loading...
(Thethaovanhoa.vn) – Chiều ngày 8/1, Bảo tàng Đà Nẵng chính thức ra mắt Hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động, Ngân hàng dữ liệu Di sản Văn hóa Đà Nẵng và Bộ nhận diện Bảo tàng Đà Nẵng.
Lần đầu tiên, những tác phẩm đá cảnh Suiseki được giới thiệu đến công chúng trong triển lãm “Nghệ thuật đá cảnh Suiseki” tại Bảo tàng Đà Nẵng. Những hòn đá tự nhiên không mài giũa nhưng lại có hình hài đặc biệt về con người, thiên nhiên mang đến nhiều thú vị, bất ngờ cho người xem.
Theo đó, Hệ thống thuyết minh đa ngữ qua thiết bị di động là phương cách giúp cho du khách có thể tìm hiểu thông tin về nội dung trưng bày của Bảo tàng thông qua việc sử dụng thiết bị điện thoại di động thông minh để quét mã QR Code được gắn cho hiện vât.
Du khách có nhu cầu tìm hiểu về các hiện vật trong Bảo tàng chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh kết nối wifi (miễn phí tại Bảo tàng), tải ứng dụng này trên App Store hoặc Google Play về máy và tiến hành quét mã QR Code thì có thể nghe giới thiệu về nội dung của 600 tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng. Hệ thống này có thể hỗ trợ cho rất nhiều đối tượng khách tham quan cùng một lúc có thể nghe nội dung trưng bày của Bảo tàng.
Hệ thống được Sở KH-CN Đà Nẵng ban hành quyết định phê duyệt vào tháng 10/2016, do Đại học Đà Nẵng chủ trì và Bảo tàng Đà Nẵng phối hợp thực hiện với mục tiêu ứng dụng CNTT để hỗ trợ hoạt động thuyết minh các nội dung, tư liệu, hiện vật đang được trưng bày tại Bảo tàng.
Nhằm góp phần tạo dựng hình ảnh mới của Bảo tàng, Logo Bảo tàng Đà Nẵng cũng chính thức ra mắt với đường nét hiện đại, độc đáo và mạnh mẽ, với bố cục bên ngoài là hình tròn tượng trưng cho trời, giữa là lỗ hình vuông tượng trưng cho đất. Sự hòa quyện của Trời ngoài, Đất trong tượng trưng cho sự sinh sôi, phát triển và thịnh vượng.
Trung tâm logo là hình ảnh cách điệu về Di tích Quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải. Hình ảnh chủ đạo ở trung tâm logo được cách điệu logic với các chữ cái: D - N- M, từ ba chữ cái đầu tiên của tên gọi Bảo tàng theo tiếng Anh là Da Nang Museum, mang ý nghĩa cho thương hiệu Bảo tàng Đà Nẵng.
Đặc biệt trong dịp này, Bảo tàng Đà Nẵng cũng tổ chức ra mắt và đi vào hoạt động Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu văn hóa phi vật thể (VHPVT) các dân tộc Việt Nam tại Bảo tàng Đà Nẵng để phục vụ công chúng, lấy tên gọi là “Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng”.
Theo đó, Trạm vệ tinh Ngân hàng dữ liệu VHPVT các dân tộc Việt Nam là dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa thực hiện nhiệm vụ sưu tầm, ghi chép di sản VHPVT của địa phương, tổ chức biên tập thành sản phẩm lưu trữ tại Trạm để giới thiệu đến công chúng; phục vụ công tác nghiên cứu, học tập, trao đổi văn hóa… đồng thời, chuyển dữ liệu về Ngân hàng dữ liệu của Bộ VHTTDL, kết nối và tiếp nhận sản phẩm của Ngân hàng dữ liệu nhằm trao đổi dữ liệu, thông tin tạo hệ thống thông suốt. Trong giai đoạn đầu, Bảo tàng Đà Nẵng sẽ đưa vào lưu trữ trong hệ thống Ngân hàng về các di sản VHPVT, giai đoạn tiếp theo sẽ cập nhật và lưu trữ các di sản văn hóa vật thể tại TP Đà Nẵng.
Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao Đà Nẵng cho biết: “Việc ra mắt Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng là một yêu cầu cấp thiết nhằm đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ tin học vào công tác sưu tầm, lưu trữ và bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của TP; đồng thời quảng bá, giới thiệu với công chúng về các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung được lưu trữ trong hệ thống Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng tại Bảo tàng Đà Nẵng”.
Hiện nay, Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng lưu trữ 3.368 tư liệu về VHPVT của thành phố Đà Nẵng, gồm: 248 tư liệu ghi chép ở dạng bài viết; 3.043 tư liệu hình ảnh; 64 tư liệu phim; 13 tư liệu ghi âm và sưu tầm một số tư liệu di sản văn hóa phi vật thể các dân tộc Việt Nam. Sau khi ra mắt, Ngân hàng dữ liệu di sản văn hóa Đà Nẵng chính thức phục vụ công chúng tại Bảo tàng Đà Nẵng vào các ngày thứ 3 và thứ 5 hàng tuần.
Hoàng Yến
loading...