loading...
(Thethaovanhoa.vn) - Thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên nằm ven lòng hồ Thủy điện Sơn La, là thủ phủ, trung tâm văn hóa của người Thái trắng tại Điện Biên. Hiện nay, dân tộc Thái trắng ở thị xã Mường Lay có tỷ lệ đông nhất với khoảng 70% dân số thị xã. Công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc, đặc biệt là đối với dân tộc Thái, ngành Thái trắng trên địa bàn luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm.
Cuốn Kin Pang Then (NXB Văn hóa Dân tộc, 2009) của Đỗ Thị Tấc trong đó bà khảo cứu sự di chuyển của tộc người Thái Trắng vào tỉnh Lai Châu, không căn cứ vào các sách nghiên cứu mà căn cứ vào gia phả của một số dòng họ
Ông Quàng Văn Sinh, Phó trưởng phòng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên cho biết: Thực hiện “Đề án Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số thị xã Mường Lay gắn với phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020” gặp nhiều khó khăn bởi trong quá trình phát triển, thị xã đã bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khách quan, nền văn hóa các dân tộc trên địa bàn nói chung, dân tộc Thái trắng nói riêng có nhiều yếu tố bị mai một và có nguy cơ biến mất. Mặt khác, do thiếu kinh phí thực hiện nên các mục tiêu của đề án triển khai còn chậm. Tuy nhiên, Đề án cũng đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Giai đoạn 2011-2018, thị xã Mường Lay đã tổng kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 25 bản dân tộc Thái trắng sinh sống; mở được 44 lớp dạy chữ Thái cho hơn 1.000 học sinh theo học; từ năm 2014 đã phục dựng thành công Lễ hội đua thuyền đuôi én và tổ chức hằng năm, thu hút đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh về dự. Đặc biệt, địa phương đã phục dựng và bảo tồn được hai di sản văn hóa dân tộc của dân tộc Thái trắng là Nghệ thuật Xòe Thái và Lễ Kin Pang Then. Hai di sản này đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
“Nghệ thuật Xòe Thái” là hoạt động văn hóa giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay. Múa Xòe đã trở thành hoạt động văn hóa tinh thần không thể thiếu được của đồng bào Thái Tây Bắc. Thông qua vòng xòe, mối quan hệ làng bản, quan hệ người với người gắn bó, đoàn kết hơn. Tại tỉnh Điên Biên, trung tâm ghi dấu về sự phát triển của những điệu xòe là thị xã Mường Lay.
Còn Lễ “Kin Pang Then” (Hội Then) vừa là nét sinh hoạt văn hóa độc đáo, vừa nghi lễ mang tính tâm linh của người Thái trắng ở thị xã Mường Lay. Người Thái trắng quan niệm, phía trên thế giới thực của con người là thế giới của vua Trời, cõi trời cũng là một Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua Trời là các Then. Hằng năm, vào ngày mồng 3 tháng Giêng và ngày 14 tháng 8 âm lịch, vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới chơi nên các Thầy Then trần gian đều tổ chức cúng khai đàn, bày lễ cúng Then để tạ ơn các vị Then trên trời và cầu mưa, cầu mùa, cầu phúc, cầu lộc cho muôn dân và bản mường. Lễ Kin Pang Then đang được tỉnh Điện Biên lập hồ sơ đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng với việc điều tra, nghiên cứu, sưu tầm, phân loại và đề nghị công nhận các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của các dân tộc trên địa bàn, thị xã Mường Lay đang tiếp tục bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng bằng việc truyền dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái; tổ chức hoạt động hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa tại các địa bàn nơi người Thái sinh sống. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh việc đầu tư phát triển, nâng cao giá trị văn hóa, phát huy vai trò của các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc Thái; xây dựng các Câu lạc bộ văn hóa-thể thao-du lịch ở các xã, phường về cả quy mô tổ chức, quy chế hoạt động và phương thức hoạt động mang bản sắc dân tộc Thái trắng; tích cực tổ chức các trò chơi dân gian của người Thái trắng tại các bản và khuyến khích đưa vào hoạt động giáo dục ngoài giờ tại các trường học…
Để đưa “nghệ thuật xòe Thái”- loại hình văn hóa truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu mang tính nhận diện của dân tộc Thái trắng đến với mọi người trên địa bàn, thị xã Mường Lay đã thành lập 3 Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa nghệ thuật dân tộc Thái đi vào hoạt động. Hạt nhân của những Câu lạc bộ này là những người hiểu rõ, nắm chắc và trình diễn thành thạo nghệ thuật Xòe Thái cổ. Trong quá trình sinh hoạt tại các phường, xã tinh hoa của Xòe Thái cổ sẽ được truyền dạy cho các học viên tham gia. Đồng thời, các Câu lạc bộ này cũng trực tiếp điền dã sưu tầm, nghiên cứu, dày công phục dựng các điệu múa xòe cổ đã bị mai một, thất truyền và phục dựng trang phục truyền thống của dân tộc Thái trắng.
Với Lễ “Kin Pang Then”, nghệ nhân ưu tú Vàng Văn Thức (bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay), nghệ nhân loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng, người nắm giữ về di sản Then cũng đang nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng người Thái trắng qua việc gìn giữ và thực hành di sản tín ngưỡng Then. Nghệ nhân Vàng Văn Thức (sinh năm 1962, bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên) có thể thực hành trình diễn hát then trong các lễ Then như: Then giải hạn, Then cấp sắc, Then cầu yên, Hội Then...Bằng tài năng của mình, ông còn chế tác được cây đàn tính có hình dáng đẹp, âm sắc đạt chuẩn dựa trên kỹ thuật chế tác theo tiêu chuẩn lý tính, hóa tính và vật lý âm thanh. Đặc biệt hơn, vì lo lắng đàn tính và văn hóa truyền thống của người Thái trắng bị mai một ông sẵn sàng truyền dạy cách thức sử dụng đàn tính tẩu, các làn điệu hát Then cho người dân trên địa bàn. Bản thân ông đã tích cực, đóng góp một phần không nhỏ trong việc phục dựng thành công hai loại hình di sản văn hóa truyền thống độc đáo, đặc sắc của người Thái trắng Mường Lay là Lễ hội đua thuyền và Nghệ thuật múa Xòe Thái.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thủy Tiên, Viện Âm nhạc, Then là hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng lâu đời của người Tày, Nùng và Thái trắng ở miền núi phía Bắc nước ta. Nơi đâu có người Tày, Nùng, Thái trắng định cư, nơi đó có hình thức sinh hoạt tín ngưỡng Then được duy trì. Tính đến năm 2017, Viện Âm nhạc qua quá trình điền dã đã thống kê được tổng số nghệ nhân Then (người đang hành nghề Then) tại 11 tỉnh vùng núi Tây Bắc và Đông Bắc có hơn 800 nghệ nhân, thuộc các dân tộc Tày, Nùng, Thái và một số dân tộc khác, trong đó dân tộc Thái có 21 nghệ nhân, riêng tỉnh Điện Biên có 5 nghệ nhân.
Theo ông Quàng Văn Sinh, Phó phòng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, mục tiêu của thị xã Mường Lay trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc nói chung, dân tộc Thái trắng nói riêng là phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng dân tộc; phát huy được vai trò chủ thể văn hóa trong phát triển giá trị các dân tộc, xóa bỏ các hủ tục, qua đó giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, con người, lòng tự hào dân tộc và truyền thống đoàn kết toàn dân. Trên tinh thần đó, từ nay đến năm 2020, Mường Lay sẽ lựa chọn, ưu tiên hỗ trợ nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các loại hình di sản văn hóa một cách hợp lý. Trong đó tập trung hỗ trợ bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tại địa bàn tổ dân phố, bản; chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu, các loại hình biểu diễn truyền thống, nghề thủ công truyền thống, các trò chơi dân gian… gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng văn hóa, tài nguyên du lịch nhân văn phục vụ phát triển văn hóa, du lịch của thị xã.
Khánh An/TTXVN
loading...