhạc viện TP.HCM.

Kết thúc hòa nhạc này là phần phát giải Cuộc thi Guitar 2017 và lễ bế mạc Liên hoan.

Paulo Inda - nghệ sĩ đặc biệt của Liên hoan

Lần này, BTC xây dựng chương trình tập trung vào chủ đề như: Một vòng thế giới, Âm điệu châu Âu, From Villa-Lobos to John Lennon… giúp khán giả có điều kiện để thưởng thức âm nhạc tiêu biểu của một giai đoạn, một trường phái hoặc chùm tác phẩm của một tác giả…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Paulo Inda (Brazil) biểu diễn 12 preludes của H.V.Lobos. (Hình: Quang Sơn)

Ngoài những tác phẩm kinh điển thuộc các tác giả quen thuộc của guitar cổ điển như Heitor Villa-Lobos, Francisco Tarrega… năm nay nhiều tác phẩm mới thuộc âm nhạc hiện đại thế kỷ 20, 21 được biểu diễn như: Americana của John Duarte (1919-2004), Saudade No.3 của Roland Dyens (1955-2016), Milonga del Angel của Astor Piazzolla (1921-1992), 4 pièces brèves của Frank Martin (1890-1974)…

Đặc biệt, với kỹ thuật hoàn hảo, tiếng đàn có uy lực, nhưng rất phóng túng mang đầy chất ngẫu hứng của một nghệ sĩ Nam Mỹ, Paulo Inda (Brazil) đã biểu diễn 12 preludes của Heitor Villa-Lobos mang lại nhiều cảm xúc thú vị cho người nghe.

Trong đó có những bản như Etude số 2 chạy hợp âm rải tốc độ nhanh, liên tục kéo dài từ phím 1 đến phím cao nhất của đàn guitar. Hoặc Etude số 3 với kỹ thuật coulé (luyến tay trái), đặc biệt là coulé hợp âm cần nhiều thể lực, nhất là ở tốc độ cao, nghệ sĩ Paulo Inda đã cho thấy trình độ lão luyện của mình. Việc biểu diễn toàn bộ 12 preludes này được xem là lần đầu tiên có một nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam, trước đây chưa từng có ai biểu diễn, bởi độ khó của những etudes này.

Nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy, Phó BTC Liên hoan cho biết: “Liên hoan không mang tính phong trào mà đã thật sự đi vào chiều sâu của nghệ thuật guitar cổ điển”.

Về phía khán giả, Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017 không có lượng khán giả đông đảo như các buổi nhạc pop, nhạc trữ tình hiện nay. Nhưng với không gian phòng hòa nhạc của Nhạc viện TP.HCM (khoảng 400 chỗ ngồi) luôn có những khán giả hào hứng với guitar (kể cả những buổi thi của Cuộc thi Guitar trong khuôn khổ Liên hoan), khá nhiều nghệ sĩ được khán giả vỗ tay “bis” phải biểu diễn thêm ngoài kế hoạch.

Đặc biệt, trong Liên hoan lần này có nhiều khán giả “trung thành” không bỏ một buổi diễn nào, trong đó tiêu biểu là ông “khách Tây” và 2 nhóm khán giả, một đến từ Bến Tre và một đến từ Gia Lai.

Tuy nhiên, điều mà Liên hoan chưa làm được là bên cạnh những khán giả mới, Liên hoan chưa lôi kéo được hết lượng khán giả khá đông đảo tại TP.HCM quen thuộc với CLB Guitar Phú Nhuận trước đây.

Chú thích ảnh
Khán giả hào hứng vỗ tay sau phần trình diễn của nghệ sĩ Paulo Inda

Phát hiện nhiều guitarist triển vọng

Như đã thông tin, trong khuôn khổ Liên hoan năm nay còn có Cuộc thi Guitar 2017. Đánh giá về cuộc thi, nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy, Phó BTC phụ trách chuyên môn cho biết: “Cuộc thi năm nay được xem là thành công về chất lượng thí sinh và số lượng thí sinh tham gia. Cách chọn bài, được xem là một chuyển biến tích cực khi có nhiều thí sinh chọn những tác phẩm mới (của các tác giả quen thuộc) hoặc chọn nhiều tác phẩm đương đại của thế kỷ 21. Trong đó, tiêu biểu là thí sinh Nguyễn Cảnh Hiếu (Hà Nội, bảng A) chọn nguyên chương trình thi là những tác phẩm đương đại và thể hiện rất ấn tượng được ban giám khảo khen ngợi”.

Cũng theo nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy: “Qua cuộc thi, cho thấy nhiều tài năng triển vọng, nếu được chuẩn bị và đầu tư đúng mức, họ hoàn toàn có thể tham gia các cuộc thi tranh tài với các nghệ sĩ trong khu vực”.

Ở Việt Nam hiện nay có 3 địa phương có truyền thống mạnh về guitar, đó cũng là nơi có nhạc viện, học viện âm nhạc đào tạo guitar cổ điển: TP.HCM, Huế và Hà Nội. Qua Cuộc thi Guitar 2017 lần này, các thí sinh đến từ Hà Nội tạo được ấn tượng lớn ở các bảng A và B. Thí sinh Hà Nội giành 2 giải Nhì của Bảng A; giải Nhất, Nhì, Ba của Bảng B. Đặc biệt, thí sinh 15 tuổi Nguyễn Trần Phương (Hà Nội) tham dự cả 2 bảng A và B đã đoạt giải Nhì ở cả 2 bảng này. Đây là thí sinh được ban giám khảo đánh giá là có rất nhiều triển vọng trong số các thí sinh triển vọng của cuộc thi này.

Điều đáng tiếc của năm nay là việc bố trí phòng tập luyện cho thí sinh chưa được tốt và do không có nhiều tài trợ nên giải thưởng của cuộc thi còn khiêm tốn. Dự kiến sang năm 2018, cuộc thi sẽ mở rộng đến các thí sinh các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Kết quả Cuộc thi Guitar 2017

Bảng A

- Giải Nhất: Trần Quang Huy (TP.HCM)

- 2 giải Nhì: Nguyễn Duy Quốc Anh (Hà Nội) và Nguyễn Trần Phương (Hà Nội)

- Giải KK: Lê Ngọc Niển (TP.HCM) và Nguyễn Cảnh Hiếu (Hà Nội)

Bảng B

- Giải Nhất: Nguyễn Thanh Thảo (Hà Nội)

- Giải Nhì: Nguyễn Trần Phương (Hà Nội)

- Giải Ba: Nguyễn Hoàng Minh (Hà Nội)

- Giải KK: Nguyễn Tân Khang (TP.HCM) và Võ Hoàng Long (TP.HCM)

Bảng C

- Giải Nhất: Võ Xuân Quang (Quảng Ngãi)

- 2 giải Ba: Ngô Kiến Tài (TP.HCM) và Phùng Minh Huy (TP.HCM)

- Giải KK: Đặng Công Thành (Cần Thơ) và Trần Gia Hân (TP.HCM)

Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017: Lần đầu tiên biểu diễn tác phẩm 'đẳng cấp thượng thừa'

Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017: Lần đầu tiên biểu diễn tác phẩm 'đẳng cấp thượng thừa'

Tối nay 8/11 tại Nhạc viện TP.HCM sẽ khai mạc Liên hoan Guitar Quốc tế Sài Gòn 2017, đây là lần thứ tư Liên hoan được tổ chức. Năm nay tham dự Liên hoan có các nghệ sĩ quốc tế đến từ Mỹ, Nhật, Pháp, Brazil, Cộng hòa Czech, Thái Lan và Malaysia.

Bình Minh

loading...
Viết bình luận

Tin tức Du lịch

loading...