Bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018: Bức tranh nghệ thuật đa sắc màu
(Thethaovanhoa.vn) – Tối 31/8, Lễ Bế mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 (đợt 2) đã diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương – Đà Nẵng với những tiết mục đặc sắc nhất của liên hoan và lễ trao giải.
- Hoành tráng đêm khai mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc đợt 2
- Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, H’Hen Niê dự khai mạc Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2018 đợt 2
- Lễ bế mạc Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc 2018
Trải qua 12 ngày diễn, 18 đơn vị, 18 chương trình với trên 1.000 nghệ sĩ và hàng trăm tác phẩm nghệ thuật ca múa nhạc đã được thể hiện trên sâu khấu Nhà hát Trưng Vương.
Đánh giá chất lượng Liên hoan, nhạc sĩ Tào Tuấn Phương, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, nhận định: “Liên hoan lần này không bị gò bó bởi đề tài, chính điều đó đã góp phần thúc đẩy tính sáng tạo của nghệ sỹ đồng thời tạo ra bức tranh nghệ thuật đa sắc màu và tăng tính hấp dẫn cho các chương trình.
Đã xuất hiện những dàn nhạc điện tử và dân tộc có trình độ, được phối khí, dàn dựng mới, lạ. Ngoài những nhạc sĩ dày dạn kinh nghiệm sáng tác, đã xuất hiện những nhạc sĩ trẻ tài năng như: Dương Cầm, Đức Tân, Xuân Huy, Minh Đức…đóng góp cho liên hoan những tác phẩm âm nhạc độc đáo, hiện đại và đậm chất dân tộc”.
Cũng theo nhạc sĩ Tuấn Phương, trình độ múa của các đoàn không chênh lệch nhiều và có những bước tiến đáng kể, xuất hiện những solist trẻ tiềm năng. Nhiều tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao và vẫn cuốn hút người xem.
Tuy nhiên, ông cũng đưa ra một số điểm hạn chế bao gồm: một số chương trình vẫn dàn dựng theo lối mòn và một số đơn vị sử dụng quá nhiều cộng tác viên.
Thay lời tuyên bố bế mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên hoan nghênh các đoàn: “Dù biết rằng trước mắt là con đường nghệ thuật và đời sống nhiều thử thách chông gai, nhưng qua những gì các bạn thể hiện trên sân khấu này, có thể khẳng định rằng nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn, tranh thủ được cơ hội trong bối cảnh hiện nay để có những bước phát triển mới, góp phần xây dựng tương lai tốt đẹp của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà”.
Kết thúc chương trình, Ban Tổ chức đã trao 45 huy chương vàng, 31 huy chương bạc cho các tiết mục ở thể loại đơn ca, song ca, tốp ca, hòa tấu, múa…; 4 huy chương vàng cho các chương trình nghệ thuật xuất sắc. Đặc biệt, Ban Tổ chức còn trao 1 giải xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang cho chương trình Tình yêu bầu trời của Đoàn Văn công quân chủng Phòng không Không quân và 1 giải đặc biệt cho chương trình Lưỡng cực của Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam. Bên cạnh đó, liên hoan cũng vinh danh nhiều cá nhân xuất sắc.
Liên hoan diễn ra trong bối cảnh các đơn vị nghệ thuật đang phải đứng trước thử thách lớn lao của tiến trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 của Đảng về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Nhiều đơn vị sẽ phải tự chủ hoàn toàn, số khác phải sáp nhập với Trung tâm Văn hóa, gây ảnh hưởng ít nhiều tới tư tưởng, tình cảm của các nghệ sĩ, diễn viên.
Trước đó, ngày 30/8, cũng trong khuôn khổ Liên hoan, đã diễn ra tọa đàm “Định hướng phát triển nghệ thuật ca múa nhạc đối với các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ trong tình mới”. Thảo luận đã thu hút nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nghệ sĩ, đơn vị báo chí với những ý kiến chia sẻ, đóng góp về các vấn đề xoay quanh lĩnh vực hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong bối cảnh thực tế hiện nay.
Thư trưởng Duy Biên hi vọng các kỳ liên hoan tới sẽ là là “một sân chơi nghệ thuật đỉnh cao, mang đến nhiều niềm vui và tinh thần sáng tạo cho tất cả các nghệ sĩ, nơi tìm kiếm và phát hiện những tài năng nghệ thuật…”.
Giả Bình. Ảnh: BTC